3000m chướng ngại vật là một trong hai nội dung mà Nguyễn Thị Oanh đã tham dự tại Á vận hội 2018 (cùng 1500m). Cô gái Bắc Giang xuất sắc giành tấm HCĐ quý giá và xác lập kỷ lục quốc gia với thông số 9:43.83.
Lần này trở lại với đấu trường ASIAD 19, Oanh có mục tiêu “ít nhất phải bảo vệ được tấm HCĐ”. Dù mục tiêu giành HCV và phá kỷ lục Á vận hội chạy 3000m chướng ngại vật khá xa vời với cô gái Việt Nam. Nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn có một mục tiêu khác là vượt qua chính mình và xác lập thêm một kỷ lục quốc gia nữa.
Kỷ lục chạy 3000m chướng ngại vật nữ
Tại Incheon (Hàn Quốc) năm 2014, Ruth Jebet (Bahrain) đã xác lập kỷ lục 9:31:36, xô đổ kỷ lục cũ 9:55.67 do Sudha Singh (Ấn Độ) xác lập ngay kỳ ASIAD trước đó ở Quảng Châu (Trung Quốc) 21/11/2010.
Ruth Jebet là VĐV Bahrain gốc Kenya, nên việc cô giữ cả kỷ lục châu Á 9:20.55 lập tại Zurich (Thụy Sĩ) 28/8/2014 là điều không có gì lạ.
Cô gái này ở một tầm trình độ rất khác biệt so với những VĐV thuần gốc châu Á. Ở Incheon 2014, Jebet đã hạ bệ đương kim vô địch và kỷ lục gia lúc đó Sudha Singh, người chỉ về thứ tư với thành tích 9:35.64. Với cô gái Ấn Độ, sau 4 năm, cô vẫn chạy tốt hơn kỷ lục cũ của mình (9:55.67) ở Quảng Châu 2010 tới 20 giây. Nhưng điều đó vẫn không đủ khi Bahrain nhập tịch VĐV gốc Kenya quá mạnh.
Thông số của cựu kỷ lục gia Sudha Singh không hề tệ, nhưng khi ứng cửviên quá mạnh, những đối thủ khác cũng có thêm động lực để nâng thành tích.
Á quân ASIAD 2014 Li Zhenzhu (Trung Quốc) chạy hết 9:35.23, trong khi HCĐ Lalita Babar (Ấn Độ) có thành tích 9:35.37. Thậm chí, nhóm 6 VĐV về đầu nội dung này đều có thành tích phá kỷ lục cũ 9:55.67 của Sudha Singh.
Tại ASIAD Jakarta 2018, khi đương kim vô địch Ruth Jebet không thể tham dự vì bị cấm thi đấu 4 năm do dính doping, Bahrain lại nhập tịch một VĐV gốc Kenya khác là Winfred Yavi để tiếp tục thống trị nội dung này. Thông số 9:36.52 của Yavi vẫn kém kỷ lục của đồng hương tới 4 giây.
Cựu kỷ lục gia Sudha Singh trở lại mạnh mẽ và có tấm HCB ở kỳ ASIAD thứ ba liên tiếp mình tham dự. Cô gái Ấn Độ có thông số khá tốt 9:40.03, về trước Nguyễn Thị Oanh chỉ hơn 2 giây, người có tấm HCĐ quý giá và kỷ lục quốc gia 9:43.83 tồn tại đến tận bây giờ.
Kỷ lục thế giới chạy 3000m chướng ngại vật nữ hiện ở mức khó tin: 8:44.32 do một VĐV Kenya nắm giữ, đó là Beatrice Chepkoech lập tại Monaco 20/7/2018.
Kỷ lục Á vận hội chạy 3000m chướng ngại vật nam
Hossein Keyhani (Iran) đang nắm giữ kỷ lục 8:22.79 mới lập ở kỳ đại hội trước tại Indonesia 27/8/2018. Tuyển thủ này phá kỷ lục cũ 8:25.89 do Tareq Mubarak Taher (Bahrain) xác lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) 23/11/2010.
Kỷ lục châu Á 7:53.63 do Saif Saaeed Shaheen (Qatar) xác lập tại Bỉ 3/9/2004 cũng đồng thời là kỷ lục thế giới ở thời điểm đó, tồn tại suốt 19 năm và vừa mới bị phá trong năm 2023.
Tại giải điền kinh ở Paris (Pháp) 9/6/2023 vừa qua, Lamecha Girma của Ethiopia đã xác lập kỷ lục thế giới mới 7:52.11 mới cách ấn tượng, xô đổ kỷ lục cũ do một người châu Á xác lập suốt gần hai thập kỷ qua.
Kỷ lục quốc gia Việt Nam hiện là 8:51.16 do Nguyễn Trung Cường (2000, Hà Tĩnh) xác lập 12/07/2018 tại Giải điền kinh U20 Thế giới 2018 tại Phần Lan. Năm nay, Cường cũng sẽ tham dự nội dung 3000m chướng ngại vật ở ASIAD 19.
ASIAD 19 diễn ra từ 23/9 đến 8/10/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đại hội thu hút số lượng kỷ lục lên đến hơn 12.000 VĐV.
Đại hội có 40 môn thể thao (61 phân môn), 481 nội dung. Trong đó điền kinh có 48 nội dung, thi đấu từ 29/9 đến 5/10/2023.
Việt Nam sẽ cử đội hình tham dự với 12 VĐV gồm: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hường, Bùi Thị Thu Thảo, Trần Thị Nhi Yến, Hoàng Thị Ánh Thục, Nguyễn Thị Ngọc (nữ) và Nguyễn Trung Cường, Lương Đức Phước (nam).