Nhiều năm trước đây, Sinead Kean không thể ngờ một ngày mình có thể làm những điều phi thường mà ngay cả người sáng mắt cũng rất khó thực hiện.
Sinead Kean đã trở thành người mù đầu tiên trên thế giới hoàn thành thử thách chạy 7 chặng marathon trong 7 ngày liên tiếp ở 7 lục địa với thời gian trung bình hoàn thành mỗi chặng marathon là 4 giờ 42 phút 59 giây.
World Marathon Challenge gồm 7 chặng marathon (được đo theo tiêu chuẩn quốc tế) ở 7 lục địa lần lượt: Nam Cực - Nam Mỹ (Bolivia) - Bắc Mỹ (Mỹ) - Châu Âu (Tây Ban Nha) - Châu Phi (Ma-rốc) - Châu Á (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) - Châu Đại Dương (Australia)
Trong 7 ngày, các VĐV có 59 giờ ở trên trời, bay tổng quãng đường 38.000km.
Các VĐV chạy 183 dặm tương đương 295km.
World Marathon Challenge 2017 có 32 người đăng ký, 1 người phải bỏ cuộc sau chặng marathon đầu tiên ở Nam Cực do chấn thương.
Một ngày năm 2013, một người chẳng mấy khi vận động như cô nhận được lời đề nghị chạy 10km gây quỹ từ thiện cho trẻ em mù.
“Tôi thậm chí lúc đó còn chẳng biết chạy 10km như thế nào nhưng tôi đã đồng ý bởi việc làm thiện nguyện là một phần của cuộc đời tôi. Cũng kể từ đó, chạy bộ đã giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống”.
Từ khi sinh ra, Sinead chỉ có khả năng nhìn được 5%. Ở nhiều nước châu Âu, cô được xếp vào nhóm người mù với độ suy giảm thị lực nghiêm trọng như vậy. 30 tuổi mới bắt đầu chạy nhưng cuộc đời của cô như được sang trang mới. Cô ngày càng tham gia nhiều giải chạy bộ hơn và sống tích cực hơn".
Năm 2015, Sinead Kane trở thành người mù đầu tiên ở Ireland hoàn thành ultra marathon.
“Đầu năm ngoái, HLV chạy của tôi hỏi tôi muốn làm gì, có mục tiêu nào cho năm mới không? Tôi nói ‘tôi muốn lập kỷ lục Guinness thế giới, một kỷ lục không phải ở Ireland. Nó có thể đứng vững trong nhiều năm. Anh ấy nói ‘cô đã bao giờ nghe nói đến giải World Marathon Challenge chưa? Chạy 7 marathon ở 7 châu lục trong 7 ngày”.
Các VĐV phải bỏ khoản tiền 36.000 Euro cho 1 suất duy nhất. Sinead là trường hợp đặc biệt mà có HLV kèm theo mà không phải trả thêm tiền. Hãng Allianz và giám đốc giải Richard Donovan đã hỗ trợ chi phí để cô có thể hoàn thành ước mơ của mình.
Ngoài người dẫn John O’Regan, một chuyên gia chạy cự ly dài, cô không hề được nhận bất cứ sự trợ giúp nào hết.
“Bạn phải đảm bảo thể lực nhất định. Không ai muốn 10 người hoàn thành trong 5 giờ và 1 HLV chậm chạp hoàn thành 10 giờ cả bởi vì tất cả đều phải trở lại máy bay và ngủ”, Sinead chia sẻ. “Ở chặng Nam Cực, thời gian cut-off vẫn có. Giám đốc giải nói với chúng tôi phải hoàn thành, trở lại máy bay sớm”.
Trong 7 chặng, chặng marathon ở Nam Cực là chặng khó khăn nhất đối với Sinead bởi tuyết ảnh hưởng trực tiếp đến mắt của cô. Nó khiến Sinead chảy nước mắt, ngứa và đau nửa đầu.
Sinead Kane hiện là cố vấn pháp luật, đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ngoài công việc chính, cô còn đi làm diễn giả. Một trong những chủ đề cô quan tâm là tệ ngược đãi học sinh trong nhà trường. Cô đã từng bị ngược đãi khi còn ngồi ghế nhà trường vì đôi mắt gần như bị mù của mình. Khi đi gõ cửa các trường đại học cũng như xin đi làm ở các công ty, cô nhận được khá nhiều lời từ chối vì đôi mắt của cô.
“Tôi làm điều này vì muốn thay đổi nhận thức của mọi người về người khuyết tật. Tôi không thể nào quyết định mình sinh ra hình hài sẽ như thế nào nhưng tôi có thể tự lựa chọn cuộc đời của mình ra sao”, cô nói.
"Có một vài việc trong cuộc đời mà tôi sẽ chẳng bao giờ có thể làm được. Tôi không thể nhìn ngắm được cảnh bình minh hay hoàng hôn. Tôi cũng không thể lái xe càng không thể nhìn thế giới này như người bình thường. Nhưng tôi vẫn có cơ hội trải nghiệm thế giới này mà không cần phải nhìn thấy".
"Tôi đã có những thời điểm mà cảm xúc ở mức tột cùng, có lúc rất tệ nhưng cũng có lúc rất tuyệt. Cảm ơn tất cả mọi người đã ủng hộ cũng như đặt niềm tin vào tôi”.
BethAnn Telford hoàn thành thử thách khắc nghiệt này cùng với căn bệnh ung thư não. Nữ VĐV người Mỹ này đã gây quỹ được hơn 1 triệu đô-la cho quỹ chữa trị ung thư não.
Trên trang Twitter, tổng thống Ireland cũng dành lời khen ngợi công dân đặc biệt của mình “Sinead đã đạt được thành tích phi thường và cô ấy là một hình mẫu rất đặc biệt”.
Silvana Camelio (Chile) vô địch nữ với thời gian trung bình 4 giờ 12 phút.
Mike Wardian (Mỹ) vô địch nam với thời gian trung bình 2 giờ 45 phút, kỷ lục thế giới mới.
Ngoài Wardian, một ultra-runner nổi tiếng thế giới, World Marathon Challenge còn đón nhận nhiều ngôi sao khác như Petr Vabrousek, một "cây đại thụ" 3 môn phối hợp (vô địch Ironman Séc 13 năm, 2 lần vô địch Long Distance Triathlon World Cup, từng hoàn thành Marathon Des Sables 2016...), Ryan Hall (VĐV marathon nhanh nhất nước Mỹ trong lịch sử 2 giờ 04 giây 58, từng 2 lần tham dự Olympic)....
Sinead được tặng giải thưởng Tinh thần thể thao có trị giá 10.000 Euro. Số tiển này được cô hiến tặng cho một trung tâm huấn luyện chó (để dẫn dắt người mù).
Người cảm nhận rõ nhất sự khắc nghiệt của thử thách marathon vòng quanh thế giới rõ hơn cả Ryan Hall. Anh hiện là người giữ kỷ lục chạy marathon nhanh nhất nước Mỹ (2 giờ 04 phút 58 giây) và từng 2 lần tham dự Olympic.
Ryan Hall nhận lời mời tham gia giải để gây quỹ ủng hộ từ thiện mặc dù trước vòng loại Olympic 2016, Ryan Hall đã tuyên bố từ giã sự nghiệp thể thao đỉnh cao quá sớm do chấn thương.
Do bất ngờ nhận được lời mời, Ryan Hall hầu như không có chuẩn bị cho thử thách này. Trái ngược với hầu hết các VĐV khác, Ryan Hall chạy ít trong thời gian gần đây với mileage khoảng 50km/tuần và chạy dài chỉ đến 13km. Ryan Hall đã có nhiều trải nghiệm nhớ đời ở cự ly từng là sở trường của anh.
Ở chặng marathon cuối cùng tại Australian, Ryan Hall đã phải mất 5 giờ 15 phút để hoàn thành, khoảng thời gian tương đương một người bình thường mới tập chạy marathon trong lần đầu tiên. Chặng marathon nhanh nhất của Ryall là ở Ma-rốc với thời gian 3 giờ 04 phút.
“Đây là dịp thật đặc biệt đối với tôi. Tôi chưa bao giờ nói lời tạm biệt với cự ly marathon. Đây sẽ là thời khắc đó. Tôi đến với môn thể thao này khi chạy 15 dặm xung quanh một cái hồ quanh nhà tôi khi 13 tuổi. Bây giờ tôi 34 tuổi và chạy vòng quanh thế giới, hoàn thành 7 marathon trong 7 ngày trên 7 lục địa.
Tôi rất cảm ơn marathon, đã mang lại cho tôi những trải nghiệm vô giá. Đây là cách mà tôi muốn nói lời cảm ơn đến marathon. Đây sẽ là lần chạy marathon cuối cùng của tôi”.