Trong số hơn 450 VĐV tham gia 3 cự ly tại giải bán marathon Hà Giang mở rộng lần thứ Nhất, VĐV Khuất Việt Hùng (số Bib 198) là người khá đặc biệt. Vị Phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ngồi trên hàng ghế đại biểu tham dự lễ khai mạc với trang phục...không giống ai: quần, áo đồng phục chạy bộ màu vàng nổi bật và đeo một chiếc vest đựng nước, “đồ chơi” của một runner thứ thiệt khi chạy đường dài.
Giải chạy Hà Giang: VĐV về đích muộn vì...Mã Pí Lèng đẹp "nghẹt thở"
Ông Khuất Việt Hùng vừa là khách mời của BTC giải vừa là VĐV đăng ký tham gia chạy cự ly 21km. Đối với hầu hết VĐV, giải chạy Hà Giang có thể như bao giải chạy khác nhưng đối với một người làm trong ngành giao thông, đây là một trải nghiệm khó quên.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, ông Khuất Việt Hùng đã là gương mặt quen thuộc trong giới chạy bộ phong trào. VĐV 7X này đã hoàn thành vài giải chạy half marathon khu vực phía Bắc như Song Hong half marathon, LDR Half Marathon, thậm chí đạp xe Gran Fondo 100 dặm dù mới chơi “món” đạp xe được một thời gian ngắn.
Lần này, Webthethao.vn bắt gặp thành viên tích cực của CLB Trio69 (Trio69 và Hội những người thích chạy đường dài LDR là 2 CLB chạy ở Hà Nội được BTC giải Hà Giang half marathon gửi công văn mời - PV) khi cả hai cùng đi qua một nửa “con đường hạnh phúc”.
“Tôi đến Hà Giang được 4 lần. Các lần trước tôi đều đi ô tô nhưng mới chỉ đi đến Hà Giang công tác rồi quay về chứ chưa bao giờ đến đoạn đường này. Tôi cảm thấy rất xúc động khi biết con đường này là con đường mà 52 năm trước đây nhiều thế hệ TNXP và bậc tiền bối của ngành GTVT đã hi sinh xương máu và tính mạng để mở con đường này lên đến cực Bắc của Tổ quốc”, ông chia sẻ với Webthethao.
“Bản thân tôi là một người Việt Nam đồng thời công tác trong ngành nên tôi càng cảm thấy tự hào khi chính mình bước chân lên con đường, in dấu chân trên những dấu chân của những con người mở đường năm xưa, của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đường Hạnh Phúc được khởi công vào ngày 10 tháng 9 năm 1959 với sự tham gia của hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô v.v. của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công đục khoét trên 2.899.638m3 đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965.
Để chuẩn bị cho giải chạy này, ông Hùng tập luyện nghiêm túc khi tập chạy ở Ba Vì 2 lần, ở Tam Đảo 1 lần. Với sự cổ vũ từ gia đình, ông Hùng đã cùng với gần 200 VĐV khác hoàn thành hành trình 21km trên cung đường hạnh phúc.
Chắc hẳn, VĐV "quan chức" này càng hạnh phúc hơn khi chặng đường đua đã được đảm bảo an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra giải chạy.
.