Định hướng cho nữ VĐV điền kinh khởi nghiệp kinh doanh

Tú Hân
thứ hai 22-4-2024 11:49:24 +07:00 0 bình luận
Sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, các VĐV điền kinh, đặc biệt là nữ, sẽ làm gì để tiếp tục có nguồn tài chính trang trải cuộc sống? Một chương trình hữu ích đã đem lại nhiều kiến thức cần thiết cho vấn đề này.

Để giúp các nữ VĐV có cái nhìn tổng quát và tạo nguồn cảm hứng cho họ trong việc khởi nghiệp kinh doanh, Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên đã được tổ chức tuần qua tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục Thể thao tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và đào tạo nghề cho các nữ vận động viên… với sự tham gia của hơn 200 tuyển thủ nhiều môn thể thao đang tập trung tại đại bản doanh Nhổn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho biết: Chương trình Truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên là hoạt động hỗ trợ các nữ vận động viên có thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp như một hành trang sau khi hết thời gian thi đấu chuyên nghiệp.

Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên tổ chức tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội - Ảnh: Bùi Lượng

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ và do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Sau thành công của chương trình truyền thông về khởi nghiệp cho nữ vận động viên tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, năm nay Chương trình tiếp tục được tổ chức, hướng tới đối tượng là các nữ vận động viên tại Hà Nội.

Hàng năm, tại Việt Nam có rất nhiều vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Theo số liệu công bố cuối năm 2020 của Cục TDTT, chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc đã trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ước tính có khoảng 60-70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Huỳnh Thị Mỹ Tiên giành HCV chạy 100m rào nữ tại giải điền kinh Cúp Tốc Độ Thống Nhất TPHCM hôm 12/4/2004 - Ảnh: Việt Long

Chương trình truyền thông này cung cấp cho các nữ vận động viên một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, qua đó giúp suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công.

Tại Chương trình, bà Phạm Thị Thanh - đại diện cho Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ đã chia sẻ với các vận động viên những thông tin về Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Cuộc thi nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Tham gia giao lưu chương trình này, tuyển thủ điền kinh Huỳnh Thị Mỹ Tiên, quán quân quốc gia, HCV SEA Games 32 nội dung chạy 100m rào nữ, có mong muốn sẽ khởi nghiệp với công việc kinh doanh.

Thời gian qua, dù bận rộn với việc tập luyện để đảm bảo chuyên môn chương trình tập huấn, Mỹ Tiên vẫn có những bài đăng giới thiệu về những sản phẩm đồ thể thao mà cô kinh doanh. Đây có thể sẽ là hướng đi mới của không chỉ Mỹ Tiên, mà còn của nhiều nữ VĐV khác sau khi giải nghệ.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm