Ở các giải trong nước và đặc biệt là 2 giải lớn SEA Games 2017 và ASIAD 2018, những VĐV sinh năm 1995 đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của điền kinh Việt Nam.
Quách Thị Lan (Thanh Hóa)
Năm 2018 là năm thi đấu khá thành công của Quách Thị Lan tại các giải trong nước và quốc tế. Sau SEA Games 2017 không thật sự nổi bật, em gái Quách Công Lịch đã trở lại mạnh mẽ trên đường đua. Là chân chạy thay thế vị trí chủ lực nội dung 400m và 400m rào mà Nguyễn Thị Huyền để lại do bận sinh con, Quách Thị Lan đã không để mọi người thất vọng.
Ở ASIAD 2018, Quách Thị Lan đã giành tấm HCB quý như vàng (lập KLQG) ở nội dung 400m rào khi chỉ thua Kemi Adekoya, VĐV Bahrain gốc Kenya. Chân chạy xuất thân từ châu Phi từng 4 lần giành HCV Asian Games và là nhà vô địch 400m giải VĐTG điền kinh trong nhà 2016. Điều đáng nói, VĐV Bahrain nhập tịch này mới bị phát hiện dương tính với doping. Nếu Kemi Adekoya bị tước HCV ASIAD thì Quách Thị Lan hoàn toàn xứng đáng với ngôi vị số 1 400m rào ở ASIAD.
Cuối năm ngoái, cô gái Ngọc Lặc (Thanh Hóa) còn giành 3 HCV tại Đại hội thể thao toàn quốc tại Hà Nội. Với những thành tích như vậy, Quách Thị Lan lọt Top 3 VĐV nữ của năm Cúp Chiến thắng 2018.
Vũ Thị Ly (Ninh Bình)
Vũ Thị Ly là VĐV giành HCV 800m và HCB 1500m tại SEA Games 2017 ở Malaysia. Cô gái gốc Lào Cai này đã tiếp nối mạch chiến thắng của đàn chị Đỗ Thị Thảo ở cự ly trung bình tại đấu trường Đông Nam Á. Nếu Nguyễn Thị Ly không chấn thương, rất khó để các đối thủ có thể đánh Vũ Thị Ly trên đường đua. Cô hiện là VĐV nòng cốt của điền kinh Ninh Bình.
Hoàng Thị Ngọc (Quảng Bình)
Hoàng Thị Ngọc (phải)
Tương tự Vũ Thị Ly, Hoàng Thị Ngọc là “của hiếm” của điền kinh tỉnh Quảng Bình. Tại ASIAD 2018, đội tuyển Việt Nam nội dung tiếp sức 4x400m nữ gồm bốn vận động viên Hoàng Thị Ngọc, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Hằng tham gia tranh tài với các đội tuyển mạnh của châu Á và thi đấu xuất sắc khi giành được tấm HCĐ với thành tích 3:33.23. Cách đó 1 năm, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ tham dự SEA Games, Quảng Bình có HCV điền kinh, môn thể thao “nữ hoàng” do công của Hoàng Thị Ngọc.
Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang)
Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của Nguyễn Thị Oanh, khó có ai có thể hình dung ra Oanh có khả năng guồng chân bứt tốc nhanh như máy trong cuộc đua với các đối thủ “chân dài” ở các nội dung 1500m, 3000m vượt chướng ngại vật, 5000m.
Tại ASIAD 2018, nữ VĐV từng bị viêm cầu thận này đã xuất sắc giành 1 HCĐ (hoàn thành 3000m chướng ngại vật với thời gian 9 phút 43 giây 83, phá kỷ lục cá nhân rất sâu) và 1 HCĐ 4x400m nữ. Trước đó, ở SEA Games 2017, Nguyễn Thị Oanh giành cú đúp HCV 1500m, 5000m (không có nội dung 3000m chướng ngại vật cho nữ).
Hình ảnh Nguyễn Thị Oanh dìu Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) tại SEA Games 2017 là hình ảnh đẹp nhất Cúp Chiến thắng 2017. Gần đây, Nguyễn Thị Oanh thử sức mình ở các cự ly dài 10.000m hoặc half marathon.
Bùi Văn Đông (Hà Nội, nhảy xa)
Bùi Văn Đông (giữa)
Bùi Văn Đông tham dự SEA Games 2017 bằng vé vớt do có thành tích tốt ở giải trong nước trước đó. Chàng trai trẻ của Hà Nội đã không phụ lòng tin của những người làm chuyên môn, các HLV và người hâm mộ khi giành HCV nội dung nhảy xa nam với thành tích 7,83m tại Malaysia.
Phan Thanh Bình (TPHCM)
Phan Thanh Bình (giữa) cùng các VĐVĐVV điền kinh TPHCM tại giải HCMC Marathon 2018
Phan Thanh Bình là VĐV có phong độ tốt nhất hiện nay ở 2 nội dung đẩy tại và ném đĩa. Tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018, Phan Thành Bình thi đấu xuất sắc khi một lần phá vỡ KLQG và 2 lần lập KLĐH mới ở 2 nội dung đẩy tạ và ném đĩa.
Sau nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh (3 HCV), Phan Thanh Bình là người đóng góp nhiều thứ hai giúp điền kinh TP.HCM có 5 HCV tại ĐH TTTQ 2018.