Chiều cao có tác dụng thế nào trong môn chạy tốc độ?

Thanh Mai
thứ năm 24-8-2023 22:04:31 +07:00 0 bình luận
Có phải cứ cao, chân dài là chạy nhanh hơn người thấp và chân ngắn? Điều này tưởng chừng là hiển nhiên, nhưng xem ra lại không hoàn toàn đúng ở những nội dung chạy tốc độ.

Thông thường, người ta vẫn coi những người cao, chân dài có lợi thế hơn hẳn trong việc chạy. Điều này hiển nhiên đúng khi có rất nhiều VĐV cao lớn đã thành công trong thể thao nói chung, điền kinh nói riêng.

Nhưng khi áp dụng định lý này ở nội dung chạy ngắn, đặc biệt là chạy tốc độ nữ khoảng một thập kỷ gần đây thì dường như cao chưa phải là lợi thế khi chạy ngắn.

Những ví dụ điển hình

Shelly-Ann Fraser Pryce được coi là một trong những nữ VĐV chạy ngắn thành công nhất trong lịch sử. Cô gái sinh năm 1986 vẫn là một đối thủ cực kỳ đáng gờm dù đã 36 tuổi.

Fraser Pryce đã có rất nhiều danh hiệu lớn nhỏ ở những cự ly ngắn như 100m, 200m, 4x100m… Cô vô địch Olympic, thế giới, châu lục… có danh hiệu vô địch thế giới chạy 100m nữ từ năm 2009. Và đến tận bây giờ, dù không còn ở độ tuổi lý tưởng, Fraser Pryce vẫn vừa giành HCĐ 100m nữ giải điền kinh vô địch thế giới 2023 tại Hungary với thông số 10 giây 77 (10.77).

Shelly-Ann Fraser Pryce (giữa) là một điển hình về nữ VĐV chạy ngắn thành công rực rỡ dù có chiều cao khiêm tốn - Ảnh: Olympics

Fraser Pryce hiển nhiên không phải là VĐV có chiều cao lý tưởng khi chỉ cao 1.50m. Cô từng tạo ra một hình ảnh vô cùng đặc biệt khi chạy cạnh đối thủ Blessing Ogkabre (Nigeria), người cao tới… 1.80m, và cô vẫn giành chiến thắng rất thuyết phục.

Nhà vô địch thế giới Sha’Carri Richardson (Mỹ) vừa gây sốc khi giành chiến thắng tại Budapest hôm 21/8/2023 với thông số tốt nhất thế giới năm 2023 là 10.65. Và cô cũng chỉ cao 1.52m.

Những nghiên cứu gây chú ý

Một nghiên cứu được tiến hành từ năm 2005 thu thập dữ liệu về những VĐV chạy tốc độ đã chỉ ra những mặt ưu và nhược điểm của chiều cao. Bản nghiên cứu bởi Watts năm 2012 cũng chỉ ra những thông số về hình thể, cấu trúc cơ thể, gen di truyền và cả sự khổ luyện mới là những thứ tạo nên thành công của một VĐV chạy tốc độ.

Kết quả cho thấy, những nữ VĐV có chiều cao khiêm tốn lại chiếm ưu thế ở những cự ly chạy ngắn. Họ có sải chân ngắn nhưng guồng chạy lại rất nhanh. Và đối lập, những VĐV có chiều cao tốt, sải chân dài thì thường thành công ở những nội dung chạy dài hơn (Schiffer, 2009).

Shelly-Ann Fraser Pryce (trái) chạy đua cùng đối thủ Blessing Ogkabre có chiều cao vượt trội - Ảnh: Olympics

Những định kiến hay bản chất về chuyện thành tích của VĐV nữ chạy ngắn có liên quan đến chiều cao đã thay đổi rất nhiều. Đúng là chiều cao có sức ảnh hưởng nhưng lạ không phải là yếu tố quyết định thành công về mặt thành tích.

Những nữ VĐV chạy nước rút có chiều cao khiêm tốn lại được thiên phú vóc dáng đặc biệt, có khả năng khiến những đối thủ cao hơn mình gặp khó trong những cuộc chạy nước rút. Đặc biệt khi quá trình tập luyện của họ được điều chỉnh để khuếch đại sức mạnh tần số sải chân bẩm sinh của những VĐV thấp.

Thời lên ngôi của những VĐV chạy tốc độ có chiều cao khiêm tốn

Ở thời hiện đại, khi một phần triệu giây cũng là một thông số cực kỳ quan trọng trong điền kinh, thì để cải thiện thông số là điều rất khó. Những quan sát mang tính chất nghiên cứu gần đây cho thấy các VĐV chạy tốc độ có xu hướng thành công nằm ở những VĐV thấp. Sự thật này đã thách thức định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân loại về thể chất lý tưởng để chạy nước rút thành công.

Những VĐV có chiều cao khiêm tốn sở hữu khả năng bứt tốc cực kỳ ấn tượng ngay khi xuất phát. Họ sở hữu guồng chân nhanh siêu ấn tượng, với những bước chân ngắn giúp họ duy trì tốc độ ở khoảng thời gian lâu hơn.

Khi nghiên cứu về trung tâm trọng lực tối ưu, các chuyên gia nhận thấy rằng: trọng tâm thấp hơn có thể giúp giữ thăng bằng và ổn định tốt hơn, đặc biệt là trong giai đoạn tăng tốc.

Bên cạnh đó, VĐV có chiều cao khiêm tốn thì có sải tay và chân ngắn hơn, cũng đồng nghĩa với việc tiêu tốn ít năng lượng hơn khi di chuyển, có khả năng dẫn đến chạy nước rút hiệu quả hơn hẳn.

Sha’Carri Richardson (9) vừa gây sốc khi giành chiến thắng tại giải điền kinh thế giới 2023 ở Budapest hôm 21/8/2023, cũng sở hữu chiều cao khiêm tốn - Ảnh: World Athletics

Sự thăng tiến của các VĐV nữ có chiều cao khiêm tốn khi chạy tốc độ đã làm thay đổi hoàn toàn về phương pháp huấn luyện khi tập luyện và áp dụng vào thi đấu. Các HLV hiện nay tập trung hơn vào việc nâng cao tần số sải chân, sức mạnh bùng nổ và kỹ thuật thay vì chỉ cố gắng tối đa hóa độ dài sải chân.

Ngược lại, những nữ VĐV chạy nước cao vượt trội thường phải vật lộn với những thử thách liên quan đến chính chiều cao của họ, mà tăng chuyển động ngang trong khi chạy là ví dụ điển hình.

Sự dịch chuyển ngang được quyết định bởi hông rộng hơn, khiến trọng tâm của VĐV đi theo quỹ đạo chữ “S” khi tăng tốc. Điều khác lạ là sự khác biệt về chiều cao ở VĐV nữ chạy tốc độ dường như lại không đúng đối với các nam VĐV khi kỷ lục gia thế giới Usain Bolt của Jamaica cao tới 1.96m nhưng chạy thì vô cùng đỉnh cao.

Chính vì vậy, chiều cao có ảnh hưởng thế nào đối với những nữ VĐV chạy tốc độ, hay so với cả nam VĐV, vẫn là một điều gì đó chưa thể giải thích rõ ràng được. Biết đâu, trong tương lai, khi có một nữ VĐV chạy tốc độ thượng thặng sở hữu chiều cao vượt trội, thì những định kiến hay nghiên cứu khoa học sẽ một lần nữa phải xem xét lại (?!).

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm