7 ngày tranh tài sôi nổi của Giải Vô địch Điền kinh Trẻ và các lứa tuổi trẻ Quốc gia 2020 đã kết thúc tốt đẹp tại Tây Ninh với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội và giải ghi nhận 3 kỷ lục quốc gia trẻ ở môn đi bộ và chạy 110m rào.
Trong ngày thi đấu đầu tiên (8/10/2020), hai nội dung đi bộ 5000m nam và đi bộ 3000m nữ đã xuất hiện kỷ lục quốc gia trẻ. Ở nhóm tuổi nam sinh năm 2003-2004, Phùng Kim Quang (2003) đã xuất sắc hoàn thành với thời gian 23 phút 14 giây 21 (23:14.21). Thành tích của anh chàng 17 tuổi người Hà Nội này tốt hơn kỷ lục cũ 23:35.29 do Dương Hữu Tín (Nghệ An) xác lập năm 2013 khi 18 tuổi... tới 11 giây.
Còn ở nhóm tuổi nữ 2003-2004, Đậu Thị Na (2004) của Nghệ An cũng phá kỷ lục quốc gia trẻ với thành tích 15:13:33, vượt qua kỷ lục cũ 15:29.31 của đồng hương Lê Thị Nhất lập tại Hà Nội năm 2013 lúc 17 tuổi.
Kỷ lục quốc gia thứ ba thuộc về nội dung 110m rào nam (2003-2004) khi Nguyễn Khánh Hòa (2003) của Bà Rịa - Vũng Tàu giành huy chương vàng và đạt thông số 14.86. Thành thích của chàng trai 17 tuổi này vượt qua kỷ lục cũ 15.13 do Bùi Quốc Khánh (2003, Quân Đội) lập tại An Giang năm 2019.
Ở các ngày thi đấu còn lại, các VĐV trẻ tạo ra những cuộc đua hết sức hấp dẫn, nhưng không có thêm kỷ lục nào được phá. Một số nội dung đáng chú ý và có khả năng giành huy chương tại SEA Games cũng phát hiện ra các gương mặt trẻ đầy triển vọng.
Nội dung 10.000m vốn nổi tiếng với sự thống trị của lão tướng Nguyễn Văn Lai nhiều năm qua ghi nhận một tài năng trẻ là Nguyễn Quốc Anh (2001) khi giành huy chương vàng với thành tích 33:13.23. Nội dung 3000m chướng ngại vật nữ mà kỷ lục gia Nguyễn Thị Oanh từng giành huy chương vàng ở SEA Games 30 vừa qua cũng xuất hiện những “người kế thừa” tiềm năng như Hồ Thị Thu Hà (2004, Bình Định), người chỉ tham dự để thi đấu kiểm tra thành tích chứ không cạnh tranh huy chương, nhưng đạt thông số 11:50.46 khá tốt (kỷ lục SEA Games của Nguyễn Thị Oanh là 10:00.02).
Nội dung 400m vốn đang là thế mạnh của đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng được chú ý lần này khi các tài năng trẻ được dịp trổ tài, sẵn sàng thay thế các đàn anh như Quách Công Lịch (Thanh Hóa), Trần Đình Sơn (Hà Tĩnh) hay Trần Nhật Hoàng (Khánh Hòa) trong tương lai.
Lê Văn Phúc (2002) của Hà Tĩnh gây chú ý khi giành huy chương vàng 400m nam với thông số 48.03, chỉ hơn người nhì là Dương Văn Tuấn (2001, Thanh Hóa) chút ít: 48.81(6). Xếp thứ ba là Nguyễn Hồ Hải Triều (2001, Khánh Hòa) với thành tích 48.81(8).
Đáng chú ý, VĐV Lê Tiến Long (2001) của Hà Tĩnh xuất sắc giành 2 huy chương vàng ở hai cự ly là 5000m (15:48.16) và 3000m chướng ngại vật (9:36.08) với thông số khá tốt.
Chung cuộc, Hà Nội xếp nhất toàn đoàn với 53 huy chương các loại, trong đó gồm 27 HCV, 15 HCB, 11 HCĐ. Xếp nhì là Hà Tĩnh (12, 3, 10) và thứ ba là Đà Nẵng (7, 8, 8).
Đã có 59 đoàn giành được huy chương và ban tổ chức đã trao tổng cộng 428 các loại, gồm 142 HCV, 14 2HCB và 143 HCĐ.