ĐKVĐ Olympic Caster Semenya sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trước qui định mới mà IAAF sắp áp dụng. Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) mới đây đã giới thiệu luật mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/11 và sẽ được áp dụng tại Tokyo 2020.
Nhằm tạo ra một cuộc chơi công bằng hơn giữa các VĐV nữ, IAAF điều chỉnh qui định nồng độ testosterone tối thiểu có trong cơ thể là 5nanomoles/1 lít, thấp hơn hẳn một nửa so với qui định trước đây (10 nanomoles/1 lít). Qui định này áp dụng cho các VĐV nữ thi đấu ở các nội dung 400m, 800m, nhảy rào, chạy 1 dặm, 1.500m hay các môn thể thao phối hợp có các cự ly thi đấu từ 400m đến 1 dặm.
CASTER SEMENYA
Nữ VĐV Nam Phi, sinh năm 1991
2008: HCV giải trẻ VĐTG 800m
2015: HCV Đại hội thể thao châu Phi 800m
2016: Vô địch châu Phi 800m, 1500m, 4x400m
HCV Olympic 2012, 2016 800m
3 lần VĐTG 2009, 2011, 2017 800m
HCV Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung 2018 800m, 1500m
Giữ KLQG Nam Phi cự li 1500m (3:59.92)
Caster Semenya là VĐV điền kinh nữ nổi tiếng thế giới với thân hình và thể lực vượt trội hơn so với các chị em phụ nữ khác, nếu không muốn nói là như đàn ông. Trong cơ thể của Caster Semenya, nồng độ testoterone cao hơn mức trung bình của phụ nữ.
Nếu luật mới của IAAF được thực thi, Caster Semenya sẽ không còn được thoải mái thi đấu ở cự ly "tủ" 800m và 1500m. Thay vào đó, cô sẽ phải nhờ đến sự trợ giúp của y tế để điều chỉnh nồng độ testoterone trong cơ thể dưới mức cho phép (5nanomoles/1 lít) để đáp ứng tiêu chuẩn hoặc phải chuyển sang thi đấu ở cự ly dài hơn (5.000m) hoặc... thi đấu với các VĐV nam khi nồng độ testoterone vẫn cao vượt ngưỡng.
Theo Caster Semenya, điều luật mới của IAAF không cần thiết về mặt y tế, mang tính "phân biệt đối xử, không hợp lý, không công bằng và vi phạm các qui tắc thể thao cũng như quyền con người".
Caster Semenya chiến thắng cự ly 800m ở một giải chạy tại Mỹ cách đây 1 tháng
Luật sư của Caster Semenya cho rằng thân chủ người Nam Phi có quyền được thi đấu với cơ thể sinh ra tự nhiên chứ không phải bị ép buộc để thay đổi cơ thể bằng bất cứ hình thức y tế nào.
"Tôi chỉ muốn chạy một cách tự nhiên, như cơ thể tôi sinh ra đã vốn có. Thật không công bằng khi người ta bắt tôi phải thay đổi cơ thể của mình", nhà vô địch Olympic người Nam Phi bày tỏ.
Theo IAAF, một VĐV có sự khác biệt về sự phát triển giới tính (viết tắt: DSD) thì có lợi thế khi thi đấu khoảng 5-6% so với các VĐV nữ có nồng độ testoterone ở mức trung bình. Điều này càng đúng trong các cuộc thi điền kinh cự ly từ 400m đến 1.500m, những nội dung mà chỉ cần vài mili giây cũng đủ đem lại sự khác biệt giữa các VĐV giành huy chương.
Lynsey Sharp (Vương quốc Anh), đối thủ của Caster Semenya trên đường chạy 800m ở Rio 2016 đã khóc khi trả lời phỏng vấn BBC: "Thật khó để cạnh tranh với Caster Semenya và những VĐV "lưỡng tính" như vậy"
"Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ điều luật mới này với tòa án thể thao khi cần thiết", đại diện của IAAF cho biết.
Năm 2015, Tòa án thể thao CAS từng "tuýt còi" IAAF về luật áp dụng liên quan đến sự khác biệt về sự phát triển giới tính. Cơ quan tối cao về thể thao này cho rằng chưa có bằng chứng khoa học cụ thể cho thấy lợi thế rõ rệt của những VĐV "nam tính" như Caster Semenya trong các cuộc thi điền kinh và yêu cầu IAAF bổ sung các bằng chứng thuyết phục trong 2 năm (thời hạn đến tháng 7/2017).
"Những người có nồng độ testoterone cao làm cho các cuộc so tài không công bằng đối với những VĐV thi đấu bằng tài năng và cả sự cống hiến" - Paula Radcliffe (VĐTG marathon năm 2005, người hiện giữ kỷ lục marathon 2:15:25)
Caster Semenya không phải là trường hợp VĐV nữ đầu tiên bị IAAF soi giới tính. Cách đây 4 năm, Dutee Chand (sinh năm 1996) cũng là trường hợp gây ra nhiều tranh cãi trong giới thể thao bởi nồng độ testoterone trong cơ thể cao hơn mức trung bình của một VĐV nữ. Dutee Chand từng giành HCĐ nội dung 200m tại giải điền kinh vô địch châu Á 2013. Năm 2014, Dutee Chand không được thi đấu ở Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung do vướng phải điều luật "Hyperandrogenism" (Hội chứng phụ nữ có hormone nam giới quá cao).
Dutee Chand (Ấn Độ) từng kháng cáo với CAS thành công sau khi bị cấm thi đấu ở ĐH thể thao khối Thịnh vượng chung 2014
IAAF đã phải mất thêm 2 năm để tập hợp các nghiên cứu nhằm củng cố và bảo vệ cho qui định của tổ chức này. Năm 2017, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Y học thể thao Anh chỉ ra các VĐV có sự khác biệt về sự phát triển giới tính có lợi thế từ 1,78-4,53% trong các nội dung 400m, 400m rào, 800m, ném lao và đẩy tạ.
Theo IAAF, hầu hết các VĐV nữ đều có nồng độ testoterone ở mức 0,12 đến 1,79 nanomoles/1 lít. Trong khi đó, nồng độ testoterone ở nam giới trung bình khoảng từ 7,7 đến 29,4 nanomoles/1 lít. Không có VĐV nữ nào có nồng độ testoterone từ 5 nanomoles/1 lít trở lên cả. Hay nói cách khác, những VĐV nữ có nồng độ testoterone cao có thể coi là nam về mặt sinh học.
Tỉ lệ VĐV có sự khác biệt về sự phát triển sinh học như vậy là 7/1000 người trong môn điền kinh, cao gấp 140 lần so với mức trung bình của dân số. Hầu hết số này đều thi đấu ở các nội dung 400m đến 1 dặm, những cuộc thi đấu đòi hỏi cả về sức mạnh và sức bền.
Với luật mới, các VĐV như Caster Semenya nếu không muốn làm giảm nồng độ testoterone thì buộc phải chọn lựa: hoặc đổi sang thi đấu cự ly khác dài hơn 1 dặm hoặc thi đấu với các VĐV nam hoặc thi đấu ở nội dung "giới tính lẫn lộn", nếu có.