Đâu mới là giới hạn tốc độ con người trong môn chạy 100m?

thứ bảy 13-8-2016 12:45:19 +07:00 0 bình luận
Cùng sự xuất hiện của những VĐV xuất sắc và sự phát triển của khoa học thể thao, câu hỏi đang được đặt ra: Đâu mới là giới hạn tốc độ con người ở môn chạy 100m?

Một thế kỷ về trước, đạt được thành tích 10 giây 6 đã đủ để giành HCV cự li chạy 100m nam. Nhưng đến năm 1968, Jim Hines đã lần đầu tiên chứng minh được sức mạnh con người có thể vượt qua ngưỡng 10 giây với kỷ lục 9 giây 95. Kỷ lục thế giới hiện nay đang là 9 giây 58 do vận động viên người Jamaica Usain Bolt lập được vào năm 2009.

Cùng với sự xuất hiện của những vận động viên xuất sắc và sự phát triển của khoa học thể thao, câu hỏi đang được đặt ra: Đâu mới là giới hạn tốc độ con người trong môn chạy 100m?

Nhà khoa học thể chất và thể thao người Australia Jeremy Richmond cho hay các vận động viên chạy nước rút đang có một vài kỹ thuật mới cho phép họ bùng nổ sức bật lớn hơn nữa trong các kỳ thi đấu. Trong một tương lai không xa, kỷ lục cự li chạy 100m thậm chí có thể xuống đến 9 giây 3 - con số gần như không tưởng trong tất cả các báo cáo thể thao.

Một kỹ thuật trong số đó được gọi là plyometrics - nôm na là luyện "nhảy".

"Đang có rất nhiều vận động viên - đặc biệt là các vận động viên Jamaica - thêm mục chạy vượt rào vào danh sách tập luyện của họ," Richmond phân tích. "Việc chạy nhấc cao chân có lợi cho sự phát triển của cơ cẳng chân, đặc biệt là phần cơ Soleus (nằm ở 2 bên rìa dưới của bắp chân). Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy cơ Soleus càng phát triển thì khả năng bật tốc càng nhanh."

d

Chạy cao chân giúp phát triển cơ Soleus

"Cải thiện cơ Soleus có tác động nhiều nhất đến sự gia tốc của vận động viên trong 10m đầu tiên, thời điểm mà tốc độ trung bình của vận động viên là thấp nhất."

Một yếu tố khác là thể hình của vận động viên. Cùng với sự phát triển về dinh dưỡng, những vận động viên cao đến 1m95 như Usain Bolt sẽ không còn hiếm nữa. Theo Richmond, thể hình của Bolt cũng là một nhân tố không thể thiếu khiến anh trở thành vận động viên điền kinh thành công nhất thời điểm hiện tại.

"So sánh giữa hai vận động viên chạy nước rút, nếu một người cao hơn người kia 10%, trên lý thuyết thì người cao hơn sẽ giảm bớt 10% thời gian tiếp xúc với mặt đường chạy, tương đương với 10% tốc độ nhanh hơn. Có điều, sải chân càng dài thì năng lượng để đưa chân về phía trước sẽ càng lớn, điều đó hạn chế các vận động viên quá cao."

Mặc dù lạc quan cho rằng việc thành tích chạy 100m sẽ có thể được rút ngắn rất nhiều trong vài năm tới, Jeremy Richmond cũng cho biết có tồn tại một giới hạn về tốc độ:

"Kỷ lục sẽ được phá trong thời gian tới. Nếu các vận động viên lợi thế chiều cao có cái hông dẻo hơn, các vận động viên nhỏ người có sự co duỗi các cơ nhanh hơn, con số lạc quan nhất mà tôi sẽ đưa ra là 9 giây 27. Các vận động viên chạy nước rút có thể chưa làm được điều này ở Olympic tại Rio, nhưng khả năng sẽ có một kỷ lục mới tại Olympic ở Tokyo năm 2020."

s

Thành tích chạy 100m sẽ có thể được rút ngắn rất nhiều trong vài năm tới

"Tôi không chắc rằng trong tương lai con người có thể vượt được mốc 9 giây 2 hay không", Richmond nói. "Muốn điều đó xảy ra, cơ thể cần có những khối xương rất nặng, mà đến lúc đó trọng lượng sẽ quay ngược lại cản trở tốc độ của người chạy nước rút."

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm