Nâng cao kỳ nghệ với Webthethao: Bài 2 - Khai cuộc căn bản (phần 2)

thứ tư 26-12-2018 14:40:58 +07:00 0 bình luận
Trong phần trước, chúng tôi đã cùng bạn đọc trao đổi về những nguyên tắc và yếu lĩnh căn bản của giai đoạn Khai cuộc. Tới đây xin được bắt đầu bước vào từng loại hình khai cuộc phổ thông, được nhiều người lựa chọn và vận dụng.

Trong phần trước, chúng tôi đã cùng bạn đọc trao đổi về những nguyên tắc và yếu lĩnh căn bản của giai đoạn Khai cuộc. Tới đây xin được bắt đầu bước vào từng loại hình khai cuộc phổ thông, được nhiều người lựa chọn và vận dụng.

Do khuôn khổ của bài viết có hạn, lại khó diễn được đầy đủ những thế biến như trong các tài liệu chuyên môn, nên Webthethao chỉ xin đưa ra những trao đổi mang tính gợi mở, một cách hệ thống, giúp bạn đọc có thể tự nghiên cứu sâu hơn...

Bàn cờ và cách ghi nước đi

Để đọc được biên bản các ván cờ (qua đó đọc, hiểu được tài liệu chuyên môn), trước tiên bạn cần nắm vững nguyên tắc đọc – ghi biên bản.

Hình vẽ căn bản bàn cờ được chia thành các đường dọc ("lộ") đánh số từ 1-9 từ phải qua của mỗi bên. Ví dụ đường số 1 của bên Tiên (quy ước là bên Đỏ) tương ứng với đường số 9 của bên Hậu (quy ước là bên Đen). Như vậy, trong hình cờ ban đầu, bên Đỏ hiện có các quân Xe ở lộ 1 gọi là Xe 1 (viết tắt là X1) và Xe ở lộ 9 (X9); Mã ở lộ 2 (M2) và lộ 8 (M8); Tượng ở lộ 3 (T3) và lộ 7 (T7); Sĩ ở lộ 4 (S4) và lộ 6 (S6); Tướng ở lộ 5 (Tg5); Pháo ở lộ 2 (P2) và lộ 8 (P8) cùng 5 quân Tốt (một số sách còn gọi là "Binh", viết tắt là B, hoặc "Chốt", viết tắt là C) ở các lộ 1, 3, 5, 7, 9. Theo đó, chúng ta quy ước viết tắt là "Binh" thì sẽ ghi các quân thành B1, B3, B5, B7 và B9; còn theo một số sách hoặc tùy kỳ thủ gọi là "Chốt" thì sẽ ghi thành C1, C3, C5, C7, C9. Cách ghi cho bên Đen cũng tương tự.

Nâng cao kỳ nghệ với Webthethao: Bài 2 - Khai cuộc căn bản (phần 2) - Ảnh 1.

Quy ước ký hiệu của bàn cờ tướng

Ký hiệu nước đi sẽ là sự kết hợp giữa ký hiệu của vị trí các quân kèm theo ký hiệu di chuyển. Theo đó, nếu quân đi ngang gọi là "bình", viết tắt là "-"; quân đi hướng về phía trước gọi là "tiến" (viết tắt là "."), còn quân đi lùi về phía sau gọi là "thoái", viết tắt là "/". Khi ấy, nếu quân Pháo từ lộ 2 đóng vào đầu (đường chính giữa bàn cờ) thì sẽ đọc là "Pháo 2 bình 5", một số sách sẽ viết đầy đủ như trên, hoặc ghi tắt là P2-5. Còn nếu quân Pháo đang ở vị trí ban đầu (lộ 2), tiến về phía trước, lên 4 nước, ngang với hàng Tốt ban đầu của đối phương thì chúng ta sẽ ghi là "P2.4".... Nếu quân Mã từ lộ 2 tiến lên lộ 3, sát với quân Pháo 2, thì sẽ đọc là "Mã 2 tiến 3", viết tắt là M2.3. Nếu quân Tượng từ lộ 3, tiến lên lộ 5, đọc là "tượng 3 tiến 5", viết tắt là T3.5. Nếu quân Tượng sau đó lại lui từ lộ 5 về lộ 3 thì sẽ ghi là T5/3.

Mỗi nước đi được đánh số thứ tự, bao gồm đầy đủ cả lượt đi của 2 bên; trong đó, bên đi Tiên ghi trước, đi Hậu ghi sau. Ví dụ: "1/ P2-5 M8.7".

Thế trận Pháo đầu đối Bình phong Mã

"Bình phong Mã" là cách bố trí 2 Mã lên chính diện hướng vào trong (M2.3 và M8.7) nhằm mục đích trước mắt là vừa bảo vệ Tốt đầu, khi cần có thể liên kết với nhau bằng cách thoái 1 trong 2 quân Mã về cung (M3/5 hoặc M7/5), hoặc sau khi tiến Tốt đầu lên, thì tạo liên kết Mã ở phía trên (M3.5 hoặc M7.5) thay vì phải "hồi cung" (làm cản trở sự phát triển của các quân Sĩ). Chúng ta thấy "Bình phong Mã" tạo thế liên kết quân, vì quân Mã ở lộ 2 sẽ có sự bảo vệ của quân Pháo ở lộ 8 và ngược lại. Những biến hóa của "Bình phong Mã" cũng vô cùng đa dạng, nên được cho là thế trận phổ biến, tiêu biểu bậc nhất trong nhóm các Khai cuộc mang tính chắc chắn cho bên đi Hậu để chống lại Pháo đầu. 

Có thể thấy ngay ban đầu cả 2 quân Mã đều bị cản bởi 2 quân Tốt (hay Binh) ở phía trên, nên để giúp chúng cơ động, trong quá trình thực hiện các nước Khai cuộc, bên Hậu sẽ tranh thủ tiến 1 trong 2 quân Tốt ấy lên (B3.1 hoặc B7.1). Mỗi nước đi lại có thể dẫn ván cờ đi theo một chiều hướng phát triển khác hẳn. Các nguồn tài liệu chỉ ra rằng, trong lịch sử cờ tướng, nước tiến Binh 3 (B3.1) được nghiên cứu từ trước, nên thế trận Bình phong Mã tiến Binh 3" được gọi là "Bình phong Mã cổ điển". Còn nước B7.1 là dấu hiệu nhận biết của thế trận "Bình phong Mã hiện đại".

Tới đây xin được cùng bàn luận về hình cờ căn bản của đối cuộc "Pháo đầu đối Bình phong Mã cổ điển". Hình cờ sau được hình thành sau 4 nước đi đầu tiên: 1/ P2-5 M8.7, 2/ M2.3 M2.3, 3/ X1-2 X9-8, 4/ B3.1 B3.1.

Nâng cao kỳ nghệ với Webthethao: Bài 2 - Khai cuộc căn bản (phần 2) - Ảnh 2.

Hình cờ căn bản của thế trận Pháo đầu đối Bình phong Mã

Nếu như 3 nước đầu của bên Tiên (vào pháo đầu, lên Mã phải, ra Xe phải) được cho là tối ưu và thông dụng nhất của bên sử dụng Pháo đầu thì 3 nước đối phó của bên Hậu (lên 2 Mã trong rồi xuất Xe bảo vệ Pháo), còn gọi là "Bình phong Mã tròn" cũng vậy. Biến hóa tiếp theo xuất hiện từ nước thứ 4 khi bên Tiên chơi B3.1 nhằm vừa mở đường cho Mã 3 của mình, vừa cản trở Binh 7 của đối phương (gián tiếp cản trở sự phát triển của Mã 7 bên Đen), khi ấy bên Hậu cũng lập tức chơi B3.1 nhằm mở đường cho Mã ở lộ 3, vừa cản trở lại phát triển của quân Binh 7 bên Đỏ.

Chỉ sau 4 nước đi, nhưng có thể nhận đấy đôi bên vẫn giữ được hình thế vững chắc, cân bằng, và bên Đỏ chỉ có duy nhất lợi thế đi trước mà thôi.

Thế kỷ 17, trong "bí kíp" mang tên "Mai Hoa Phổ" rất nổi tiếng của tác giả Vương Tái Việt, nghiên cứu sâu về cách chơi Bình phong Mã chống Pháo đầu tuần hà Xe (X2.4) của bên Tiên (thay vì B3.1). Theo đó, bên Hậu chủ động đẩy Binh 3 sớm trước khi hình thành Bình phong Mã, sau đó chủ động "phế quân", dẫn dụ đối phương rơi vào "thiên la địa võng" để rồi tổ chức phản công cực kỳ sắc bén. Mới hay ngay từ cách đây 4 thế kỷ, thế trận "Bình phong Mã" đã hàm chứa những biến hóa thật sâu sắc, khó lường. Các nhà nghiên cứu xếp cách chơi của Mai Hoa Phổ vào dạng thức "Khai cuộc cạm bẫy", trong đó tận dụng tối đa sai lầm về phán đoán hình thế của bên Tiên để đưa ra những đòn phản tuyệt đẹp của bên Hậu.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm