Từ 19-21/6/2020, hàng nghìn chân chạy sẽ đổ bộ về Đà Lạt để tham dự Giải Siêu Marathon Quốc tế Đà Lạt 2020 (Dalat Ultra Trail 2020 - DUT). Đà Lạt đang vào mùa mưa, không khí, rừng núi ẩm ướt, lầy lội là điều kiện sinh sôi và phát triển lý tưởng cho côn trùng, đặc biêt là loài vắt đáng sợ. Làm thế nào để không bị côn trùng cắn hay những con vắt khát máu bám vào người?
Trước tiên hay tìm hiểu một về con vắt. Vắt là loài khá giống con đỉa hay giun. Con vắt lúc bình thường có thể chỉ nhỏ bằng đầu tăm, nhưng khi hút máu no căng, vắt có thể to bằng ngón tay. Vắt có khả năng bám chặt vào da vật chủ, hút máu và tiết ra chất chống đông máu. Nên khi bị vắt cắn, bạn thường thấy máu chảy không ngừng, khó đông, gây ra ám ảnh lớn.
Vắt có nhiều tại các khu rừng nhiệt đới có độ ẩm khoảng 24-27 độ C. Các nhà khoa học tìm ra khung thời gian đi kiếm ăn của loài vắt thường từ 5-8 giờ sáng hoặc 5-7 giờ tối, khi nhiệt độ còn mát mẻ. Đặc biệt, khi trời mưa và không khí có độ ẩm cao là lúc vắt đi kiếm ăn mạnh nhất.
Vắt thường bám vào cơ thể, chọn những chỗ kín có nhiệt độ cơ thể cao hơn một chút để hút máu. Những chỗ dễ bị vắt bám nhất là bẹn, nách, cổ chân, sau đầu gối, tai… Vắt cũng thường chui vào bên trong giày, hút máu ở bàn chân, khiến nhiều người không hề hay biết.
Vắt đốt êm đến mức khi phát hiện ra thì nó đã căng mọng máu. Vắt tiết ra chất hirudin khiến máu không đông để dễ dàng hút hơn. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy hơi ngứa, gai gai người khi bị vắt cắn. Vết cắn của vắt có thể gây chảy máu lâu và nếu không được xử lý kịp thời dễ gây nhiễm trùng.
Vậy khi đi rừng hay chạy địa hình, bạn nên chuẩn bị những gì để phòng tránh côn trùng, đặc biệt là vắt? Đây là kinh nghiệm của Nguyễn Thị Đường, một chân chạy nữ phong trào từng giành nhiều danh hiệu các giải chạy lớn nhỏ, trong đó hạng nhì 70km nữ Dalat Ultra Trail 2018.
“Tôi gặp vắt trong một giải chạy năm 2018. Chạy nhanh thế mà nó vẫn bám đầy. Nhớ lại vẫn thấy rung mình. Lần đó, thấy máu ở áo mới mở ra kiểm tra thì thấy một con nằm gọn trong rốn cắn no căng, một con thì ở tư thế bắc cầu, một phần thân vòng qua lỗ dây đồng hồ, phần còn lại vòng qua lỗ kia. Cả hai đều đã căng máu. Năm đó, có đứa bạn thân tôi còn khóc khi gặp vắt. Không hiểu sao tôi không khóc dù sợ hết hồn…” - Tiểu Đường kể.
Kinh nghiệm chống vắt được Tiểu Đường đúc kết sau lần “kinh nghiệm xương máu” đó:
- Mặc đồ bó, dài tay, không mặc ống quần rộng.
- Có thể bôi dầu gió vào ống quần, mép giầy... tránh vắt bám.
- Không dừng, ngồi đứng lâu hay đi vệ sinh chỗ rậm rạp có nhiều lá cây.
- Bị vắt cắn dùng muối hay thuốc xịt muỗi, xịt vào sẽ khiến vắt rụng ra.
- Luôn mang theo băng dán y tế, dán vết đó lại ngay.
Ngoài ra, bạn có thể trang bị thêm những dụng cụ khác như: tất cao cổ chống vắt, các trang phục dạng len và nilon được cho là chống vắt hiệu quả nhất vì vắt không thể bò được trên hai chất liệu này. Khi bị vắt cắn, có thể xát xà phòng, chanh, dấm, vôi… vào để chúng nhả ra. Đừng quá hoảng sợ khi thấy nhiều máu, hãy lau qua và băng lại. Kết thúc cuộc thi, hãy nhờ bộ phận y tế rửa sạch và xử lý vết vắt cắn…
Dalat Ultra Trail 2020 diễn ra từ 19-21/6, dự kiến sẽ chào đón khoảng 5.000 vận động viên khắp cả nước đến tham dự và tranh tài ở 5 nội dung thi đấu: 100km, 70km, 45km, 21km và 10km. Lần đầu tiên sau 3 năm tổ chức, DUT 2020 sẽ có cự ly “khủng” 100km, hứa hẹn sẽ là cuộc đua thú vị cho những chân chạy siêu địa hình trong nước đang có phong độ ấn tượng gần đây như: Quang Trần, Đỗ Trọng Nhơn, Lê Tấn Hi…
Bên cạnh Dalat Ultra Trail, Giải xe đạp địa hình quốc tế Dalat Victory Challenge (DVC) kỷ niệm 5 năm cũng sẽ diễn ra vào ngày 21/06/2020 với sự tham gia của hàng trăm vận động viên trong nước tham dự chinh phục cự ly 43km.
Vietnam MTB Series hy vọng Giải siêu marathon quốc tế Dalat Ultra Trail 2020 - lần thứ IV năm 2020 và Giải xe đạp địa hình quốc tế Dalat Victory Challenge sẽ là ngày hội địa hình thật sự dành cho người yêu thích chạy bộ địa hình và xe đạp địa hình tại Việt Nam.