Marathon Olympic 2016: Kipchoge mơ KLTG và thông điệp của Lilesa

thứ hai 22-8-2016 21:21:12 +07:00 0 bình luận
Sau chức vô địch giải London Marathon 2016, Kipchoge tiếp tục giành thêm HCV marathon ở Olympic, giúp Kenya thống trị ở cả 2 nội dung nam, nữ.

Sau khi vô địch và suýt phá KLTG ở giải London Marathon 2016, Kipchoge tiếp tục giành HCV marathon ở Olympic, giúp Kenya thống trị ở cả 2 nội dung nam, nữ.

Marathon là môn thi đấu kinh điển của Olympic, xuất hiện ngay từ kỳ đầu tiên tại Athens 1896. Chính vì vậy, môn thể thao có độ tuổi lâu đời và danh giá này là một trong những nội dung thi đấu cuối cùng của Olympic.

Ở nội dung nữ, Kenya lần đầu tiên có HCV marathon nữ nhờ công của Sumgong

155 VĐV xuất phát
Các VĐV bám sát nhau trong nửa quãng đường đầu

Trong 155 VĐV nam thi đấu, những ứng cử viên sáng giá gồm những cái tên đã khá quen thuộc trong các giải marathon lớn: Kipchoge, Biwott, Abera, Berhanu, Mekonnen. Cả 5 người đều thuộc đội tuyển Kenya và Ethiopia, hai cường quốc marathon. Trong năm 2016, nhóm VĐV trên đều có thành tích chạy marathon dưới 2 giờ 5 phút.

Top 5 VĐV có thành tích tốt nhất 2016 tính đến trước Olympic
Top 5 VĐV marathon có thành tích tốt nhất năm 2016 tính đến trước Olympic

Kipchoge là ứng cử viên số 1 cho chiếc HCV. VĐV sinh năm 1984 này hầu như tham gia giải nào là thắng giải đó. Anh đã giành chiến thắng ở 7 trong số 8 giải marathon lớn mà anh tham dự kể từ giải Hamburg Marathon 2013. Mới đây nhất, Kipchoge chiến thắng tại giải London Marathon 2016 với thời gian chỉ cách KLTG 8 giây.

Sau nửa quãng đường đầu tiên "uể oải", Kipchoge vươn lên dẫn đầu từ cây số thứ 35 và tăng tốc bỏ lại các đối thủ cho đến khi về đích. Anh nhanh hơn Lilesa (Ethiopia), người về thứ nhì, 1 phút 10 giây.

Danh sách VĐV dẫn đầu ở các cột mốc chính
Danh sách VĐV dẫn đầu ở các cột mốc chính

Biwott, đồng đội của Kipchoge ở đội tuyển Kenya, bị đau bụng dọc đường, đành nằm trong số 15 người không hoàn thành cuộc đua. Với phong độ nhạt nhòa trong năm vừa rồi, ĐKVĐ Olympic 2012 Kiprotich (Uganda) chỉ về đích ở vị trí thứ 14. 

Ghirmay Ghebreslassie về đích thứ 4. VĐV sinh năm 1995 này là nhà vô địch marathon trẻ nhất lịch sử giải điền kinh VĐTG năm 2015. Với kinh nghiệm tích lũy được, anh sẽ còn gặt hái thêm nhiều HCV trong những năm tới.

Kỷ lục thế giới marathon hiện do Kimetto (Kenya) nắm giữ với thời gian 2 giờ 2 phút 57 giây tại giải Berlin Marathon 2014

Thời gian hoàn thành 2 giờ 8 phút 44 giây của Kipchoge không thể nói hết về phong độ thi đấu của anh tại cuộc đua này. Tuy nhiên, màn thể hiện của anh ở nửa quãng đường sau quá đỗi ấn tượng với thời gian 1 giờ 2 phút 49 giây.

Kipchoge về đích, nhanh hơn người thứ 2 hơn 1 phút
Kipchoge về đích, nhanh hơn người thứ 2 hơn 1 phút

 Kipchoge đã chạy nhanh hơn nửa quãng đường đầu tiên 3 phút 6 giây, khoảng cách chênh lệch rất sâu. Rất ít VĐV marathon hàng đầu thế giới có thể thực hiện chiến thuật "nửa sau nhanh hơn nửa đầu" (negative split) thành công như vậy trong những cuộc tranh tài đỉnh cao.

Kể từ sau Moscow 1980, không có nhà VĐ nào có thể bảo vệ HCV Olympic ở kỳ kế tiếp.

“Tôi thấy chậm nên quyết định tăng tốc”, Kipchoge chia sẻ. “Tôi đến Rio để giành HCV. Đây là thời khắc lịch sử. Lần đầu tiên, một quốc gia giành trọn HCV ở cả 2 nội dung marathon nam, nữ”.

Nhưng Kipchoge có lẽ còn quên chưa kể hết, anh và Sumgong đều đang là ĐKVĐ giải London Marathon 2016. Rõ ràng, năm 2016 là một năm đặc biệt thành công đối với cả Kichoge lẫn Sumgong.

Mohammad Jafar Moradi (Iran) bò qua đích, trong trạng thái gần như kiệt sức sau 2 giờ 31 phút 58 giây
Mohammad Jafar Moradi (Iran) bò qua đích trong trạng thái gần như kiệt sức sau hơn 2 giờ 30 phút (xếp thứ 129)

Bí quyết thành công của Kipchoge

Từ nhỏ, Kipchoge phải đạp xe thồ cả trăm lít sữa từ nhà đến thị trấn đem ra chợ bán để kiếm 100 Shilling (tương đương 1 USD) mỗi ngày. Khi đi học, Kipchoge chạy bộ 3km từ nhà để đến trường và tiếp tục chạy trở về nhà khi tan lớp. Vì thế, nền tảng chạy bộ của anh được tích lũy dần theo năm tháng.

“Điều độc đáo của Kipchoge là cậu ấy thực sự yêu thích chạy. Khi bạn yêu thích công việc nào đó, bạn sẽ cố gắng làm tốt nhất. Điều này cũng giống như khi bố mẹ yêu thương những đứa con của mình, bọn trẻ sẽ trở thành người tốt”, Patrick Sang - HLV của Kipchoge từ khi còn nhỏ cho biết.

Kipchoge từng giành HCV 5.000m tại giải điền kinh VĐTG 2003 ở tuổi 18. Kể từ đó, Kipchoge không có thêm 1 chiếc HCV nào ở các giải VĐTG và Olympic.

“Kipchoge có một cuốn sổ nhật ký ghi lại quá trình tập luyện. Mỗi ngày tập đều được ghi lại trong cuốn nhật ký. Khi tham dự một giải marathon nào đó, cậu ấy chỉ cần xem lại lịch tập của 4 tháng trước”, Valentijn Trouw, người quản lý của Kipchoge chia sẻ.

Kipchoge vô địch 7/8 giải marathon lớn
Kipchoge vô địch 7/8 giải marathon lớn

Sau khi giành chức VĐ London Marathon 2016, Kipchoge chỉ nghỉ một thời gian ngắn rồi bắt tay ngay vào mục tiêu lớn HCV Olympic.

Hàng tuần, Kipchoge tập chạy với quãng đường 150 dặm (khoảng 240km) trong suốt mùa hè. Bài tập điển hình là bài chạy 20 dặm với tốc độ khoảng 5 phút/dặm hoặc chạy biến tốc tùy thích (fartlek) trong 1 giờ ở đường đồi dốc.

Trong tuần, Kipchoge có 2 buổi tập gym để tăng cường sức mạnh kèm các bài tập chạy cự ly ngắn 15x1.000m với khoảng thời gian nghỉ ngắn.

Sau HCV Olympic, Kipchoge không giấu giếm mục tiêu lập kỷ lục thế giới mới ở giải marathon sắp tới. Anh thừa nhận: “Kỷ lục thế giới luôn ở trong đầu tôi. Tôi không thể nói thời điểm nào nhưng tôi biết tôi có thể làm được”.

Video những sải bước cuối cùng của Kipchoge khi về đích:

 

HCĐ Galen Rupp (Mỹ): Nhân tố bất ngờ

Galen Rupp đã có một kỳ Olympic thành công
Galen Rupp đã có một kỳ Olympic thành công

Galen Rupp (Mỹ) gây bất ngờ khi về đích thứ 3 với thời gian 2 giờ 10 phút 5 giây. Đây cũng là thành tích tốt nhất của cá nhân Rupp từ trước đến nay.

Olympic 2016 có thể xem là giải đấu thành công của Rupp. Ở giải này, Rupp thi đấu 2 nội dung 10.000m (về thứ 5) và marathon. Trong khi Meb Keflezighi, nhà vô địch Boston Marathon 2014, thi đấu không thành công (xếp thứ 33) thì Rupp nổi lên như một điểm sáng của điền kinh Mỹ ở cự ly dài.

Galen Rupp càng trở nên nổi tiếng hơn sau sự cố người bạn Mo Farah vướng gót chân ngã vào anh ở vòng chung kết chạy 10.000m.

Á quân Feyisa Lilesa thể hiện thông điệp chính trị trên đường chạy

Feyisa Lilesa (Ethiopia) gây sự chú ý của giới truyền thông không chỉ bởi chiếc HCB mà còn bởi hành động khác lạ của anh trên đường chạy. VĐV này đã có hành động giơ 2 tay bắt chéo phía trên đầu giống như một người bị cùm.

Á quân Lilesa giơ 2 tay bắt chéo trên đầu khi về đích
Á quân Lilesa giơ 2 tay bắt chéo trên đầu khi về đích

Theo lý giải của anh, chính phủ Ethiopia đang gây khó bằng cách thu hẹp đất đai, tài nguyên của dân tộc Oromo (dân tộc thiểu số ở vùng Đông Phi), mà anh là một đại diện tiêu biểu của dân tộc này. Lilesa giơ cao hai tay như bị trói để ủng hộ người Oromo.

Nhưng theo qui định của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), các VĐV không được phép có những phát ngôn về chính trị trong thời gian diễn ra thế vận hội.

 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm