Sẽ thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường của các giải chạy bộ ở TP.HCM?

Thanh Mai
thứ tư 15-5-2024 20:45:07 +07:00 0 bình luận
Trong bối cảnh các giải chạy bộ đang nở rộ, TP.HCM có động thái tiên phong khi đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường của ban tổ chức các giải chạy bộ…

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đề xuất 3 phương án tính diện tích để thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường đối với các giải chạy bộ. Đơn vị này đã gửi văn bản tới Sở Văn hóa và Thể thao về việc tổ chức các hoạt động văn hóa có sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện nay có khá nhiều giải chạy bộ đã và đang được tổ chức tại thành phố mang tên Bác. Các hoạt động thể thao này sử dụng các điểm công cộng như bãi trông, giữ xe, đường chạy đi qua nhiều tuyến phố, có các điểm dừng phục vụ nước, đồ ăn cho VĐV, khu vực expo để tổ chức các hoạt động bên lề…

Các hoạt động này cũng giống các sự kiện văn hóa, lễ hội, diễu hành khác… đã được thành phố quy định về mức phí, nhưng lại chưa có quy định về cách tính diện tích sử dụng, thậm chí là chiếm dụng khi tổ chức các hoạt động thể thao như ở các giải chạy.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất với Ủy ban Nhân dân TPHCM xem xét chỉ đạo về cách tính thống nhất diện tích khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tổ chức các hoạt động thể thao, đảm bảo hợp lý, đúng quy định.

Sẽ thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường của các giải chạy bộ ở TP.HCM? - Ảnh minh họa

Theo PLO, có 3 phương án tính diện tích để thu phí được đề xuất.

Phương án 1: Tính toàn bộ diện tích lòng đường, hè phố sử dụng tạm thời để bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước, sân khấu, cổng chào; Phạm vi phong tỏa đường tại các khu vực tổ chức điểm xuất phát, điểm về đích; phần đường bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly. Mức phí áp dụng cho khu vực 1 là 100.000 đồng/m2/tháng), thời gian sử dụng dưới 15 ngày.

Ví dụ, nếu giải chạy đó có 16 trạm y tế, trạm tiếp sức được bố trí dưới lòng đường lẫn vỉa hè, mỗi trạm có diện tích 3mx3m=144m2 thì số phí phải nộp ước tính khoảng 144m2 x 100.000 đồng x 0,5 (15 ngày) = 7,2 triệu đồng.

Kế đó, khu vực tổ chức điểm xuất phát, về đích của giải chạy bộ sẽ tính diện tích từng đoạn đường bằng cách nhân chiều dài với chiều rộng, sau đó cộng tất cả các tuyến đường lại với nhau sẽ ra diện tích sử dụng. Sau đó, lấy diện tích sử dụng nhân với 100.000 đồng và nhân với 0,5 (nửa tháng) ra số tiền gần 500 triệu đồng.

Phần lộ trình cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ, sẽ lấy lộ trình chạy mỗi cự ly nhân với bề rộng mặt đường chiếm dụng để ra diện tích chiếm dụng. Sau đó lấy diện tích chiếm dụng nhân 100.000 đồng và nhân 0,5 (nửa tháng) ra số tiền 8,4 triệu đồng.

Tương tự thực hiện các cự ly còn lại (21km, 10km, 5km) ước tính khoảng 7,2 tỷ đồng. 

Như vậy, số phí nộp cho xuất phát, về đích và cự ly chạy khoảng 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước tính phạm vi trùng lắp của các cự ly chạy, điểm xuất phát, về đích là khoảng 30% thì số phí phải nộp điểm xuất phát, về đích và lộ trình chạy khoảng 11,2 tỷ đồng.

Theo phương án 1, mức phí đơn vị tổ chức phải nộp khoảng 11,2 tỉ đồng. Tiếp theo, phương án 2 và 3 sẽ dùng cách tính tương tự phương án 1, tuy nhiên điều chỉnh cách tính diện tích chiếm dụng.

Cụ thể, phương án 2 sẽ tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước; phạm vi phong tỏa đường tại các điểm xuất phát, điểm về đích; không tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km. Mức phí đơn vị tổ chức phải nộp tại phương án này là… nửa tỷ đồng.

Còn lại, phương án 3 sẽ tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí các trạm y tế, trạm tiếp nước; phạm vi phong tỏa đường tại các điểm xuất phát, điểm về đích chỉ tính theo phạm vi đề xuất chiếm dụng thực tế của đơn vị thực hiện (không tính phạm vi phong tỏa toàn bộ mặt đường); không tính diện tích lòng đường sử dụng bố trí cho các vận động viên tham gia chạy, đi bộ của các cự ly 5km, 10km, 21km, 42km. Mức phí đơn vị tổ chức phải nộp tại phương án này hơn 245 triệu đồng.

Với cách tính toán trên, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất tính theo phương án 3, phương án có mức thu phí thấp nhất. 

Nếu đề xuất này được phê duyệt, sắp tới, ban tổ chức các giải chạy bộ ở TP.HCM sẽ phải đóng ít nhất số tiền khoảng hơn 200 triệu đồng cho mỗi lần tổ chức.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm