Siêu phẩm công nghệ 2 tỷ đồng vẫn khiến Vũ Thị Trang mất điểm oan

Q.T.
thứ tư 21-8-2019 9:55:00 +07:00 0 bình luận
Tại giải Cầu lông vô địch thế giới diễn ra tại Basel (Thụy Sĩ), tay vợt Vũ Thị Trang đã gặp phải sự cố hy hữu khi cô bị mất điểm “oan” sau quyết định đến từ công nghệ mắt diều hâu (Hawk-Eye).

Sự cố này diễn ra trong hiệp 1 trận đấu với Line Kjaersfeldt ở vòng 2. Khi tỷ số đang là 14-19, Line đứng ở ô bên phải giao cầu. Cầu rơi lệch vào ô bên trái của Vũ Thị Trang nhưng trọng tài quyết định cầu trong sân. Ngay lập tức, tay vợt người Bắc Giang khiếu nại với trọng tài chính Philip Ayoung-Chee. Bất ngờ hơn, công nghệ Mắt diều hâu cho thấy, cầu nằm trên vạch cuối sân và ở ô bên trái, nhưng màn hình lại hiển thị “IN” (tức thông báo rằng cầu trong sân). Dù đã rất cố gắng giải thích với vị trọng tài được Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) công nhận này, Vũ Thị Trang vẫn phải ngậm ngùi nhìn Line giành điểm trong tình huống này.

Điều 10.1 luật cầu lông BWF có ghi: "Khi có số điểm chẵn, người giao cầu phải đứng ở ô bên phải của họ, giao về ô bên phải của đối thủ". Do vậy, rõ ràng đó là một tình huống phát cầu lỗi của Line.

Siêu phẩm công nghệ 2 tỷ đồng vẫn khiến Vũ Thị Trang mất điểm oan
Công nghệ Mắt diều hâu cho thấy, cầu nằm trên vạch cuối sân và ở ô bên trái, nhưng màn hình lại hiển thị “IN” (tức thông báo rằng cầu trong sân).

Đây không phải lần đầu tiên, các chuyên gia cảnh báo về những vấn đề gặp phải khi áp dụng công nghệ Mắt diều hâu vào sân thi đấu cầu lông. Thực tế cho thấy, Mắt diều hâu đôi khi gặp vấn đề trong việc xác định chính xác hướng di chuyển của quả cầu, dẫn đến việc công nghệ này đưa ra những thông báo không thực sự chuẩn.

Ví dụ, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua sân đấu cũng có thể khiến cho quả cầu lệch đi ít nhiều, dẫn đến việc Mắt diều hầu không thể vẽ chính xác tuyệt đối hướng đi của quả cầu. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp cầu rơi thẳng đứng, Mắt diều hầu lại mô phỏng hướng di chuyển của quả cầu theo đường chéo.

Siêu phẩm công nghệ 2 tỷ đồng vẫn khiến Vũ Thị Trang mất điểm oan
Công nghệ Mắt diều hâu vẫn cho thấy những sai số trong việc đưa ra các thông báo.

Được BWF đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2014, công nghệ mắt diều hâu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các trong tài làm rõ các tình huống liên quan tới những khiếu nại về vị của quả cầu với đường kẻ sân hay các tình huống trả giao cầu. Bên cạnh đó, các camera theo dõi sử dụng công nghệ Mắt diều hâu sẽ cung cấp những dữ liệu, thông số chuyên môn như tốc độ giao cầu, phục vụ cho quá trình phát sóng trực tiếp các trận đấu.

Chi phí để lắp đặt công nghệ Mắt diều hâu ở một sân cầu lồng không hề rẻ một chút nào. Theo những thông tin mới nhất, tổng chi phí lắp đặt và vận hành công nghệ này lên tới 100.000 USD/sân, khoảng 2 tỷ đồng.

Siêu phẩm công nghệ 2 tỷ đồng vẫn khiến Vũ Thị Trang mất điểm oan
Chi phí để lắp đặt công nghệ Mắt diều hâu ở một sân cầu lồng không hề rẻ một chút nào.

Cũng giống như trên sân tennis, hệ thống Hawk-Eye gồm các camera tốc độ cao được kết nối với nhau và với hệ thống máy tính trung tâm thông qua cáp quang. Những hình ảnh được ghi lại bởi camera sẽ được chuyển tới máy tính nhằm phân tích quỹ đạo, hướng di chuyển của quả cầu. Toàn bộ công việc được hoàn tất trong vòng từ 2 đến 3 giây.

Tổng thư ký BWF Thomas Lund từng khẳng định: “Chúng tôi đã thử nghiệm rất nhiều hệ thống khác nhau và nhận thấy Hawk-Eye là lựa chọn đáng tin cậy nhất”. Tuy nhiên, sau những sai số vừa qua, đã đến lúc cần có những “tinh chỉnh” và cải tiến cho công nghệ này. Dù Vũ Thị Trang đã giành chiến thắng chung cuộc sau 3 hiệp với tỷ số 21-19, 13-21, 21-11, sự cố mất điểm oan đã cho thấy những sai số của công nghệ Mắt diều hâu trong việc đảm bảo sự công bằng cho cuộc chơi.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm