Cúp Chiến thắng 2022: Siêu kình ngư Huy Hoàng và màn lột xác ngoạn mục ở SEA Games 31

Huy Kha
chủ nhật 1-1-2023 11:27:26 +07:00 0 bình luận
Ngoài sở trường bơi tự do, Huy Hoàng còn khiến đường đua xanh dậy sóng với những kỷ lục cùng 2 tấm HCV ở các nội dung không phải “tủ” tại kỳ SEA Games 31. Siêu kình ngư quê Quảng Bình là ứng viên nặng ký ở hạng mục VĐV nam của năm Cúp Chiến thắng 2022.

2022 – Năm của những kỷ lục

Nguyễn Huy Hoàng chính là người mở hàng cho bơi lội Việt Nam ở SEA Games 31. Ở nội dung sở trường 1.500m, kình ngư sinh năm 2000 chỉ có duy nhất một đối thủ: chính là anh! Mục tiêu của Huy Hoàng là phá kỷ lục cá nhân ở nội dung này được thiết lập với thời gian 14:58.14 đã từng chạm mốc ở SEA Games 30.

Huy Hoàng tiếp tục thể hiện phong độ ổn định trên đường đua xanh. Ảnh: Trần Khánh

Huy Hoàng đã nỗ lực song thành tích của anh dừng lại ở mốc 15:00.75. Tuy chưa đạt thông số đề ra nhưng bản thân Hoàng không có đối thủ trên đường đua xanh. Người về thứ hai chính là Nguyễn Hữu Kim Sơn, kém anh đến hơn 26 giây với thông số 15:27.31.

Tuy vậy, đó là bước đệm để Huy Hoàng thi đấu thăng hoa ở SEA Games 31. Tại cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, kình ngư quê Quảng Bình làm dậy sóng đường đua xanh. Anh phá 2 kỷ lục SEA Games ở các nội dung cá nhân sở trường là 400m (3:48.06) và 800m (7:57.65) tự do. 

Đặc biệt hơn cả, anh gây choáng váng với hai tấm HCV ngoài mong đợi. Ở nội dung 200m bướm, kình ngư 22 tuổi vượt qua Navaphat Wongchareon đúng 0.12 giây để giành tấm HCV quá đỗi bất ngờ. Hoàng cán đích với thông số 1:58.81 còn kình ngư người Thái Lan chạm mốc 1:58.93.

Kình ngư sinh năm 2000 cùng đội bơi Việt Nam tạo nên cột mốc lịch sử khi đánh bại Singapore ở nội dung 4x200m tự do ở SEA Games 31. Ảnh: Tuấn Tú

Huy Hoàng có sở trường ở các nội dung tự do. Trong suốt sự nghiệp thi đấu quốc tế đỉnh cao, kình ngư quê Quảng Bình từng đoạt HCV ở nội dung 200m bướm tại giải vô địch các nhóm trẻ Đông Nam Á 2015. Thế nhưng, từ đó đến nay, anh chưa từng đặt dấu ấn ở trên đấu trường quốc tế ở các nội dung bướm. Và kết quả ở SEA Games 31 ngoài sức tưởng tượng của giới mộ điệu.

Không chỉ dậy sóng ở các nội dung cá nhân, Huy Hoàng còn đặt dấu ấn lớn ở nội dung tiếp sức 4x200m tự do. Anh chính là VĐV tạo nên bước ngoặt cho đội bơi Việt Nam để đánh bại đối thủ sừng sỏ Singapore. Ở lượt bơi đầu tiên, Nguyễn Hữu Kim Sơn chỉ cán đích ở vị trí thứ 4. Tuy vậy, đến lượt bơi thứ 2, Huy Hoàng bứt tốc kinh hoàng để giúp đội bơi Việt Nam vươn lên vị trí số 1. Từ đó, Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên duy trì ngôi vị dẫn đầu cho đến khi chạm vạch đích.

Anh nhận được sự thán phục từ các đối thủ với thành tích quá đỗi ấn tượng. Ảnh: Tuấn Tú

Bơi lội Việt Nam đoạt HCV với thông số 7:16.31, đồng thời phá kỷ lục SEA Games do đội bơi Singapore thiết lập trước đó.

Tấm HCV bơi tiếp sức cũng giúp Việt Nam phá vỡ sự thống trị của bơi lội Singapore trong thời gian dài. Nội dung bơi tiếp sức 4x200m tự do nam của họ càng khiến cả Đông Nam Á phải sửng sốt khi giành HCV từ SEA Games 2005 cho đến 2019. Quãng thời gian 8 kỳ SEA Games đủ thấy sức mạnh của đội bơi Singapore. Càng đáng sợ hơn khi 5/8 lần đó, họ phá vỡ kỷ lục SEA Games.

Gia đình là điểm tựa tinh thần để Huy Hoàng thi đấu thăng hoa tại SEA Games 31. Ảnh: Trần Khánh

Huy Hoàng đã khép lại kỳ SEA Games 31 mỹ mãn khi đoạt 5 HCV (4 HCV cá nhân, 1 HCV đồng đội), phá 3 kỷ lục đại hội và trở thành một trong 4 VĐV xuất sắc nhất. Sau khi Ánh Viên giã từ ĐTQG, Huy Hoàng phần nào khỏa lấp chỗ trống của “đàn chị” để lại ở đội bơi Việt Nam.

SEA Games 31 chính là cột mốc lớn trong năm 2022 của siêu kình ngư này. Anh đã đạt những kết quả xứng đáng với sự kỳ vọng của người hâm mộ.

Sự thăng tiến vững chắc

Huy Hoàng sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em ở Tuyên Hóa (Quảng Bình). Gia cảnh nghèo khó và từ đó, chàng trai vùng sông nước quyết tâm thay đổi hoàn cảnh. Anh theo nghiệp bơi từ năm 11 tuổi và sớm gặt hái thành công.

Năm 2016, khi Lâm Quang Nhật là VĐV bất khả xâm phạm ở nội dung 1.500m, kình ngư mới 16 tuổi nổi lên và đánh bại đàn anh để đoạt HCV ở giải vô địch quốc gia. Đó là bệ phóng giúp Huy Hoàng có sự bứt phá trong những năm tiếp theo.

Siêu kình ngư quê Quảng Bình (bìa trái) trải qua tuổi thơ dữ dội trước khi từng bước trải thảm trên hoa hồng. Ảnh: Trần Khánh

Anh giành tấm HCV ở nội dung này tại SEA Games năm 2017. Đó là dấu ấn đầu tiên ở đấu trường quốc tế lớn của kình ngư quê Quảng Bình. Những thành tích vang dội liên tiếp được Huy Hoàng chinh phục sau đó.

Hai tấm huy chương danh giá của bơi lội Việt Nam được Huy Hoàng tạo nên ở ASIAD 2018 là HCB 1.500m và HCĐ 800m tự do. Anh chỉ bị khuất phục bởi tượng đài bơi lội Trung Quốc Sun Yang.

Cũng trong năm 2018, Huy Hoàng giành HCV nội dung 800m tự do Thế vận hội trẻ tại Buenos Aires (Argentina). Với những chiến công hiển hách đó, Huy Hoàng xứng đáng được vinh danh ở hạng mục VĐV trẻ của năm Cúp Chiến thắng 2018.

Huy Hoàng có hai năm liên tiếp đoạt giải thưởng Cúp Chiến thắng.

Một năm sau, kình ngư sinh năm 2000 tiếp tục đà thăng tiến vững chắc. Anh là VĐV Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn tham dự Olympic 2020 và giành hai tấm HCV quá đỗi thuyết phục ở SEA Games 30. Huy Hoàng tiếp tục được vinh danh là Nam VĐV xuất sắc Cúp Chiến thắng 2019.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng trong những năm qua, Huy Hoàng luôn duy trì sự ổn định. Đó là tín hiệu lạc quan để bơi lội Việt Nam chờ đợi sự bứt phá của kình ngư 22 tuổi này trong những năm tới đây.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng vừa giành giải thưởng VĐV yêu thích nhất của năm Cúp Chiến thắng 2022 do khán giả bình chọn. Đây là hạng mục giải thưởng được công bố đầu tiên và cũng là hạng mục duy nhất được quyết định bởi khán giả.

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm