Tại phần thi bán kết chạy 200m nam sáng 4/8/2022 (giờ Việt Nam), 24 VĐV vượt qua vòng loại được chia thành 3 đợt chạy. Puripol Boonson có thành tích 20 giây 68 (20.68), xếp đầu lượt vòng loại thứ 4. Dĩ nhiên, cậu bé 16 tuổi lọt vào bán kết do luật chọn 3 người về đầu mỗi lượt chạy (21) và 3 người có thành tích tiếp theo tốt nhất.
Ở bán kết, luật quy định 2 người về đầu mỗi lượt chạy (6) cùng 2 VĐV có thành tích tiếp theo sẽ vào chung kết. Boonson được xếp ở chạy bán kết thứ ba và cậu chỉ về thứ tư với thành tích 20.61. Điều bất ngờ là lượt chạy của chàng trai sinh năm 2006 không có các đối thủ siêu mạnh như ở nội dung 100m. 3 người về trước Boonson ở bán kết là Bryan Levell (Jamaica, 20.34), Calab Law (Australia, 20.42) và Brandon Miller (Mỹ, 20.57).
Mặc nhiên, 2 VĐV về đầu lượt chạy là Levell và Law giành vé đi tiếp. Tiếp đó, suất vào chung kết “vớt” được dành cho Miller và Jeriel Quainoo (Anh quốc), người về thứ ba lượt chạy bán kết 1 và có thông số 20.43.
Nhưng đây không phải điều đau đớn đối với Boonson, bởi thành tích của cậu kém tất cả những VĐV trên. Nhưng mấu chốt nằm ở lượt chạy thứ hai, nơi có ứng viên vô địch Letsile Tebogo (Botswana), người đã lập kỷ lục thế giới U20 và giành chiến thắng ở nội dung 100m một ngày trước với thành tích 9.91. Anh chàng này dễ dàng vào bán kết khi xếp nhất lượt thứ hai với thông số 20.23. Ở vòng loại, anh thậm chí còn lập kỷ lục giải đấu với thông số 19.98.
Suất thứ hai chính thức vào thẳng chung kết 200m nam ở lượt chạy thứ hai này thuộc về Anthony Smith của Thổ Nhĩ Kỳ với thông số chỉ là 20.83 (kỷ lục quốc gia U20). Thần đồng 18 tuổi Malaysia Muhd Azeem Fahmi không tận dụng được cơ hội để đi tiếp khi chỉ xếp thứ năm với thông số 20.97.
Trở lại thông số 20.83 của Smith, nó chỉ là thành tích xếp thứ 10 chung cuộc ở bán kết, nhưng VĐV này vẫn giành quyền vào chung kết do xếp nhì lượt chạy thứ hai. 20.83 là thông số kém 20.61 của Boonson và cả 20.75 của Bradley Oliphant (Nam Phi), người về sau Boonson ở lượt bán kết thứ ba.
Luật thi đấu này của Liên đoàn Điền kinh Thế giới đã được áp dụng từ lâu, nhưng đã dần bộc lộ những hạn chế. Bởi nếu một lượt chạy được sắp xếp VĐV không phù hợp, có thể tạo ra những suất đi tiếp gây tranh cãi, dù thành tích kém xa những người bị loại ở lượt chạy khác.
Và đây chính là điều mà World Athletics sẽ thay đổi bắt đầu từ Olympic Paris 2024. Tất cả những nội dung chạy từ 200m đến 1500m, vượt rào… sẽ có thêm một vòng nữa gọi là đấu vớt.
Với luật mới này, quy định chọn các VĐV vào bán kết khi có thành tích tốt ở tất cả các lượt đấu loại sẽ bị hủy bỏ (vẫn áp dụng chọn suất vào thẳng nếu có thứ hạng nhất, nhì hoặc ba ở các lượt chạy). Các VĐV không qua vòng đấu loại sẽ có cơ hội ngang bằng nhau trong việc giành vé đi tiếp ở vòng đấu vớt.
Việc có thêm vòng đấu vớt sẽ tạo cơ hội cho các VĐV sẽ được thi đấu ít nhất 2 lần, thay vì phải “xách vali về nước” chỉ ngay sau vòng đấu loại.
Puripol Boonson là nhà vô địch chạy 200m nam SEA Games 31 tháng 5 vừa qua. Trên sân Mỹ Đình (Hà Nội), cậu bé 16 tuổi lập kỷ lục SEA Games mới với thông số 20.37. Cậu cũng vô địch 100m nam và 4x100m tiếp sức nam cùng đội Thái Lan.
Một ngày trước đó, Boonson đã tạo địa chấn khi lập kỷ lục U18 thế giới ở bán kết chạy 100m nam với thông số 10.09, lập kỷ lục quốc gia. Ở chung kết tại Cali, cậu xếp thứ tư, suýt giành HCĐ khi có cùng thông số 10.12, nhưng kém chỉ số phụ so với người xếp trên.
World Athletics U20 Championships Cali 22 diễn ra trong 6 ngày (1-6/8/2022) tại Cali (Colombia), thành phố từng đăng cai giải vô địch thế giới U18 năm 2015.
Cali 22 được tổ chức chỉ một năm sau khi giải U20 thế giới vừa diễn ra ở Nairobi (Kenya). Giải sẽ quy tụ 16 nhà vô địch thế giới trẻ, trong đó đáng chú ý có đương kim vô địch 100m nữ Tina Clayton (Jamaica), 100m nam Letsile Tebogo (Botswan) hay như Mine de Klerk của Nam Phi (đẩy tạ nữ) và Erwan Konate của Pháp (nhảy xa nam).
Việt Nam có một đại diện duy nhất là Hoàng Dư Ý ở nội dung chạy 100m nữ. Tuy nhiên, cô gái 18 tuổi đã sớm dừng bước ở vòng loại khi xếp 45/55 VĐV với thành tích 11.95, gần bằng thành tích 11.94 xác lập ở SEA Games 31.