Có 5 tượng đài thể thao đặc biệt được vinh danh ở giải thưởng Thành tựu cống hiến trọn đời tại Cúp Chiến thắng: Đặng Thị Đông năm 2015, Bùi Lương năm 2016, Hoàng Vĩnh Giang năm 2017, Lê Thế Thọ năm 2018 và Bùi Tử Liêm năm 2019.
Đặng Thị Đông
Sinh năm 1959 tại Thái Bình, xạ thủ huyền thoại đang giữ kỷ lục về thời gian gắn bó liên tục với nghiệp bắn súng mà chỉ riêng thâm niên ở ĐTQG đã là 23 năm liên tục. Xạ thủ mang quân hàm Thượng tá Quân đội này cũng đang là nữ tuyển thủ bắn súng giành nhiều HCV nhất với 5 lần bước lên bục cao nhất. Trong đó, bà cũng là tuyển thủ giành tấm HCV đầu tiên cho TTVN tại SEA Games tái hội nhập 1989.
Qua 14 kỳ SEA Games của TTVN, mới chỉ có Đặng Thị Đông đã đạt thành tích vượt kỷ lục châu Á tại một Đại hội thể thao Đông Nam Á. Bài bắn giành 595 điểm ở nội dung cá nhân súng trường tiêu chuẩn nữ của bà tại SEA Games 1991 hơn 1 điểm so với kỷ lục châu Á tồn tại 9 năm của một xạ thủ Trung Quốc. Bà nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời tại Cúp Chiến thắng 2015.
Bùi Lương
Sinh năm 1938, ông được coi như tượng đài điền kinh Việt Nam khi từng 9 lần vô địch Giải việt dã toàn quốc báo Tiền Phong, trong đó có 8 năm liên tiếp. Ông giành nhiều giải thưởng trong và nước và được ghi nhận là huấn luyện viên điền kinh cao tuổi nhất tại Việt Nam.
Lúc hơn 80 tuổi, ông vẫn miệt mài với công việc đào tạo tài năng điền kinh trẻ, chấp nhận xa nhà liên miên. Nhưng với tình yêu cháy bỏng với điền kinh, ông sẵn sàng tạm bỏ lại mọi thứ ở thủ đô để vẫn được làm công việc mình yêu thích và nguyện gắn bó cho đến hơi thở cuối cùng. Ông nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời tại Cúp Chiến thắng 2016.
Hoàng Vĩnh Giang
Sinh năm 1946, ông không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần, trí tuệ của người cha là cố GS Hoàng Minh Giám, mà còn sớm bộc lộ rất rõ năng khiếu thể thao. Ông có thể chơi tốt nhiều môn thể thao, từ bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá và nhất là điền kinh, chưa kể còn giỏi võ. Ông đã có một nghiệp VĐV lừng lẫy, với tư cách một kỷ lục gia nhảy cao, mà cột mốc 1m96 mà ông tạo ra tồn tại trong một thời gian rất dài.
Kể từ 2003, ông được xem là “chiến lược” gia của thể thao Hà Nội và cả nước, gắn với điểm rơi rực rỡ là việc Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 22 về mọi mặt, trong đó thể thao Việt Nam lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn. Đây chính là cú hích tạo nên bước đột phá trong sự phát triển và hội nhập quốc tế của cả một nền thể thao, với vai trò cùng dấu ấn lớn của vị Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.
Năm 2006, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỷ đổi mới. Cho đến những ngày trước khi qua đời, đã ở tuổi 75, ông vẫn luôn đau đáu, nỗ lực dốc hết tâm sức cho thể thao, nghiệp đời của mình, trên nhiều trọng trách: Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Ông nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời tại Cúp Chiến thắng 2017.
Lê Thế Thọ
Sinh năm 1941 tại Hải Dương, ông đến với bóng đá từ phong trào học sinh. Năm 15 tuổi, ông được gọi vào tập trung ở trường Huấn luyện TDTT và chỉ một năm sau đã khoác áo đội tuyển quốc gia. Sau khi giã từ sân cỏ, ông theo học tại Học viện Khoa học bóng đá Leipzig (CHDC Đức).
Trở về nước, ông được chỉ định là HLV trưởng ĐT Việt Nam. Từ năm 1978 đến 1989, ông giữ chức Tổng thư ký Lâm thời của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), sau đó là Tổng thư ký VFF nhiệm kỳ I trong giai đoạn từ 1989 đến 1993. Tới nhiệm kì 1997-2001, ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch LĐBĐVN, chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia. Ông nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời tại Cúp Chiến thắng 2018.
Bùi Tử Liêm
Sinh năm 1925, ông từng giữ chức Tổng thư ký (đầu tiên) của Ủy ban Olympic Việt Nam và Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao. Thời còn làm huấn luyện viên, ông có công đào tạo Nguyễn Hoàng An, chủ nhân tấm huy chương quốc tế đầu tiên của thể thao Việt Nam: Huy chương Đồng môn bơi trong giải Ganefo (Indonesia) vào năm 1963.
Ông còn là trưởng đoàn của đoàn thể thao Việt Nam có số lượng đông nhất từng tham dự một kỳ Olympic trong lịch sử. Đó là tại Moscow 1980 ở Liên Xô, khi Việt Nam có 79 thành viên, bao gồm 35 vận động viên tranh tài 4 môn: Điền kinh (9 VĐV), bơi (11), bắn súng (7) và vật tự do (8). Ông nhận giải Thành tựu cống hiến trọn đời tại Cúp Chiến thắng 2019.