Asian Athletics Championships 2023 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ 12-16/7/2023, quy tụ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và những tuyển thủ điền kinh hàng đầu châu lục. Điền kinh Việt Nam cũng giành được 01 HCV ở nội dung chạy 4x400m tiếp sức nữ và HCĐ nhảy ba bước nữ, xếp hạng 13.
Nếu nhìn vào các quốc gia đối thủ ở đấu trường SEA Games thì thành tích của điền kinh Việt Nam ở đâu so với thành tích những quốc gia Đông Nam Á sau đây đạt được.
Singapore thống trị hai nội dung chạy ngắn nữ danh giá nhất
Singapore, một trong những quốc gia nhỏ nhất và ít dân số nhất Đông Nam Á (chỉ khoảng 6 triệu người theo số liệu năm 2023), nhưng thành tích thể thao ở những môn Olympic lại rất đáng nể. Tại giải điền kinh châu Á vừa qua, quốc đảo nhỏ bé này giành được 2 HCV, đều ở các cự ly chạy ngắn dành cho nữ là 100m và 200m.
Veronica Shanti Pereira trở thành người hùng của điền kinh Singapore khi đoạt cú đúp HCV chạy 100m và 200m nữ. Trước các đối thủ mạnh từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cô gái sinh năm 1996 này vẫn thi đấu cực kỳ ấn tượng, giành chiến thắng thuyết phục.
Shanti giành HCV chạy 100m với thông số 11 giây 20 (11.20), là kỷ lục quốc gia Singapore mới. Đặc biệt hơn, đây là tấm HCV đầu tiên ở cự ly ngắn này của Singapore trong lịch sử điền kinh châu Á.
Chưa hết, cô gái này trở thành người đầu tiên kể từ năm 1974 giành HCV điền kinh cấp độ châu Á cho Singapore sau gần 50 năm, kể từ tấm HCV chạy 400m nữ của Chee Swee Lee tại Asian Games 1974.
Sau đó, ở nội dung 200m nữ, Shanti cũng giành HCV với thành tích 22.70, xác lập kỷ lục giải đấu mới, và chỉ kém 0,01 giây so với kỷ lục SEA Games cô thiết lập ở Campuchia hồi tháng 5.
Shanti thuộc hàng giữ được phong độ bền nhất làng chạy tốc độ Đông Nam Á. Kể từ lần giành HCV 200m SEA Games 2015 tại sân nhà Singapore 8 năm trước, cô luôn về sau Lê Tú Chinh (Việt Nam) và Kristina Knott (Philippines) ở những kỳ SEA Games tiếp theo. Nhưng sau khi hai đối thủ này dính chấn thương và không tham dự SEA Games 31 (5/2022) đến nay, Shanti liên tục thăng tiến.
Không chỉ tận dụng cơ hội hai đối thủ chính dính chấn thương, mà bản thân Shanti cũng tiến bộ vượt bậc, để chứng minh rằng dù Chinh và Knott có ở đỉnh cao phong độ lúc này thì cũng không thể vượt qua mình.
Các thông số chạy 100m và 200m của Shanti liên tục được rút ngắn, đưa cô vào hàng Nữ VĐV chạy nhanh nhất Đông Nam Á hiện nay. Và bây giờ, cấp độ đó đã tăng lên tầm châu lục. Shanti tiếp tục là kỳ vọng vàng của Singapore tại ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc) sắp tới.
Philippines và Thái Lan ghi dấu ấn rõ nét
Philippines cũng là trường hợp gây bất ngờ ở giải điền kinh châu Á vừa qua. Hai tấm HCV giành được ở nội dung 400m rào nữ và nhảy sào nam đã đưa họ xếp hạng 6 như Singapore.
Đáng chú ý nhất là tấm HCV chạy 400m rào của Robyn Lauren Brown (Philippines). Cô gái sinh năm 1994 cũng không thể ngờ thành tích 57.50 của mình đã giúp cô lần đầu có HCV giải châu Á. Brown đánh bại cặp VĐV Nhật Bản Eri Utsunomiya (57.73) và Ami Yamamoto (57.80) để giành chiến thắng một cách đầy ngỡ ngàng.
Điều đáng nói là Brown liên tục thua Nguyễn Thị Huyền tại 3 kỳ SEA Games 2019, 2021 và 2023 vừa qua, nhưng chỉ một lần tỏa sáng ở giải này, cô đã vượt qua cả Huyền, người chỉ về thứ năm với thông số 58.36. Chiến thắng của Brown đi kèm những giọt nước mắt hạnh phúc và không thể tin nổi trên bục trao giải.
Tấm HCV còn lại của điền kinh Philippines đến từ nội dung nhảy sào nam. “Báu vật quốc gia” Ernest John Obiena lập kỷ lục giải đấu mới với thông số 5.91m, vượt qua chính kỷ lục cũ 5.71m của mình xác lập năm 2019.
EJ Obiena đã chính thức đủ điểm để vươn lên hạng 2 thế giới, chiếm vị trí của Chris Nilsen (Mỹ) và chỉ còn thua kỷ lục gia Armand Duplantis của Thụy Điển. EJ đã trở thành VĐV điền kinh Philippines đầu tiên giành quyền dự Olympic Paris 2024.
Nhìn sang Thái Lan, tấm HCV chạy tiếp sức 4x100m nam cũng là thành tích đáng kể ở các cự ly chạy ngắn danh giá. Thần đồng 17 tuổi Puripol Boonson đã giúp đội chạy tiếp sức nam giành tấm HCV lịch sử khi đánh bại đội mạnh Trung Quốc và Hàn Quốc.
4 chàng trai trẻ Thái Lan không chỉ giành HCV cho chủ nhà mà lập kỷ lục giải đấu mới với thông số 38.55, đánh bại đội Trung Quốc (38.87) và Hàn Quốc (38.99) một cách thuyết phục.
Cùng với 01 HCB và 4 HCĐ nữa, Thái Lan xếp hạng 10 chung cuộc với 6 huy chương các loại.
Điền kinh Việt Nam đi tìm nhân tài kế thừa
Không phải điền kinh Việt Nam thi đấu tệ ở giải châu Á lần này. Tấm HCV 4x400m nữ và HCĐ nhảy ba bước nữ là thành tích rất đáng khích lệ. Nhưng nếu so về thành tích HCV cá nhân ở những nội dung chạy danh giá thì điền kinh Việt Nam chưa được như mong đợi.
Nhóm các VĐV chạy tốc độ của Việt Nam hiện nay đã rất nỗ lực và cũng giành được những thành tích đáng nể. Ngần Ngọc Nghĩa vào bán kết 100m nam với thông số 10.53, bán kết 200m nam (21.20); Trần Thị Nhi Yến vào đến chung kết 100m nữ với thành tích 11.64, vào bán kết 200m nữ với thành tích tốt nhất mùa giải 2023 là 24.00.
Đây đều là những thông số không tệ với các chân chạy tốc độ Việt Nam. Nhưng để tìm ra được nhân tố có thể giành HCV như Veronica Shanti (Singapore) hay Puripol Boonson (Thái Lan) thì điền kinh Việt Nam vẫn còn phải “đãi cát tìm vàng” thêm nhiều năm nữa.
Hướng đi được đánh giá đúng hiện nay của điền kinh Việt Nam là đầu tư vào những nội dung chạy tiếp sức, đã có lớp kế cận của 4x400m nữ, nhưng cần thêm các chân chạy 400m nam tốt để có thể cạnh tranh huy chương ở những cự ly 4x400m hỗn hợp.