Hãy tạm gọi Hà Tĩnh là “vùng rốn lũ” của điền kinh Việt với ý nghĩa thân thương hướng về mảnh đất này cùng những địa phương khác ở miền Trung đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của những trận lụt khủng khiếp. Nếu mảnh đấy Tân Hóa (Quảng Bình) được coi là vùng rốn lũ đúng nghĩa đen, khi hàng năm hứng trọn các đợt lụt nghiêm trọng… thì Hà Tĩnh được coi là “rốn lũ” ở môn điền kinh ở thời điểm hiện tại.
Những VĐV Hà Tĩnh thành danh trên đấu trường điền kinh
Trong vài năm gần đây, Hà Tĩnh luôn đóng góp những tài năng đáng chú ý cho điền kinh nước nhà. Đầu tiên phải kể đến Nguyễn Trung Cường, chàng trai sinh năm 2000 nhưng đã có đến 4 năm “ăn cơm tuyển”. Cường quê Kỳ Thượng, Kỳ Anh, với vóc dáng nhỏ bé nhưng đã thể hiện tố chất tuyệt vời khi còn học cấp 2. Được gọi lên tuyển từ năm 2016 và được HLV Trần Văn Sỹ của tổ chạy dài tuyển điền kiên Việt Nam hướng dẫn, Cường nhanh chóng thể hiện khả năng khi giành những thành tích đáng nể.
Đầu tiên phải nói đến tấm huy chương đồng 3000m chướng ngại vật nam tại Giải Điền kinh trẻ châu Á 2018. Khi đó, Cường hoàn thành với thời gian 8 phút 59 giây 32, trở thành thành tích cá nhân tốt nhất, góp mặt vào số ít những nam VĐV Việt Nam chạy cự ly này dưới 9 phút. Hạng 3 giải châu Á cũng kiếm về suất dự giải thế giới ở Phần Lan cho chàng trai 18 tuổi năm đó.
Khi tới Phần Lan tranh tài với những VĐV hàng đầu thế giới, Cường còn làm tốt hơn thế. Chàng trai ghét thuốc lá này hoàn thành với thời gian 8:51.16, phá vỡ kỷ lục quốc gia đã tồn tại 14 năm trước đó của đàn anh Nguyễn Kiên Trung. Cường lọt vào chung kết nội dung 3000m chướng ngại vật ở giải đấu tầm cỡ thế giới sau khi xếp hạng 3 vòng chạy đấu loại.
Trước khi giành huy chương bạc SEA Games 30 ở Philippines cuối năm ngoái, Cường cũng đã giành vô số các giải thưởng khác như: 2 HCV giải trẻ Đông Nam Á 2017, HCB giải U18 châu Á 2017, 2 HCV giải Học sinh Đông Nam Á, HCV giải Hong Kong mở rộng… Mục tiêu lớn trước mắt của Nguyễn Trung Cường là tấm huy chương vàng 3000m chướng ngại vật SEA Games 31 tại Việt Nam năm tới.
Nhắc đến Hà Tĩnh, cũng không thể bỏ qua Trần Đình Sơn, chàng trai có sở trường chạy 400m và hiện là thành viên trụ cột của tổ 400m tuyển quốc gia. Sơn lớn hơn Cường 3 tuổi (1997), quê Kỳ Đồng, Kỳ Anh và cũng được phát hiện từ những cuộc thi hội khỏe học sinh của tỉnh. Không sở hữu chiều cao lý tưởng, nhưng Sơn có vóc dáng chắc gọn, guồng chân đầy mãnh lực…
Tại SEA Games 30 trên đất Philippines, Sơn giành huy chương bạc 400m và hai tấm huy chương vàng tiếp sức nam nữ 4x400m và tiếp sức nam 4x400m. Hiện tại, nội dung 4x400m hỗn hợp nam nữ mà Sơn cùng các đồng đội như Quách Công Lịch, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Hằng đang phấn đấu để có suất dự Olympic Tokyo 2021.
Lứa kế cận đầy tiềm năng
Đến năm 2020 này, điền kinh Hà Tĩnh bắt đầu thể hiện rõ sự bứt phá trong khi các địa phương mạnh như TP.HCM hay Nam Định… đã có dấu hiệu chững lại. Tại Giải Vô địch Điền kinh Trẻ và các lứa tuổi trẻ Quốc gia 2020 diễn ra ở Tây Ninh giữa tháng 10 vừa qua, Hà Tĩnh đã cú bứt phá ngoạn mục, vượt qua các những đoàn mạnh là TP.HCM và Đà Nẵng để giành vị trí nhì toàn đoàn với 25 huy chương (12 HCV, 3 HCB, 10 HCĐ), chỉ xếp sau đoàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, các VĐV Trương Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Hảo, Trần Nhật Sang, Lê Ngọc Phúc cũng giành HCV ở nội dung 4x400m tiếp sức nam lứa tuổi 2001-2002, thể hiện sự vượt trội ở các nội dung tiếp sức 400m. Tổ chạy 4x100m tiếp sức nam lứa tuổi 2005-2008 với các VĐV Trần Văn Vũ, Dương Xuân Nam, Lê Đình Việt, Nguyễn Tiến Thuận cũng đánh bại các đoàn mạnh để giành HCV.
Ngoài các nội dung chạy tiếp sức, Lê Ngọc Phúc cũng giành tấm HCV 400m đầy khó khăn với thành tích 48.03, xứng đáng được coi là người kế thừa cho đàn anh Trần Đình Sơn trong tương lai.
Ngoài ra, Hà Tĩnh còn để lại ấn tượng với một gương mặt nữa: tuyển thủ trẻ Lê Tiến Long, người cũng đã tập trung tại đại bản doanh Nhổn vài năm nay. Chàng trai 19 tuổi giành 2 HCV ở giải trẻ quốc gia ở các nội dung 3000m chướng ngại vật và 5000m nam. Lê Tiến Long đang ở cùng thời điểm đỉnh cao của Nguyễn Trung Cường nên chưa được chú ý bằng ở nội dung 3000m chướng ngại vật, nhưng hoàn toàn có thể là sự thay thế xứng đáng nếu có cơ hội.