Với thành tích 4 phút 15 giây 55 (4:15.55), Nguyễn Thị Oanh đã chiến thắng thuyết phục tại chung kết chạy 1500m nữ Asian Indoor Athletics Championships 2023 (AIAC) tại Astana (Kazakhstan). Tấm HCV này gây ngạc nhiên cho rất nhiều người bởi nó vượt quá sự mong đợi.
Không thi đấu giải trong nhà đã 5 năm
Lần gần đây nhất Nguyễn Thị Oanh thi đấu một giải quốc tế trong nhà chính là Asian Indoor Athletics Championships 2018 tại Tehran (Iran). Năm đó, Oanh giành 2 tấm HCĐ ở các nội dung chạy 1500m và 3000m nữ.
5 năm trước, thành tích giành HCĐ chạy 1500m của cô gái Bắc Giang là 4:28.87, còn HCĐ 3000m là 9:48.48.
Kể từ đó đến nay, Oanh chưa có cơ hội thi đấu các giải quốc tế trong nhà do sau SEA Games 2019 tại Philippines là đại dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020. Asian Indoor Athletics Championships 2020 bị hủy bỏ, giải năm 2022 tiếp tục bị lùi đến tận năm 2023. Vì thế, 5 năm không được thi đấu giải trong nhà, Oanh là nữ VĐV duy nhất không có thành tích tốt nhất mùa giải (SB) trong bản đăng ký như các VĐV khác.
Thành tích chạy 1500m ở SEA Games 31 và AIAC
Có một số người hâm mộ cho rằng, thông số 4:15.55 của Oanh lần này không bằng 4:14.98 từng giúp Oanh giành HCV SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội) tháng 5/2022. Tuy nhiên, sự so sánh này chưa hợp lý bởi những lý do sau:
+ 1500m SEA Games 31 thi đấu trên sân Mỹ Đình có đường chạy 400m mỗi vòng sân. Mặt sân dạng cứng và là nơi Oanh được tập luyện và thi đấu nhiều hơn. Việc vòng sân rộng cũng giúp VĐV phải thực hiện chạy ít khúc cua hơn. Mặt sân cứng quen thuộc cũng giúp VĐV chạy ổn định.
+ 1500m AIAC chạy trên đường có 200m một vòng sân. Mặt đường chạy của sân trong nhà, theo như trưởng đoàn Nguyễn Mạnh Hùng (Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam) chia sẻ: mặt sân này dạng như bục gỗ, chạy tạo ra tiếng bùm bụp, khác so với mặt sân cứng trên sân vận động ngoài trời. Ngoài ra, việc vòng sân nhỏ hơn, có nhiều khúc cua hơn cũng có ảnh hưởng đến tốc độ chạy của VĐV.
Do đó, sau 5 năm mới được thi đấu giải quốc tế trong nhà, cộng với việc chỉ có khoảng 2 ngày đến trước giải để tập làm quen cũng khiến thành tích của giải khác nhau.
Vấn đề sức khỏe và đối thủ
Nguyễn Thị Oanh được coi là mẫu VĐV có tố chất nỗ lực rất lớn để khắc phục những vấn đề về hình thể cũng như sức khỏe. Trước đây, cô gái sinh năm 1995 từng mắc chứng mất ngủ kinh niên. Ngay trước khi sang Kazakhstan thi đấu AIAC 2023, Oanh đã chia sẻ về chứng bệnh viêm xoang nghiêm trọng của mình.
“Ho như gà cả ngày lẫn đêm, ho muốn lôi quả họng ra ngoài, ho tới nỗi đến cơn ho là thấy sợ hãi vì họng nó sưng đau... Đêm sốt, ngày hoa mắt chóng mặt, bị tắc nghẹt mũi, chỉ có thể thở bằng miệng, tiếng thở như con bò, và hỉ mũi như kiểu muốn đăng xuất quả mũi…” - đó là những triệu chứng mà Oanh chia sẻ về chứng viêm xoang của mình.
Cộng thêm, nhiệt độ ở Astana (Kazakhstan) những ngày đoàn Việt Nam đặt chân đến (8/2/2023) là… âm 22 độ C (-22 độ C). Ngay đêm qua, lúc truyền hình trực tiếp lễ trao giải, khán giả cũng có thể nghe thấy tiếng sụt sịt mũi của Oanh khi một thành viên BTC đang trao giải cho VĐV đoạt HCĐ là Akbayan Nurmamet (Kazakhstan).
Bên cạnh đó, việc phải đối đầu với những VĐV mạnh, đặc biệt là sự đeo bám gần như tòan bộ đường chạy của cặp VĐV Nhật Bản là Yume Goto (HCB) và Ran Urabe (hạng 4) cũng khiến màn rút đích ở gần 200m cuối của Nguyễn Thị Oanh trở nên ấn tượng.
Sau một ngày thất bại ở đường chạy 3000m khi chỉ về thứ 6/8 VĐV với thành tích 9:18.41 (dù tốt hơn tới 30 giây so với thông số giành HCĐ AIAC 2018), thì việc Nguyễn Thị Oanh đánh bại hết các đối thủ mạnh của châu lục để lên ngôi tại nội dung 1500m nữ là một kết quả đáng để gọi “siêu sốc” hay “siêu ấn tượng”.
Sau tấm HCV 1500m nữ của Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền cũng xuất sắc đem về tấm HCV chạy 400m nữ với thành tích 54.67.
Lương Đức Phước xếp 9/12 nội dung chạy 1500m nam. Chàng trai quê Đồng Nai sinh năm 2002 đạt thành tích 3:55.21.
Đoàn Việt Nam chỉ còn Nguyễn Trung Cường sẽ thi đấu nội dung chạy 3000m nam ngày 12/2/2023.
Asian Indoor Athletics Championships lần đầu tổ chức năm 2004, có chu kỳ tổ chức 2 năm một lần. Lần gần nhất giải diễn ra năm 2018 tại Iran. Mùa giải 2020 bị hủy vì bùng dịch COVID-19. Năm 2022 cũng chưa thể tổ chức như đúng định kỳ nên giải đã được chuyển xuống đầu năm 2023.
Giải năm nay tổ chức ở Astana (Kazakhstan), dự kiến có khoảng hơn 500 VĐV của 31 quốc gia châu Á, tranh tài ở 26 nội dung, với các phân môn chạy, nhảy, ném…
Tuyển Việt Nam do ông Nguyễn Mạnh Hùng (Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam) dẫn đoàn và HLV Vũ Ngọc Lợi chỉ đạo 4 VĐV Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Lương Đức Phước và Nguyễn Trung Cường.