“Xin hỏi anh chị em trong nhóm ở Hà Nội, sáng 21/9 chạy được chưa nhỉ???”, “Các bác cho em hỏi Hà Nội sau ngày 21/9 ra đường chạy có bị phạt không ạ? Em thấy ở quận Hoàn Kiếm vẫn phạt người đi tập thể dục”... là hai trong số rất nhiều những thắc mắc của các chân chạy phong trào trong một số hội nhóm thể thao thời gian qua.
21/9/2021 là thời điểm thành phố Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội sau nhiều tháng áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19. Thực tế, chỉ thị này chỉ giảm mức độ từ Chỉ thị 16 xuống 15, tức trong đó nới lỏng một số hoạt động như: cho phép các chợ, siêu thị mở cửa; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu được phép hoạt động… nhưng vẫn chưa cho phép các hoạt động thể thao, văn hóa, giải trí được tổ chức ở nơi công cộng.
Sau 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, kèm theo đó là vài lần áp dụng các đợt giãn cách xã hội có thời gian lên đến vài tháng mỗi lần, người dân đã dần quen với nếp sống “ở yên trong nhà”, “không có nhu cầu thiết yếu thì không ra đường”, “làm việc từ xa” và “tập thể dục tại chỗ”…
Đối với những người ưa vận động, việc hàng tháng trời bị hạn chế mức độ tập luyện đã thay đổi hoàn toàn lối sống cũng như cách rèn luyện thân thể. Có người thích nghi được, chuyển sang luyện các bài bổ trợ trong không gian hẹp để giữ phong độ, hay đơn giản là giữ dáng, tránh tăng cân. Nhưng cũng có người không chịu được nên phát sinh ý định ra ngoài tập thể dục bất chấp lệnh cấm.
Cụm từ “chạy trộm” bắt đầu được truyền nhau để chỉ những buổi chạy lén lút ở những khung giờ hiểm, không gian kín đáo… để tránh bị phát hiện, tránh bị lực lượng chức năng bắt và phạt tiền theo quy định.
“Tôi thường âm thầm chạy ở khu quanh nhà tầm 10 giờ đêm mà vẫn sợ bị phạt 2-3 triệu đồng”. “Anh chị em cứ chạy tầm 3-4 giờ sáng thì không có ông dân phòng, công an nào dậy bắt đâu”. “Tôi thì cầm theo gói xôi hay cái bánh mì để chạy, nhỡ ai túm lại hỏi thì bảo đi mua đồ ăn cho con”… là lời tâm sự của một số người tập thể dục mùa dịch bệnh thời gian qua.
Có người nêu quan điểm: “Việc chính quyền Hà Nội vẫn chưa cho phép các hoạt động tập luyện thể dục thể thao ngoài trời như đi bộ, chạy, đạp xe... cá nhân là thiếu cơ sở khoa học trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Tập luyện thể thao là nhu cầu thiết yếu của con người. Không ai có thể tập luyện mãi trong nhà bởi quá trình tự tập luyện vô cùng nhàm chán, bí bách, chưa kể thiếu không gian và trang thiết bị tập luyện. Nếu đi bộ, chạy bộ hay đạp xe một mình, áp dụng 5K, đeo khẩu trang đầy đủ thì nguy cơ lây bệnh thấp hơn rất nhiều so với việc đi chợ, siêu thị mua hàng…
Nên thay vì cấm người dân không được ra đường, công viên, chạy bộ, đi bộ, đạp xe thì chính quyền chỉ nên cấm tụ tập 2 người trở lên và bắt nộp phạt với người không đeo khẩu trang…”.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết việc thiếu tập luyện trong thời gian dài khiến cho trẻ nhỏ dễ béo phì, cận thị, người lớn thừa cân, tăng nguy cơ mắc bệnh không lây, trầm cảm. Việc phạt người dân tập luyện ngoài trời là cách làm chưa khoa học.
PGS. TS Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế dự phòng, thì cho biết: "Con đường lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 không thay đổi, vẫn là qua tiếp xúc gần khi bàn tay sờ vào vật dụng có giọt bắn của virus và đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Do vậy, nguy cơ nhiễm bệnh khi tập thể dục dù là ở ngoài trời tại nơi công cộng là vẫn có. Khi mọi người tập luyện đông người sẽ có tiếp xúc gần, cộng thêm việc nói chuyện, không tuân thủ phòng chống dịch về khoảng cách, đeo khẩu trang thì nguy cơ rất lớn...”.
Những luồng ý kiến trái chiều này vẫn khiến trào lưu “chạy trộm mùa dịch bệnh” diễn ra. Vậy làm sao để dung hòa giữa chế tài của cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu tập luyện thể dục thể thao giữ gìn sức khỏe của người dân?