Không hẹn mà gặp, các đội chơi TLAR 2017 đã biến Đà Lạt Ultra Trail 2018 thành một Tú Làn Adventure Race thu nhỏ tại Đà Lạt.
Đà Lạt Ultra Trail 2018 là giải chạy địa hình qui mô lớn đầu tiên và duy nhất ở phía Nam. Giải chạy thu hút được rất nhiều VĐV, những người yêu thiên nhiên, yêu Đà Lạt tham gia.
Trong số gần 2300 VĐV có mặt ở thành phố ngàn hoa, rất nhiều người đã từng tham gia thử thách Tú Làn Adventure Race (TLAR) năm ngoái. Do TLAR giới hạn số đội và số người tham dự nên những người đã tham gia mùa trước không được góp mặt ở mùa sau. Chính vì thế, các đội chơi không hẹn mà gặp đã biến Đà Lạt Ultra Trail 2018 thành một Tú Làn Adventure Race thu nhỏ.
Đông đảo nhất phải kể đến đội 6789 với 100% các thành viên hiện đang sinh sống ở Tp.HCM. Đội “san bằng tất cả” có tới 8/10 thành viên chạy các cự ly từ 21km đến 70km. Anh Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Đường chạy Đà Lạt đẹp nhưng độ khó thì vừa phải. Trừ tôi chạy trước thì mọi người đều chạy cùng nhau cả. So với Đà Lạt, Tú Làn có đường chạy ngắn hơn nhưng địa hình thay đổi liên tục, đa dạng, do do trơn trượt và phải đi cùng nhau. Nếu Tú Làn có đường chạy 42km thì Tú Làn khó hơn Đà Lạt”.
Cùng chung suy nghĩ, chị Lê Diệu Linh, thành viên lớn nhất đội 6789 và cũng lớn tuổi nhất Tú Làn Adventure 2017, cho biết đường chạy Đà Lạt có độ dốc vừa phải còn cảnh đẹp ở hai nơi như nhau. Sau giải Tú Làn năm ngoái, chị Linh đã tham gia khá nhiều giải chạy. Dù lớn tuổi song chị Linh thi đấu xuất sắc hơn nhiều VĐV trẻ khác khi đạt hạng 3 nhóm tuổi 50-59 nữ ở cự ly 21km, chỉ sau 2 VĐV người nước ngoài. Sau thử thách Tú Làn, chị vẫn giữ phương châm đầu tư cho thể thao, tham gia các giải chạy thay vì mua thuốc bổ.
Trái với nhận định của đội 6789, anh Đoàn Phương, thành viên duy nhất của đội VCL, lại cảm thấy đường chạy của Đà Lạt Ultra Trail rất thách thức và khó quên. “Do anh Khánh cùng đội VCL đăng ký 70km rủ tôi. Anh nói tôi cứ đăng ký 42km để làm động lực cho mình tập luyện thế là tôi đăng ký. Nhưng cuối cùng gần tới ngày thì anh ấy bị đau chân vì thế chỉ có mình tôi thi. Ở đây đường khó hơn vì đồi dốc liên tục, đường chạy nhiều đá dễ gây chấn thương cho VĐV. Tôi bị đau cổ chân trái khi xuống dốc có rất nhiều đá, nếu không bị đau cổ chân thì tôi đã về đích sớm hơn”.
Đây cũng là lần đầu tiên anh Phương hoàn thành cự ly marathon 42km. Trước đó, cự ly dài nhất mà anh Phương tham gia mới chỉ là 21km. “Tôi được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc đua này. Cảm động nhất là được hai con đã chờ đợi trong thời gian dài để được đón ba về đích, BTC đã giao kỷ niệm chương Finisher cho hai nhóc để tự tay trao cho ba”.
Tại TLAR 2017, đội “10 cô gái hắc tuộc” 10SOA gây ấn tượng nhất bởi tất cả các thành viên đều là những người phụ nữ cá tính. Tại Đà Lạt, 10SOA có 4 người tham gia. Chị Sen Lê, một cái tên rất quen thuộc trong cộng đồng xe đạp đã hoàn thành 21km với thời gian 3 giờ 38 phút, xếp hạng 5 nhóm tuổi 50-59. Nhớ về TLAR (mùa giải năm nay sẽ diễn ra trong 10 ngày nữa), chị vẫn thấy tiếc nuối vì không được...phục thù. "Cái gì mình thất bại thì phải cố gắng ở lần sau, tiếc là BTC không cho mình thi lại Tú Làn, nếu có, lần này về đích tôi sẽ cười tươi chộp hình chứ không phải khóc như năm 2017".
>> Ấn tượng các team "bánh bèo" dễ thương tại Tú Làn Adventure 2017
“Nàng tiên cá” Trần Ngọc Anh, đội phó 10SOA nhận xét: “Đường chạy Đà Lạt đẹp, khó vừa phải, rất phù hợp cho những ai muốn tìm hiểu chạy trail trong khi địa hình Tú Làn thay đổi hấp dẫn hơn từ đồng bằng, bản ruộng, rừng rậm, núi, suối, hang... khiến người chơi phải vận động không ngừng để tiếp nhận những thay đổi trước mắt”.
Cũng như Ngọc Anh, nhiều thành viên của 10SOA và các đội khác đều rất tiếc vì không thể góp mặt ở thử thách Tú Làn Adventure Race mùa 2018 do số lượng đội chơi có giới hạn. Tất cả đều gửi lời chúc may mắn đến 100 người sẽ tham gia TLAR mùa giải 2018.