Trong bối cảnh phong trào chạy bộ tại Việt Nam đang ngày càng phát triển thì những giải chạy địa hình đưa các cự ly “siêu khủng” vào thi đấu là điều hoàn toàn dễ hiểu. Sau 3 năm tổ chức, Dalat Ultra Trail đã nhanh chóng bổ sung vào danh sách nội dung thi đấu cự ly 100km đầy thử thách.
Năm ngoái, khi mới chỉ dừng lại ở cự ly dài nhất là 70km, Dalat Ultra Trail đón tiếp một trong những chân chạy siêu địa hình tốt nhất trên thế giới, đó là Ellis John đến từ Australia. VĐV thi đấu với phong cách tối giản: không gậy, thậm chí là không cần mặc áo… này chỉ mất 7 giờ 3 phút cho quãng đường “hơn” 70km (thông thường chạy địa hình sẽ cho quãng đường dài hơn so với cự ly chuẩn).
Năm nay, cự ly 100km hứa hẹn sẽ hấp dẫn không kém khi sẽ là cuộc đối đầu của những chân chạy siêu địa hình nội. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đường bay quốc tế chưa được nối lại nên sẽ không có các “elite” ngoại tham dự. Thay vào đó sẽ là những VĐV trong nước và những chân chạy quốc tịch nước ngoài hiện đang sinh sống tại Việt Nam.
Những chân chạy siêu địa hình nổi tiếng của Việt Nam hiện nay như Quang Trần, người từng hoàn thành đường chạy 260km trong 32 giờ tại Hy Lạp, từng vô địch 100km tại giải chạy ở Sa Pa… hay cậu em Đỗ Trọng Nhơn đang nổi lên là một VĐV trẻ đầy tiềm năng. Chàng trai quê Bình Định đã đứng bục nhiều cuộc thi trong và ngoài nước ở những cự ly ultramarathon.
Đường chạy 100km năm nay là cung mới hoàn toàn, được ban tổ chức thiết kế đủ thử thách cho các VĐV thử sức. Các VĐV sẽ chạy qua hai chiếc cầu treo La Bá và La Bá 2 nối hai bờ sông Đa Nhim - địa điểm du lịch mới được nhiều bạn trẻ yêu thích trong thời gian gần đây.
Điểm thấp nhất của đường chạy 100km sẽ là 1.090m so với mực nước biển, tại điểm km 21,33. Trong khi đó, điểm cao nhất lên tới 2.107m, đặt tại km 82. Đây quả là một thử thách không nhỏ khi các VĐV đã trải qua phần lớn hành trình đầy mệt mỏi trước khi phải leo núi để về đích.
Điểm lên dốc nhất của cung đường có độ dốc lên tới hơn 42%, nằm tại km 78. Trong khi đó, điểm xuống dốc “gắt nhất” cũng đạt độ dốc gần -35% (km 83,7). Như vậy, sau khi vừa lên đoạn núi cao nhất, các VĐV sẽ đối mặt với đường dốc xuống sâu thăm thẳm.
Sẽ có tổng cộng 10 điểm kiểm tra, dừng chân (checkpoint - CP) đặt dọc quãng đường 100km. CP1 có độ dài hơn 14km. Chính vì vậy, các VĐV phải chuẩn bị nước và đồ ăn cẩn thận để tránh đói, khát. Đó sẽ là điểm CP có khoảng cách xa nhất, còn lại đều trung bình trên dưới 10km một chút sẽ có điểm CP.
100km sẽ xuất phát lúc 10 giờ đêm ngày 19/6/2020 từ Quảng trường Lâm Viên. Đây là cự ly duy nhất xuất phát từ biểu tượng của thành phố Đà Lạt. Còn lại các cự ly 70km, 45km, 21km, 10km sẽ xuất phát và về đích tại TTC World - Thung Lũng Tình Yêu.
Năm nay, ban tổ chức sẽ nới rộng giờ giới hạn (COT) tổng lên đúng 24 giờ và kèm theo các điểm CP có COT gắt gao. Những VĐV nào đi qua các điểm CP có COT sẽ phải dừng lại và bị đánh không hoàn thành (DNF). Vào tháng 6, Đà Lạt sẽ đón những cơn mưa đầu mùa, báo hiệu một chặng đường đua gian khó cho các VĐV, bởi dính nước ngay từ sớm có thể sẽ khiến các VĐV nhiễm lạnh và không thể tiếp tục cuộc đua.