Quách Thị Lan quê Thanh Hóa, là dân tộc Mường chính hiệu. Sở hữu chiều cao 1m75, thể hình ấn tượng và đặc biệt là đôi chân dài miên man… Quách Thị Lan được coi là của hiếm tại đội tuyển điền kinh Việt Nam gần chục năm qua.
Vừa tròn 25 tuổi trong năm 2020, độ tuổi không còn sung mãn nhất đối với một VĐV chạy tốc độ, nhưng Lan vẫn cho thấy những tiềm năng có thể tạo nên những thành tích ấn tượng trong thời gian tới. Để vươn tới thành công như hôm nay, cô gái họ Quách đã dành cả tuổi thanh xuân cho điền kinh.
Cả tuổi trẻ “ăn cơm tuyển”
Quách Thị Lan (sinh năm 1995) cùng anh ruột Quách Công Lịch (1993) được coi là cặp anh em ruột hiếm hoi của điền kinh Việt Nam gắn bó với nhau trên tuyển lâu đến vậy. Tính ra, cả hai anh em họ Quách đã có tới 10 năm ăn tập với nhau tại đại bản doanh Nhổn.
Lan đã trải qua nhiều giai đoạn trong tuổi trẻ của mình với môn điền kinh, từ đi học như một cô học trò bình thường, cho đến việc oằn mình trên sân tập nơi xứ người, cắn răng trải qua những giai đoạn tồi tệ nhất trong sự nghiệp vì chấn thương… và rồi trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Lan cũng đã trải qua mấy đời huấn luyện viên trong quá trình rèn luyện và tỏa sáng của mình. Từng là học trò của thầy Vũ Ngọc Lợi rồi bây giờ đang là quân số dưới sự chỉ đạo của HLV Nguyễn Thị Bắc và chuyên gia người Bulgaria Vladimir Hristov.
Trong những năm từ 2013-2015, Lan thuộc diện VĐV được đầu tư trọng điểm khi có những chuyến tập huấn quan trọng tại Bulgaria hay Mỹ để nâng cao trình độ. Đó cũng là quãng thời gian Lan bắt đầu cho thấy kết quả của việc đầu tư khi phá kỷ lục quốc gia trẻ nội dung 400m nữ với thông số 52.80 vẫn tồn tại đến tận bây giờ.
Những thành tích ấn tượng ít người sánh kịp
400m rào là nội dung mà Quách Thị Lan phát huy sở trường nhất với cặp chân dài hiếm có. Cô gái này đã lần lượt giành huy chương vàng tại Giải điền kinh châu Á 2019 (Qatar) và cả ASIAD 2018 (Indonesia). Quách Thị Lan cũng là người nắm giữ kỷ lục quốc gia 400m rào với thành tích 55.30, thông số được đánh giá sẽ còn rất lâu nữa mới bị phá.
Ở nội dung 400m, Lan cũng từng giành huy chương đồng ASIAD 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) và đặc biệt là tấm huy chương vàng 400m ở giải châu Á 2017 tại Ấn Độ. Bên cạnh đó là nhiều huy chương chạy tiếp sức tại SEA Games và những giải đấu quan trọng khác.
Rào cản tâm lý
Dù đạt nhiều thành tích ấn tượng như vậy, nhưng Quách Thị Lan luôn bị mang tiếng là “yếu tâm lý”, đặc biệt là khi phải thi đấu với đàn chị Nguyễn Thị Huyền, người hơn Lan 2 tuổi và cũng nhiều năm ăn tập trên tuyển.
Những cuộc đối đầu trước đây của Lan trên đường chạy 400m và 400m rào ở các kỳ SEA Games luôn có kết quả nghiêng về đối thủ kỵ giơ quê Nam Định. Nhiều người vẫn bảo Lan bị Huyền “bắt vía” bởi ngay cả khi không gặp vấn đề gì về thể lực, Lan vẫn thường thua Huyền sát nút. Và đó là lý do vì sao dù đã có vàng ở nhiều giải đấu quan trọng tầm cao hơn, nhưng Lan vẫn trắng tay ở đấu trường SEA Games ở hai nội dung cá nhân 400m và 400m rào.
Ngay cả tại SEA Games 30 trên đất Philippines tháng 12/2019 vừa qua, Lan cũng thua Huyền ở cả hai nội dung trên dù đàn chị mới chỉ trở lại tập luyện sau một năm sinh con. Nhưng ở thời điểm đó, Lan cũng không có thể lực tốt nhất bởi chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương. Cộng với “cái dớp tâm lý”, cô gái này vẫn chưa thể vượt qua đàn chị.
Sự thay đổi cần thiết
Nhưng trong năm 2020 này, Quách Thị Lan đã hoàn toàn thay đổi và trở lại vị thế của một nhà vô địch vốn có. Lấy lại phong độ sau chấn thương, cộng với sự tự tin và cách vượt qua “rào cản tâm lý”, Lan đã thắng ngược đối thủ đầy duyên nợ Nguyễn Thị Huyền ở hai giải đấu quan trọng nhất năm.
Trước tiên là tại Cúp Tốc độ ở TP.HCM hồi tháng 6, Lan đã đánh bại Huyền trong cuộc đua căng thẳng ở đường chạy 400m, nội dung mà cô gái Thanh Hóa thường rất hay thua đàn chị, với thông số 53.12 so với 54.60.
Tới Giải Điền kinh Vô địch Quốc gia 2020 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội) tháng 11 vừa qua, Lan cũng đã lấy lại vị thế khi đánh bại đàn chị Nguyễn Thị Huyền ở cả hai nội dung 400m và 400m rào. Những bước chạy của cô gái này đã mạnh mẽ và tự tin hơn bao giờ hết, dù đối thủ kỵ giơ của mình cũng nỗ lực từng ngày.
Lan giành HCV 400m với thông số 52.46, hơn đúng 0,03 giây so với Huyền. Cú rướn ngã trầy vai của Lan đã thể hiện quyết tâm và sự tự tin đang cần được khôi phục. Còn ở nội dung 400m rào, Lan thể hiện sự vượt trội với thông số 55.98, hơn Huyền tới hơn 1 giây. Đây cũng là thông số giúp Lan nuôi hy vọng có được suất chính dự Olympic Tokyo 2021 nếu vượt qua chuẩn 55.40.
Trước mắt, Quách Thị Lan vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng cô gái này đã dần trưởng thành và biết cách vượt qua áp lực. Vừa đi học, vừa kết hợp mở phòng tập luyện hình thể với bạn bè và đặc biệt là ráo riết chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm 2021… Quách Thị Lan đang ở ngưỡng cửa bứt phá trong giai đoạn chín muồi của sự nghiệp.
Quách Thị Lan được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử nhận suất đặc cách duy nhất dành cho môn điền kinh tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản vào tháng 7 tới. Cô gái sinh năm 1995 này có cơ hội dự kỳ Thế vận hội đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu của mình.