Kỷ niệm 30 năm ra mắt chương trình cờ vua Fritz: Trí tuệ nhân tạo thách thức Vua cờ

Du Yên
thứ tư 29-12-2021 16:02:30 +07:00 0 bình luận
"Tôi sẽ dạy cho nó một bài học", Vua cờ Garry Kasparov từng tuyên bố như vậy trước một trận đấu với chương trình cờ vua Fritz và cái kết thế nào?

Tháng 11/1991 là một thời điểm mang tính lịch sử của cờ vua thế giới, khi lần đầu tiên, ChessBase giới thiệu chương trình chơi môn này trên máy vi tính. Đó là một khởi đầu khiêm tốn, nhưng không ngờ đã thay đổi hoàn toàn thế giới cờ vua. Ngày nay, chương trình cờ vua non trẻ lúc đó đã trở thành một trong những thế lực đáng kể nhất của trò chơi này, được các kỳ thủ hàng đầu dùng để tham khảo trước lúc tham dự một giải đấu hoặc trận đấu kế tiếp.

Fritz ra đời xuất phát từ một ý tưởng của ChessBase: muốn chuyển hóa cơ sở dữ liệu thành một trò chơi hoặc tư vấn cho người chơi về chất lượng của từng nước đi riêng lẻ. Kế hoạch được sinh ra và Frans Morsch được chọn triển khai dự án đó. 

Giao diện của chương trình Fritz.

Sinh năm 1954, Frans Morsch là nhà vật lý người Hà Lan bắt đầu thử nghiệm các chương trình cờ vua khi mới 13 tuổi. Ông trở thành một lập trình viên cờ vua máy tính chuyên nghiệp và cung cấp chương trình Quest dành cho máy tính chơi cờ vua chuyên dụng của các công ty Hegener & Glaser, Saitek và TASC.

Đầu năm 1991, ChessBase tiếp xúc với Frans Morsch. Trong một lần đi bộ dọc theo công viên ở Bonn (Đức), hai nhà sáng lập ChessBase là Matthias Wüllenweber và Frederic Friedel đã thuyết phục Frans Morsch viết phiên bản Quest trên hệ điều hành MS / DOS để có thể sử dụng như chương trình cờ vua chơi trên máy vi tính để bàn.

Vài tháng sau, Frans Morsch cung cấp phiên bản máy tính để bàn của Quest. ChessBase bèn bắt tay thiết kế chương trình chơi cờ vua đầu tiên, dù còn theo phong cách của chương trình cơ sở dữ liệu. Nó có giao diện đồ họa người dùng (cho đến phiên bản 4, phát hành năm 1996, chạy trên Windows). Quest được sử dụng trong Fritz từ phiên bản 1 đến 13.

Đến lúc này, một rắc rối phát sinh: nên đặt tên chương trình này là gì? "Grandmaster Chess" (Cờ vua Đại kiện tướng), "Chess Complete" (Cờ Toàn diện), "Total Chess" (Cờ Tổng lực)? ChessBase tham khảo ý kiến của Olaf Oldigs, một chuyên gia tiếp thị và nhãn hàng hàng đầu tại Đức. Ông bảo: "Fritz". Cái tên giống cách gọi một người.

Hơn nữa lúc đó, nước Đức mới vừa thống nhất. Người Anh gọi đàn ông Đức là "Fritz", tương tự cách gọi các đấng mày râu ở xứ sương mù là "Tommy". Vậy là chương trình cờ vua này được gọi là "Fritz". Hóa ra đây là một cái tên rất được hoan nghênh. Bởi lẽ, người chơi cờ có thể tự nhiên nói: "Tôi vừa đấu một trận rất tuyệt với Fritz", hoặc "Tôi phải cho Fritz thấy cái này!". 

Những cuốn sách về Fritz.

Fritz chào đời lặng lẽ, nhưng nhanh chóng thách thức các kỳ thủ giỏi nhất thế giới. Năm 1992, ĐKVĐTG Garry Kasparov đấu 35 ván cờ chớp trên máy tính xách tay với Fritz 2, thật chất là bản beta của Fritz 3. Ông thắng 31 ván, máy thắng 4. Đó là lần đầu trong đời, Vua cờ thua máy tính, cho dù chưa phải là cuộc so tài chính thức.

Đến tháng 5/1994, Fritz lần đầu cầm hòa Vua cờ tại "World Chess Express Challeng" - giải đấu cờ chớp mạnh nhất mọi thời đại với 17 Đại kiện tướng và Elo bình quân 2.625. Lần này có Intel nhập cuộc để Fritz 3 chạy trên Pentium 90 MHz, bộ xử lý mới nhất của hãng này. 

Fritz thật sự gây sốc khi đánh bại hàng loạt Đại kiện tướng thế giới như Chernin, Anand, Cvitan, Gelfand, Wojtkiewicz, Hjartarson, Kasparov, Kramnik và Short để chung cuộc đứng nhất cùng với Kasparov. Theo tính toán, màn trình diễn của Fritz đạt hệ số Elo hơn 2.800 điểm. 

Phải cố gắng hết sức, Garry Kasparov mới thắng vòng play-off. Sau nửa giờ nghỉ giải lao, Vua cờ cân nhắc kỹ chiến lược và xuất hiện trên sân đấu với tinh thần phấn chấn. "Tôi sẽ dạy cho nó một bài học", Vua cờ tuyên bố đầy tự tin. Anh khẳng định: "Tôi biết chính xác mình phải làm gì". 

Trên thực tế, Garry Kasparov khai cuộc rất thuận lợi, nhưng đến tàn cuộc lại bỏ lỡ cơ hội chiến thắng. Nhưng sau đó, Fritz đúng là gặp sư phụ khi thua 3 và hòa 1. Dù sao, những nước cờ giữa hai bên đã khiến các Đại kiện tướng đứng ngồi không yên, khi theo dõi cuộc chơi qua màn hình ở ngoài sảnh. 

Vua cờ Garry Kasparov là đối thủ quen thuộc của Fritz.

Nhưng từ đó, Fritz càng lúc càng mạnh tới mức vào tháng 11/2003 ở trận đấu đặc biệt tại New York, chương trình này đã hòa Garry Kasparov qua 4 trận với thành tích 1 thắng, 1 thua và 2 hòa. Cả 4 ván đều có chất lượng cao, bao gồm cả 1 ván phản ánh rõ sự khác biệt giữa máy tính với con người: Vua cờ áp đảo từ đầu tới cuối, nhưng chỉ 1 nước sai đã đánh mất chiến thắng. 

Phân tích về sức mạnh của Fritz, Frans Morsch giải thích: "Fritz được xây dựng dựa trên cái gọi là tìm kiếm nước hậu (kiểu như đi 1 nước tính trước 2-3 nước - PV). Điều này có nghĩa là Fritz cho phép một bên di chuyển hai lần. Nếu kết quả nước đi không đạt chất lượng cao, nước đi đầu bị bỏ do không tạo nguy hiểm. Trong phiên bản mới nhất, tốc độ tìm kiếm của Fritz tăng gấp 10 so với trước. Vì thế, rất khó thắng Fritz do chương trình biết cách bảo vệ những điểm yếu".

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm