Vào ngày 31/3/2024 tại Phú Yên, Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65, tiền thân là giải việt dã toàn quốc, nay được gọi ngắn gọn là Tiền Phong Marathon (TPM), sẽ chào đón gần 12.000 VĐV tham dự.
Số lượng VĐV phong trào đã tăng vọt đáng kể từ lần đầu tiên BTC mở rộng hệ phong trào vào năm 2017 ở Ninh Bình. Cùng với hơn 250 VĐV chuyên nghiệp tranh tài, Tiền Phong Marathon 2024 sẽ là một dấu ấn lịch sử mới của phong trào chạy bộ Việt Nam.
Sự khởi đầu và chặng đường phát triển lịch sử
Bước qua 64 mùa tổ chức, TPM đã trở thành một ngày hội chạy bộ được mong chờ vào tháng 3 hàng năm. Năm nay, kỷ niệm mùa giải thứ 65, giải đến với thành phố biển Tuy Hòa (Phú Yên) xinh đẹp. Nhớ về những ngày đầu ra đời, TPM có thật nhiều dấu mốc.
Giải việt dã toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở công viên Bách Thảo (Hà Nội) vào 25/12/1958. Qua từng đó năm, thủ đô Hà Nội đang nắm giữ kỷ lục là địa phương đăng cai giải nhiều nhất, 14 mùa.
Ở mùa đầu tiên năm 1958, BTC ghi nhận 72 VĐV thuộc 23 đoàn của 15 tỉnh, thành tham dự. Đường chạy năm đó nằm trong khuôn viên công viên Bách Thảo (nay vẫn nằm trên đường Hoàng Hoa Thám) có bề mặt không được bằng phẳng, với cung lặp khoảng 5km.
Trong năm này, BTC mời được Emil Zatopek, người có biệt danh “Anh hùng thế vận” đến từ Tiệp Khắc đến tham dự và thi đấu biểu diễn. Zatopek là người đã 5 năm liên tiếp lập kỷ lục thế giới marathon giai đoạn 1948-1953 và ông chính là VĐV nước ngoài đầu tiên tham dự giải việt dã toàn quốc Việt Nam mùa đầu.
Trong số khoảng 10 VĐV tranh tài nội dung marathon, 3 người đứng bục đầu tiên của giải năm đó là nhà giáo Hoàng Viết Mông (Lạng Sơn), người từng về nhất giải chạy việt dã quanh bờ Hồ năm 1957. Tiếp đó là ông Bùi Lương, người hiện tại được đặt biệt danh là “Tượng đài điền kinh”, vẫn gắn bó với các mùa giải TPM nhiều năm qua. Ngày đó, ông từng vô địch việt dã Hải Phòng và hiện là VĐV duy nhất của Việt Nam từng tham dự mùa đầu tiên của việt dã toàn quốc với vai trò VĐV và hiện nay là khách mời danh dự của TPM những năm qua. Xếp hạng 3 năm 1958 là VĐV Nguyễn Chuyển cũng của Lạng Sơn.
Trải qua, 64 mùa giải, TPM hiện vẫn ghi nhận những dấu mốc lịch sử quan trọng khác. Mùa giải năm 1962 tổ chức ở Nam Định, giải việt dã toàn quốc lần thứ 5 (thi đấu 23/12/1962) lần đầu tiên có sự tham gia tranh tài của nữ VĐV. Và VĐV Nhạn Mỹ Na của Hà Nội trở thành nhà vô địch nữ đầu tiên của giải đấu này.
Trải qua 26 mùa giải, đến mùa giải thứ 27 tổ chức ở An Giang năm 1986, hạng mục nam trẻ và nữ trẻ mới chính thức được đưa vào. Nguyễn Duy Đức (nam) của An Giang là nhà vô địch nam trẻ đầu tiên còn Nguyễn Thị Phương Thảo (nữ) của Long An lên ngôi nữ trẻ.
Trong từng đó năm, giải cũng bị gián đoạn do lý do khách quan. Kết thúc mùa 22 ở Huế năm 1979, phải đến tận năm 1981 thì mùa thứ 23 mới được tổ chức lại ở TPHCM. 1980 là năm duy nhất tính đến năm 2024, giải không được tổ chức.
Cũng tính từ mùa giải 31 ở An Giang năm 1990, BTC quyết định chọn ngày chủ nhật trước hoặc sau ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 để tổ chức. Hiện tại, giải còn gắn liền với Ngày truyền thống Thể thao toàn quốc 27/3.
Những VĐV đặc biệt
Theo thống kê, VĐV tham dự giải việt dã toàn quốc báo Tiền Phong nhiều nhất là ông Hoàng Minh Phước của Bộ Công An với 22 năm liên tục. Kế đến, tượng đài điền kinh Bùi Lương cũng đã 20 năm tranh tài ở giải đấu này. Ông cũng đang nằm trong danh sách những VĐV vô địch nhiều nhất ở giải đấu này với 9 lần lên ngôi.
Những VĐV nhiều lần giành chức vô địch nhất, ngoài ông Bùi Lương còn có: Đỗ Quốc Luật (Quân Đội) 9 lần liên tiếp hạng mục 10km nam tuyển và năm nay đang hướng đến chức vô địch thứ 10. Nếu thành công, anh sẽ dẫn đầu danh sách Những VĐV giành nhiều chức vô địch nhất TPM. Cựu tuyển thủ Lưu Văn Hùng (Thanh Hóa) cũng đã 8 lần liên tiếp đăng quang ngôi vô địch từ năm 1993 tại Pleiku (Gia Lai) cho đến khi giải nghệ sau năm 2000 (Đăk Lăk). Nguyễn Văn Thuyết của Nam Định cũng đã 6 lần vô địch…
Ở hạng mục nữ, các cựu tuyển thủ Đặng Thị Tèo (Hà Nội), Trương Thanh Hằng (TPHCM, Ninh Bình) 7 lần và kỷ lục gia (vẫn đang thi đấu) Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) đều đã 7 lần vô địch. Tiếp đó, Trần Thị Xoa (Nghệ Tĩnh) 6 lần, Vũ Thị Hoa (Quảng Ninh) 4 lần…
Mùa giải thứ 50 tổ chức năm 2009 ghi nhận lần đầu tiên có nội dung bán marathon (21,0975km). VĐV Nguyễn Vinh Thiên (Khánh Hòa) và Phạm Thị Hiên (Thái Bình) là những nhà vô địch nam, nữ đầu tiên của cự ly này.
Kể từ đó, sau 5 năm, Nguyễn Văn Long (Gia Lai) và Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi, người giành HCV marathon nữ đầu tiên và duy nhất cho Việt Nam đến lúc này khi vô địch SEA Games 2013) cùng 3 lần liên tiếp về nhất cự ly bán marathon nam, nữ.
Cột mốc mới được ghi nhận vào năm 2014 (Đà Lạt, Lâm Đồng) khi lần đầu tiên cự ly marathon (42,195km) xuất hiện và hai quán quân đầu tiên tại giải việt dã toàn quốc này là Bùi Thế Anh (Quân Đội) và Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi).
Mùa giải đầu tiên BTC cho phép VĐV phong trào tham dự là năm 2017 tại Ninh Bình.
Bước phát triển vượt bậc
Kể từ năm 2017 khi lần đầu tiên VĐV phong trào được góp mặt, các năm sau đó số lượng VĐV phong trào ngày càng tăng, đạt mức chóng mặt vào năm nay với gần 12.000 người cho mùa giải 65 ở Phú Yên.
Mùa giải 2019 ở Bà Rịa-Vũng Tàu, BTC bắt đầu sắp xếp chuẩn hóa các cự ly cơ bản gồm 5km, 10km, 21,1km và 42,195km cho các VĐV nam, nữ. Từ đó đến nay, mỗi năm đến một địa phương, nhưng TPM vẫn vô cùng hấp dẫn với các VĐV phong trào ở đủ mọi lứa tuổi, trình độ.
Ngoài các nội dung dành cho VĐV phong trào, các nội dung hệ tuyển sẽ có thêm giải đồng đội, giải cá nhân. Cách tính điểm như sau: Điểm cá nhân là vị trí xếp hạng thực tế của VĐV đạt được trong nội dung thi đấu và mỗi đơn vị chỉ được tối đa 2 VĐV có mặt trong bảng tổng sắp cá nhân. Điểm đồng đội là tổng số điểm 3 VĐV có thành tích cao nhất trong đội cộng lại, đội nào có số điểm ít hơn sẽ xếp trên. Nếu hai đội có tổng số điểm bằng nhau thì so sánh VĐV thứ 3 của hai đội, nếu VĐV nào có thành tích tốt hơn thì đội đó xếp trên.
Trường hợp hai VĐV cuối cùng có thành tích bằng nhau thì xét đến VĐV kế trên. Điểm đoàn là tổng điểm của cả 06 đội hệ nâng cao: đội tuyển nam, đội tuyển nữ, đội trẻ nam, đội trẻ nữ, đội thiếu niên nam và đội thiếu niên nữ cộng lại. Nếu nhiều đoàn có tổng số điểm bằng nhau thì đoàn nào có đội nam thiếu niên xếp vị trí cao hơn sẽ được xếp trên.
Nói về sự phát triển của giải đấu qua 64 mùa, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, cho biết: lý do Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong chọn Phú Yên - tỉnh ven biển để tổ chức năm nay là vì năm 2024 Phú Yên tiến tới kỷ niệm 50 năm giải phóng; Phú Yên cũng như cả nước, lực lượng vũ trang và Quân chủng Hải quân tiến tới kỷ niệm 60 năm sự kiện bi tráng Vũng Rô - gắn với lịch sử tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển, lịch sử Hải quân Việt Nam.
Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, số vận động viên đăng ký tham gia giải năm nay đạt kỷ lục với hơn 11.600 người đăng ký tham gia, trong đó có gần 300 vận động viên chuyên nghiệp. Giải có nhiều điểm mới và giàu cảm hứng khi năm nay có hai chủ đề, trong đó “Dấu chân Mặt trời” gắn liền với Mũi Điện - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên bộ và chủ đề “Tổ quốc trong lòng Tổ quốc” gắn với lễ thượng cờ.
Chuỗi sự kiện của Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024 bắt đầu từ ngày 29/3, với các hoạt động đầy ý nghĩa: Thăm và tặng quà, giao lưu tại các đồn biên phòng, hải đăng Mũi Điện; tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân và lực lượng kiểm ngư; thăm các cựu binh tàu không số.
Lễ Thượng cờ và tôn vinh lá cờ Tổ quốc thiêng liêng diễn ra vào sáng 30/3/2024 – một sự kiện vô cùng đặc biệt tại Bãi Môn - một địa danh hợp với Mũi Điện và dải bờ gần đó tạo thành doi đất mang dáng hình Tổ quốc Việt Nam. Và sau đó là ngày thi đấu chính thức 31/3/2024.