Các cụ vẫn nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Và ở môn điền kinh, dù là huấn luyện trực tiếp, phát hiện tài năng hay chỉ đơn giản là tư vấn kinh nghiệm… để những VĐV trẻ tiến bộ hơn vẫn là điều thiêng liêng mà những người thầy, HLV cần được công nhận, tôn vinh…
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin dành chút ít sự quan tâm đến những người thầy, tri ân họ cho những đóng góp với điền kinh Việt Nam.
Mẹ cũng là thầy
Tại Giải Điền kinh VĐQG 2020 vừa qua, người hâm mộ được nhìn thấy một hình ảnh đẹp về một cực VĐV đã từng làm rạng danh điền kinh nước nhà: chị Vũ Bích Hường, người được gọi với biệt danh “Linh dương đen”.
Vũ Bích Hường là nữ VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV SEA Games nội dung chạy 100m rào nữ khi đăng quang năm 1995. Chị cũng từng có vinh dự hai lần góp mặt tại Thế vận hội mùa hè là Olympic Atlanta 1996 (Mỹ) và Olympic 2000 Sydney (Australia). Chị sinh năm 1969, từng tạm nghỉ thi đấu rất sớm để kết hôn và sinh con.
Hiện tại, chị có hai người con trai và cậu con cả Nguyễn Ngọc Quang là người nối nghiệp mẹ. Ở tuổi 30, Quang vẫn chứng tỏ là VĐV chạy 110m rào nam xuất sắc nhất Việt Nam khi vừa giành HCV quốc gia với thành tích 14.47, rất sát so với kỷ lục quốc gia 14.19 do chính Quang lập tại Indonesia 2011.
Ngoài cậu con trai, chị Vũ Bích Hường còn có một cậu học trò đầy tiềm năng là Nguyễn Đức Sơn (21 tuổi), người giành HCĐ 110m rào nam giải quốc gia với thông số 14.73.
Với những gì đã tích lũy sau nhiều năm theo đuổi điền kinh, tới nỗi từng kiệt quệ sức khỏe, chị Vũ Bích Hường đã truyền cảm hứng và đào tạo nên một VĐV chạy vượt rào xuất sắc cho điền kinh Hà Nội và Việt Nam.
Làm thầy cũng đâu khác là cha
Ở tổ chạy dài tuyển điền kinh quốc gia, ai cũng biết Trần Văn Sỹ là HLV có nhiều học trò cưng và xuất sắc nhất. Từ Nguyễn Văn Lai, “già gân” vô đối ở nội dung 5000m và 10000m nam đến hàng loạt các tuyển thủ giành nhiều thành tích xuất sắc khác như: Đỗ Quốc Luật, Nguyễn Trung Cường, Lê Đức, Nguyễn Thị Oanh và cả Phạm Thị Hồng Lệ.
Tại giải quốc gia lần này, do không có marathon, nội dung sở trường của Hồng Lệ nên cô gái Bình Định chỉ tham dự các nội dung tay trái. Xuất sắc có tấm huy chương đồng chạy 4x800m ở ngày thi đầu đầu tiên, Hồng Lệ có thêm HCB nội dung 5000m, sau chính người chị cùng phòng Nguyễn Thị Oanh.
Trước các nội dung quan trọng, Lệ không chỉ nhân được sự động viên của người thầy thuở ban đầu Huỳnh Minh Hiếu mà còn được “thầy ruột” của tuyển quốc gia Trần Văn Sỹ chỉ dẫn tận tình. Từ việc giãn cơ, thống nhất chiến thuật đến cả việc cổ vũ váng đường chạy… ông thầy người Thanh Hóa đều nhiệt tình thực hiện.
Thầy Sỹ từng giành danh hiệu HLV của năm Cúp Chiến thắng 2019 do việc đã có công đào tạo nên những học trò xuất sắc của điền kinh Việt Nam.
“Làm tốt lắm, con ơi!”
Sau nội dung 10.000m nữ mà Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) phá kỷ lục quốc gia tồn tại 17 năm, một người đàn ông đã tiến đến chúc mừng “cô gái không phổi”. Đó chính là ông Đào Xuân Hùng, người hiện đang phụ trách bộ môn điền kinh của Trung tâm huấn luyện thể thao Bắc Giang. Chính HLV Hùng là người đã phát hiện và đạo tạo Oanh từ những ngày đầu chập chững đến với điền kinh.
Sau này, khi đã trở thành VĐV trọng điểm của tuyển điền kinh quốc gia với việc giành nhiều thành tích xuất sắc ở nội dung 1500m, 5000m và 3000m chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh vẫn luôn biết ơn người đã dìu dắt mình từ những ngày còn bị chê là “không có thể hình phù hợp với điền kinh”.
Sau kỳ tích phá kỷ lục quốc gia 10.000m nữ để hoàn tất cả 4 HCV giải quốc gia, Nguyễn Thị Oanh đã gục vào thầy Hùng nức nở. Những nỗ lực của hai thầy trò từ những ngày đầu cho đến khi sự nghiệp rực rỡ như hiện nay là điều mà chỉ có Nguyễn Thị Oanh mới thấu hiểu.