Phạm Duy Cường mới đây trở thành người Việt Nam đầu tiên hoàn thành marathon ở Tenzing-Hillary Everest Marathon, giải chạy cao nhất hành tinh.
Bà già 70 tuổi gốc Việt lập kỷ lục Guinness chạy marathon 7 ngày liên tiếp
Tenzing-Hillary Everest Marathon (hay Everest Marathon) là giải chạy thường niên, được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2013. Tenzing và Hillary chính là tên của 2 nhà leo núi đầu tiên chinh phục Everest ngày 29/5 cách đây 64 năm.
Giải chạy có các cự ly 21km, 42km và 60km. Năm nay, hơn 200 VĐV đăng ký tham gia cự ly 42km. Phạm Duy Cường là VĐV Việt Nam duy nhất tham gia cuộc thi này. Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên góp mặt ở giải chạy cao nhất hành tinh. Do cuộc đua diễn ra ở khu vực "nóc nhà của thế giới" nên các VĐV Top 3 nam, nữ mặc nhiên là người bản địa Nepal.
BTC phải chia hạng mục giải thưởng riêng dành cho người nước ngoài bởi khả năng thích nghi độ cao không thể so với người bản địa. Suman Kulung là nhà vô địch nam với thời gian hoàn thành 3 giờ 43 phút 57 giây. Nirkala Rai giành chức quán quân nữ sau 4 giờ 51 phút.
Hành trình chinh phục Everest Marathon có điểm xuất phát từ Everest Base Camp (EBC) ở độ cao 5346m đến đích ở Namche Bazaar ở độ cao 3446m. Đường chạy trên núi đá, hầu hết là đổ dốc. Để có thể hoàn thành thử thách, các VĐV bắt buộc phải tập trung trong vòng 3 tuần để làm quen, thích nghi với độ cao và rèn luyện thể lực.
Phạm Duy Cường không còn xa lạ trong cộng đồng những người chạy bộ và ba môn phối hợp. Thành viên của Hội những người thích chạy đường dài (LDR) này đã tham gia nhiều cuộc thi đòi hỏi sức bền như: giải chạy LDR Half Marathon, Longbien Marathon, Vietnam Mountain Marathon, cuộc thi vượt chướng ngại vật Champion Dash, cuộc thi ba môn phối hợp Ironman 70.3 Vietnam 2017... Tháng 3 năm nay, anh Cường là CTV đắc lực của Webthethao tại giải chạy Barcelona Marathon 2017.
Trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây, anh Cường đã tập luyện rất nghiêm túc để chuẩn bị cho cuộc đua độc nhất vô nhị này. Mỗi ngày, anh tập chạy hơn 10km. Khác với chế độ tập bình thường, anh chạy tốc độ nhanh và đeo khẩu trang để giả lập tình trạng thiếu oxy khi chạy. Ngay cả trong giải chạy bán marathon Hà Giang mở rộng, anh Cường cũng vẫn đeo khẩu trang khi vượt con đèo huyền thoại Mã Pí Lèng.
Năm ngoái, anh Cường đã đi tiền trạm khu vực EBC. Do điều kiện tự nhiên rất khó khăn và hạn chế, những vật dụng cần mang theo cũng được anh Cường cân nhắc tính toán để nhẹ nhất và tối ưu nhất có thể trong chuyến đi lần thứ 2 này. Thay vì mang nhiều cục sạc dự phòng, anh mang theo thiết bị sạc bằng năng lượng mặt trời. Anh cũng mang ít quần áo và chịu khó giặt thường xuyên. Anh chỉ sử dụng đồ ăn do BTC cung cấp, không mang đồ ăn riêng để bớt đi gánh nặng.
Chứng sốc độ cao ở Everest khiến không ít các VĐV phải rất chật vật để thích nghi. Có những người không quen nổi đành phải rời bỏ cuộc chơi.
"Đêm trước race, bác sỹ của BTC đã đến kiểm tra sức khỏe cho các VĐV sau bữa ăn tối ở lều. Nhóm chúng tôi có 14 người, trong đó có 1 VĐV 67 tuổi (gìa nhất giải). Ông từng tham gia giải này năm ngoái và năm nay ông muốn chinh phục một lần nữa", anh Cường kể lại kỷ niệm.
Xem video anh Phạm Duy Cường chạy thử tại Everest Base Camp (độ cao 5364m):
"Thời tiết rất khắc nghiệt. Nhiệt độ xuống âm 15 độ vào ban đêm. Da dẻ ông trắng bệch. Mặt nổi nhiều nốt đỏ. Ai cũng lo lắng cho ông. Khi bác sỹ kiểm tra xong, kết luận là ông đủ điều kiện sức khỏe để chạy. Bất ngờ là cô gái người Hà Lan lại bị bác sĩ không cho chạy. Không khí căng thẳng đã bao trùm lên cả nhóm thật nặng nề".
Xem video anh Phạm Duy Cường chia sẻ với độc giả Webthethao từ sân bay Lukla, Nepal:
Trong 3 tuần chinh phục giải marathon cao nhất thế giới, anh Phạm Duy Cường đã có một trong những buổi kỷ niệm sinh nhật đáng nhớ nhất trong cuộc đời khi được đoàn VĐV quốc tế chuẩn bị chinh phục marathon ở độ cao 5000m cùng chúc mừng.
Chia sẻ với PV Webthethao, VĐV sinh năm 1982 này cho biết anh sẽ chưa dừng lại ở đây và còn chinh phục nhiều thử thách khác: 70km Tam Đảo Mountain Trail, 100km Vietnam Mountain Marathon và tham gia một giải Ironman cự ly full 140.6.