Top 10 Vua cờ: Vị trí nào cho Magnus Carlsen?

Tuyết Kỳ
thứ sáu 28-8-2020 7:12:16 +07:00 0 bình luận
Magnus Carlsen hiện là Vua cờ thế giới. ĐKT QT Na Uy vừa khẳng định vị thế bằng ngôi vô địch tại Magnus Carlsen Tour Finals.

Bằng cách tự bỏ tiền túi lên đến 1 triệu đô la để tổ chức Magnus Carlsen Tour với hệ thống bao gồm 4 giải rồi giành luôn ngôi vô địch, Vua cờ Magnus Carlsen rõ ràng không ngại khẳng định anh hiện là tay cờ số 1 thế giới.

Nhưng trong lịch sử cờ Vua, Magnus Carlsen có phải Vua cờ mạnh nhất? 

1) Garry Kasparov (sinh năm 1963) – Vĩ đại nhất trong các huyền thoại!

Garry Kasparov bắt đầu thống trị cờ Vua thế giới từ năm 22 tuổi. Ông là tay cờ trẻ nhất vô địch thế giới năm 1985. Ông giữ ngôi số 1 cho đến lúc giải nghệ năm 2005. 

Garry học chơi cờ năm 10 tuổi tại trường cờ Mikhail Botvinnik ở Liên Xô. Năm 1978 - 15 tuổi, ông dự giải nhà nghề và vô địch. 

Năm 1983 - 20 tuổi, ông xếp thứ 2 thế giới. Năm 1984, ông tranh ngôi Vua cờ nhưng thua Karpov sau 48 game.

Năm 1985, ông lại tranh ngôi Vua cờ và chiến thắng. Sau đó, ông bảo vệ thành công danh hiệu Vua cờ 3 lần. 

Năm 1993, ông rời FIDE, vẫn giữ ngôi VĐTG suốt 13 năm. Dù vậy, Kasparov có lẽ đã mất ngôi Vua cờ năm 2000 vào tay Kramnik.

Năm 2005, ông giải nghệ sau khi vô địch giải cờ Linares lần thứ 9 trong sự nghiệp. Lúc đó ông vẫn là số 1 thế giới, thống trị làng cờ tuyệt đối 20 năm. 

2) Anatoly Karpov (1951)

Karpov chính là KTQG trẻ nhất lịch sử Liên Xô, lúc mới 15 tuổi. Ông vô địch cờ trẻ thế giới năm 1969, rồi hạ Korchnoi và Spassky năm 1974 để thách thức ngôi Vua cờ của Bobby Fischer. Fischer bỏ cuộc nên Karpov trở thành VĐTG.

Karpov thống trị làng cờ các giai đoạn 1975-1985 và 1993-1999 nhưng không tuyệt đối, với 160 lần chiếm ngôi đầu của các giải đấu.

Năm 1985, ông mất ngôi vô địch vào tay Garry Kasparov sau khi bảo vệ thành công danh hiệu này 1 lần cũng trước cùng đối thủ.

Năm 1995, ông vô địch Linares được xem như giải cờ vua mạnh nhất lịch sử. Sau khi bảo vệ ngôi Vua trước Gata Kamsky năm 1996, ông mất danh hiệu năm 1999 do phản đối quy định mới của FIDE về việc tranh ngôi vô địch.

3) Magnus Carlsen (1990)

Magnus Carlsen đang chứng tỏ anh hiện không có đối thủ. Lúc mới 13 tuổi, cậu bé Na Uy đã là ĐKTQT năm 2004. 

Năm 2009, Magnus Carlsen đạt tới hệ số Elo vượt mốc 2800. Chỉ 1 năm sau, Magnus Carlsen trở thành số 1 thế giới trên BXH cờ Vua của FIDE.

3 năm sau, Carlsen đánh bại Vua cờ Vishy Anand trong cuộc chiến dự kiến 12 game. Anh chỉ cần 10 game để trở thành tân VĐTG.

Ngay năm sau đó, anh bảo vệ thành công ngôi Vua cờ ở trận tái đấu thắng Vishy Anand rồi vô địch thế giới cờ nhanh và cờ chớp cùng trong năm 2014

Cũng trong năm đó, vào tháng 5/2014, Carlsen đạt tới mốc Elo cao nhất lịch sử cờ Vua: 2882. Đến năm 2916, anh lại bảo vệ thành công danh hiệu, lần này là trước Siêu ĐKT Nga Sergey Karjakin.

Điều khiến Carlsen có thể đứng thứ 3 trong lịch sử cờ Vua do anh hầu như không có điểm yếu. Anh chơi cờ với chiến lược xuất sắc và bày binh bố trận lợi hại.

Anh cũng hiếm khi bỏ lỡ cơ hội nếu đối phương mắc sai lầm. Chỉ cần hơi chiếm ưu thế, anh biết làm thế nào để chiến thắng.

4) Wilhelm Steinitz (1836-1900)

Ông được xem là người có cống hiến to lớn cho cờ Vua hiện đại. Năm 1873, ông giới thiệu lối chơi cờ mới mà ban đầu bị xem là ngu ngốc, vì khác hẳn với lối chơi tổng tấn công thời đó. 

Ông có những bài viết về cờ Vua có ảnh hưởng cho đến tận ngày nay nên thường được gọi là "Cha đẻ của Cờ thế."

Dù một vài ý tưởng của ông nghe có vẻ lạ lẫm với người chơi cờ Vua hiện đại, song chúng đã tạo nền tảng cho cờ thế. Do đó, nhiều cao thủ đã gọi ông là "thầy".

Năm 1866, Steinitz đánh bại Adolf Andersson, người sau đó trở thành tay cờ mạnh nhất thế giới còn thi đấu.

Trong giai đoạn 1873-1882, Steinitz chỉ đấu 1 trận với Blackburne, nhưng thắng tuyệt đối 7-0. Năm 1882 ông trở lại và đến 1886, ông thắng Zuckertort ở trận tranh ngôi VĐTG.

Ông thống trị làng cờ Vua thế giới trong 8 năm sau đó khi thắng lần lượt Gunsberg và Chigorin. Đến năm 1894, ông mới thua Emanuel Lasker.

Thật buồn khi sau đó 6 năm, kỳ thủ Czech có cống hiến vĩ đại cho cờ Vua phải chết trong nghèo khó năm 1900.

5) Jose Raul Capablanca (1888-1942)

Capablanca là bậc thầy không đối thủ trong làng cờ chớp! Ông khởi nghiệp lúc 4 tuổi! Năm 13 tuổi, ông thắng nhà vô địch Cuba.

Năm 18 tuổi, ông thắng nhà vô địch Mỹ Frank Marshall 15-8. Năm 1921, ông vô địch thế giới và chấm dứt triều đại của Lasker. Trong 6 năm sau đó, ông bảo vệ thành công ngôi Vua cờ.

Năm 1922, ông có màn biểu diễn kinh người khi đấu cùng lúc 103 đối thủ với kết quả thắng 102 trận và hòa 1.

Đến năm 1927, ông mất ngôi Vua cờ vào tay Alexander Alekhine. Kỷ nguyên thống trị của Capablanca tới đây chấm hết.

Sau đó, ông còn tham dự vài giải nữa, nhưng không bao giờ còn trở lại đỉnh cao và chính thức giải nghệ năm 1931. 

6) Bobby Fischer (1943-2008)

Robert “Bobby” James Fischer bắt đầu nghiệp cờ lúc 14 tuổi. Trong sự nghiệp, ông vô địch Mỹ 8 lần, trở thành ĐKT trẻ nhất lúc đó năm 15 tuổi và cũng từng là ứng viên tranh Vua cờ trẻ nhất lịch sử.

Năm 1970, ông thắng 20 trận liên tiếp tại giải Interzonal ở lần cuối cùng giải này tổ chức thi đấu vòng tròn 1 lượt.

Năm 1972, ông thắng Boris Spassky ở trận đấu cực kỳ nổi tiếng để trở thành Vua cờ. Năm 1975, ông không bảo vệ danh hiệu do không đồng ý với điều kiện tổ chức của FIDE.

Dù cuộc đời và sự nghiệp có nhiều sóng gió, vị thế của Fischer trong làng cờ Vua rất cao do cách biệt về trình độ giữa ông với các đối thủ cùng thời quá rõ. 

7) Alexander Alekhine (1892-1946)

Ngay năm 16 tuổi, Alexander Alekhine đã là một trong những tay cờ hàng đầu của Liên Xô. Đến năm 22 tuổi, ông trở thành tay cờ mạnh nhất thế giới.

Ông bắt đầu thống trị cờ Vua thế giới khi thắng Capablanca năm 1927. Mục tiêu chính của ông là phế truất Capablanca nên giành 6 trận thắng, 3 trận thua và hòa 25 trận.

Ông bảo vệ được danh hiệu trước Bogoljubov vào các năm 1929 và 1934, nhưng thua Max Euwe năm 1935. Năm 1937, ông đoạt lại ngôi Vua cờ và giữ danh hiệu này đến lúc mất năm 1946.

8) Mikhail Botvinnik (1911-1995)

Mikhail Botvinnik chính là thầy của các huyền thoại Garry Kasparov, Anatoly Karpov, Vladimir Kramnik. Ông không chỉ là kỳ thủ vĩ đại, mà còn có cống hiến lớn lao nhằm phát triển giải VĐTG.

Năm 1930, ông vô địch Liên Xô. Vì Thế chiến 2, ông không thể thách đấu Alekhine. Tới đầu thập niên 1940, ông đánh bại một loạt cao thủ ở Liên Xô để giành danh hiệu Nhà vô địch tuyệt đối của Liên Xô.

Ông bắt đầu thống trị cờ Vua thế giới năm 1948 cho tới năm 1963. Ông bảo vệ thành công ngôi Vua do cầm hòa  David Bronstein năm 1951 và hòa Smyslov năm 1954.

Đến năm 1957, Smyslov - địch thủ lớn của Botvinnik thời đó - phế truất ông, nhưng Botvinnik giành lại danh hiệu ở trận tái đấu năm 1958. 

Năm 1960, Mikhail Tal vô địch thế giới nhưng lần nữa, Botvinnik thắng ở trận tái đấu năm 1961. Mãi tới năm 1963, ông mới mất hẳn ngôi Vua cờ do thua Tigran Petrosian.

Sau khi giải nghệ năm 1970, ông dành thời gian phát triển các chương trình cờ Vua và đào tạo kỳ thủ trẻ Liên Xô.

9) Paul Morphy (1837-1884)

Paul Morphy được nhiều người đánh giá là một trong những kỳ thủ cờ Vua vĩ đại nhất lịch sử, cũng như một trong những thiên tài xuất sắc nhất. 

Điều trớ trêu là ông không chọn cờ Vua như sự nghiệp và tập trung vào đó. Vậy mà lúc mới 9 tuổi, ông đã là kỳ thủ giỏi nhất New Orleans và thắng dễ tướng Winfield Scott năm 1846. Lúc 12 tuổi, ông thắng Kiện tướng Hungary Johann Lowenthal trong 3 trận.

Năm 1857, ông tham dự Hội đồng cờ vua Mỹ lần đầu và chiến thắng để trở thành Vua cờ Mỹ.  Năm 1858, ông đánh bại toàn bộ ĐKTQT Anh, ngoại trừ Staunton.

Sau đó ông sang Pháp và hạ Adolf Andersson với 7 thắng, 2 hòa và 2 thua. Ở tuổi 21, ông đã được xem như tay cờ mạnh nhất thế giới lúc đó. Sau đó ông giải nghệ cờ Vua và chỉ họa hoằn lắm mới nhận lời đấu cờ.

10) Vishwanathan Anand (1969)

Vishy Anand trở thành nhà VĐTG từ 2007-2013. Dù Vishy Anand hiện bị cái bóng của Magnus Carlsen che khuất, đừng quên rằng ông đã thâu tóm hầu hết danh hiệu mà các tay cờ chuyên nghiệp khao khát.

Hiện có hệ số Elo gần 2800, Vishy Anand vẫn thuộc nhóm cao thủ hàng đầu thế giới. Thậm chí ông vô địch thế giới cờ nhanh năm 2017.

Được xem như cây trường sinh trong làng cờ Vua đỉnh cao, Anand rõ ràng biết cách duy trì phong độ thật đáng kinh ngạc, nếu biết rằng ông chính là ĐKTQT đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ lúc mới 18 tuổi.

Ông vô địch thế giới năm 2007. Sau đó, ông bảo vệ được danh hiệu trước Vladimir Kramnik năm 2008, Veselin Topalov năm 2010 và Boris Gelfand năm 2012. Trong BXH cờ Vua mới nhất của FIDE, ông đang đứng thứ 15.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm