1 ... Đầu tháng 11/2015, khi Jurgen Klopp mới trải qua tuần thứ 3 trên cương vị HLV trưởng Liverpool, căn phòng làm việc của ông ở trung tâm huấn luyện Melwood đón tiếp một nhân vật thú vị, Ian Graham.
Vị giám đốc nghiên cứu của Liverpool mang vào phòng làm việc Klopp một sấp giấy A4 chứa đầy các phân tích số liệu thống kê in ra từ máy tính. Ian Graham muốn cho Klopp - người ông chưa từng gặp mặt - thấy những số liệu của mình ra sao, và sẽ làm tất cả để thuyết phục vị HLV người Đức sử dụng chúng khi "cuộc cách mạng số liệu" dần phổ biến và giữ vai trò quan trọng trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại.
Graham rải những tờ số liệu ra khắp mặt bàn, bắt đầu nói về một trận đấu của Borussia Dortmund, CLB cũ Klopp mới chia tay trước khi chuyển đến Liverpool.
"Đây là số liệu trận Mainz - Dortmund (9/2014), ông hẳn đã thấy thống kê vô số cơ hội ghi bàn của Dortmund, nhưng đó mới chỉ là một phần...". Graham bắt đầu trình bày và gương mặt của Klopp như nóng bừng lên khi nhìn lại trận đấu đó qua... giấy, trận Dortmund thua 0-2 trước đối thủ mùa đó chỉ xếp thứ 11 tại Bundesliga.
Số liệu trên giấy cho thấy Dortmund đã tung ra 19 cú sút so với 10 của Mainz. Dortmund cũng kiểm soát 2/3 thời gian thi đấu. Đội bóng của Klopp đã đưa bóng vào khu vực tấn công 85 lần (so với 55 lần của Mainz), riêng số lần bóng được đưa trong vòng cấm đối thủ tận 36 lần.
Nhưng rốt cuộc Dortmund gục ngã bởi 2 sai lầm tai hại, đó là khi họ sút hỏng quả 11m ở phút 70’ và chỉ 4 phút sau họ đen đủi tự… đốt lưới nhà.
"À, anh đã xem trận đó hả! Nó thật điên rồ, hết sức điên rồ! Chúng tôi đã giết chết họ! Anh đã thấy nó rồi đấy", Klopp phừng phừng trả lời.
Sự thật, Ian Graham không xem trận đó, dù chỉ 1 hiệp hay thậm chí video highlights. Nhưng mùa Thu 2015, khi Liverpool quyết định tìm kiếm HLV mới thay thế Brendan Rodgers, Graham cũng đã cung cấp cho BLĐ CLB một bản phân tích số liệu chuyên môn cực kỳ khoa học, chi tiết, về thống kê đường chuyền, cú sút, xoạc bóng… của các cầu thủ Dortmund trong suốt triều đại Jurgen Klopp (2008-15). Graham thậm chí đã dựng lên thuật toán đánh giá màn trình diễn của cầu thủ và từ đó ông đưa ra những đánh giá, nhận xét về từng trận đấu của Dortmund.
Khác biệt, Graham đã chỉ ra, nó nằm ở khâu dứt điểm cầu môn! Mùa cuối cùng của Klopp tại Dortmund là thảm họa khi họ chỉ xếp thứ 7 tại Bundesliga. Tuy nhiên, thuật toán phân tích số liệu của Graham chỉ ra rằng, nhẽ ra, thầy trò Klopp phải giành ngôi Á quân.
Điều đấy đưa Graham tới kết luận rằng “Klopp không phải tội đồ” ở mùa giải tệ hại của Dortmund, dù danh tiếng HLV người Đức bị ảnh hưởng khá nhiều. Đơn giản, Klopp chỉ ngôi trên băng ghế huấn luyện của đội bóng kém may mắn nhất ở một chu kỳ nhất định.
2. Những bàn thắng là khá hiếm, ngay cả giải Ngoại hạng Anh sôi động thì trung bình mỗi trận cũng chỉ loanh quanh mốc 2,8 bàn trở xuống. Điều này góp phần lý giải vì sao trong bóng đá một cơ hội ghi bàn có thể ảnh hưởng rất lớn tới kết quả chung cuộc, tỷ lệc lớn hơn hẳn so với tương quan ở nhiều môn thể thao khác.
Và Ian Graham không chỉ cho Klopp xem thống kê duy nhất một trận đấu. Sau trận với Mainz, Graham trưng ra số liệu trận Dortmund - Hannover diễn ra sau đấy 1 tháng. Lần này, sức nặng thống kê tiếp tục nghiêng hẳn về đội bóng của Klopp với tỷ lệ sút cầu môn là 18-7, 55-13 ở số lần nhồi bóng vào vòng cấm, và 11-3 ở số đường tạt bóng thành công từ hai biên.
“Đội bóng của ông đã thua, 0-1”, Graham nói, “Nhưng hãy nhớ Dortmund đã tạo ra gấp đôi số cơ hội ghi bàn so với đối thủ!”.
“Anh đã xem trận đó à?”, Klopp gào lên. “Ồ không, không, chỉ là…”, Graham ngập ngừng. “Chúng tôi đã nghiền chết họ! Trong đời tôi chưa từng thấy trận đấu nào như vậy. Nhẽ ra chúng tôi phải thắng. Anh đã thấy rồi đó!”, Klopp gằn giọng.
Tất nhiên, Graham cũng không xem trận đó, dù chỉ một phút. Thực tế, Graham đã nói với Klopp rằng mình không xem bất kỳ trận nào của Dortmund mùa đó (2014/15). Phải! Graham không cần làm thế. Để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với một CLB trong cả mùa giải, ông có cách riêng của mình. Tất cả những gì Graham cần là bảng tập hợp số liệu thống kê chuyên môn.
Một điều không thể phủ nhận, việc phân tích số liệu đã có tầm ảnh hưởng quan trọng cả ở hai môn thể thao nổi tiếng khác là bóng rổ và bóng chày từ khá lâu. Như quy luật tất yếu, dù mới chỉ là bước đầu, việc nó nhanh chóng tác động lên bóng đá - bộ môn trước đây chưa bao giờ dựa vào số liệu để tính toán bất kỳ yếu tố chuyên môn nào - cũng dễ hiểu.
Nhưng Ian Graham cũng không phải “cha đẻ của lý thuyết: Số liệu ảnh hưởng thế nào tới bóng đá?”. Ông lấy bằng tiến sỹ vật lý lý thuyết ở Đại học danh tiếng Cambridge, nhưng chỉ 2 năm sau đó Graham nhận ra rằng mình không muốn trở thành nhà khoa học.
Thế nên, khi được gợi ý về một công việc phân tích dữ liệu thống kê từ đó cố vấn cho các CLB bóng đá, Graham đã đón nhận nó và bắt đầu ngấu nghiến đọc quyến “Moneyball: The art of winning unfair game” của Michael Lewis được xuất bản năm 2003. Cuốn sách ấy có nội dung xoay quanh việc CLB bóng chày Oakland Athletics dùng rất nhiều phương pháp phân tích số liệu để mua cầu thủ, xây dựng chiến thuật từ đó giành vinh quang dù quỹ lương eo hẹp.
Ian Graham sau đó tự mình xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi đánh giá sự phát triển chuyên môn của hơn 100,000 cầu thủ trên khắp thế giới. Bằng cách cung cấp bản đánh giá nhận xét về những cầu thủ Liverpool đang nhắm mua về, cũng như việc khai thác cầu thủ mới sao cho hiệu quả nhất. Không nghi ngờ gì cả, “giám đốc số liệu” Ian Graham đã và đang góp phần giúp CLB vùng Merseyside giành được những bản hợp đồng chất lượng.
Vào năm 2014, Chelsea chiêu mộ Mo Salah từ Basel và cầu thủ tấn công người Ai Cập đến giải Ngoại hạng với vị thế một ngôi sao đang lên, dù trong 2 năm với đội bóng Thụy Sỹ trước đó anh chỉ ghi 9 bàn. Tại Chelsea, Salah chỉ được chơi 13 trận trong hơn 2 mùa, ghi vỏn vẹn 2 bàn, bị đẩy sang các CLB khác theo diện cho mượn trước khi được bán đứt cho AS Roma.
“Có quan điểm cho rằng Salah đã thất bại ở Chelsea, nhưng tôi không đồng ý như vậy dù rất tôn trọng”, Graham khẳng định. “Chỉ 500 phút ra sân tại Chelsea là lát cắt quá nhỏ để nhận xét về chất lượng của Salah. Sự thực, dựa trên những thuật toán đánh giá của Graham, hiệu quả của Salah tại Chelsea – trên số liệu thống kê – cũng tương đương với ở CLB trước đó và tại đội bóng sau này. Đấy là lý do vì sao Graham đã khuyên Liverpool chiêu mộ Salah.
Tháng 7/2017, Liverpool trả Roma 41 triệu đô la đổi lấy sự phục vụ của Salah. Những số liệu phân tích của Graham cũng chỉ ra rằng Salah sẽ kết hợp hoàn hảo với Roberto Firmino, tiền đạo mà với những đường chuyền của mình tạo ra nhiều “bàn thắng kỳ vọng” (Expected-goal) hơn bất kỳ cầu thủ nào khác chơi cùng vị trí. Thực tế, mùa đó (2017/18) Salah đã biến “những bàn thắng kỳ vọng” thành bàn thắng thật.
Salah phá kỷ lục ghi bàn ở Ngoại hạng Anh trong kỷ nguyên 38 vòng đấu với 32 lần lập công. Và mùa này, ngôi sao Ai Cập tiếp tục giành chiếc giày vàng Premier League. Đặc biệt hơn, Salah đã trở thành biểu tượng phục sinh của The Kop, một biểu tượng mà hiện tại trang thông tin chuyển nhượng Transfermarkt định giá tới 173 triệu đô la, tức cao gấp 4 lần giá trị thời điểm anh đến.
Nếu Mo Salah được xem như người lấp vị trí Philippe Coutinho để lại thì cũng nên nhớ rằng, khi vừa chân ướt chân ráo đến Liverpool làm việc (2012) chính Ian Graham được yêu cầu khảo sát đánh giá cầu thủ tấn công trẻ của Inter Milan khi đó - Coutinho. Những số liệu Graham cung cấp chính là sự đảm bảo để Liverpool rót 16 triệu đô-la mua Coutinho vào tháng 1/2013.
Trong 5 năm khoác chiếc áo đỏ, Coutinho góp phần giúp Liverpool hồi sinh. Nhưng đóng góp quan trọng nhất của cầu thủ người Brazil là vụ chuyển nhượng sang Barca mùa Hè năm ngoái, đã mang về két sắt Liverpool 170 triệu đô-la.
Cú hích tài chính ấy giúp Liverpool đổ ra hơn 200 triệu đô la mua về 3 cầu thủ mới: Alisson Becker, Fabinho và Virgil Van Dijk, những tân binh tỏa sáng giúp Liverpool đang trải qua một mùa giải tuyệt vời. Tất nhiên, số liệu thống kê chi tiết về họ cũng như những đánh giá về khả năng tương thích hay không với Liverpool đều nằm trong báo cáo của Graham gửi tới ông chủ John Henry và BLĐ Tập đoàn Fenway.
3. Một chi tiết thú vị hẳn nhiều CĐV Liverpool sẽ thấy sốc nếu biết rằng Ian Graham từng có 4 năm làm việc cho… Tottenham, đối thủ ở trận CK Champions League mùa vừa qua. Đó là giai đoạn 2008-2012, khi băng ghế HLV Spurs xáo trộn liên miên và ở thời điểm ấy chẳng chiến lược gia nào bận tâm đến những con số thống kê phân tích của Graham.
Nhưng khi Fenway mua lại Liverpool và mang đến triết lý mới, Graham được mời về Anfield để xây dựng hẳn một bộ phận nghiên cứu, khảo sát và cung cấp những số liệu thống kê phân tích chuyên môn, theo mô hình đã quá quen thuộc với các CLB bóng chày ở Mỹ, mà điển hình là CLB Boston Red Sox vốn cũng thuộc quyền sở hữu của Fenway.
Những phản ứng đầu tiên với sự hiện diện của Graham và công việc ông làm, thường là tiêu cực, điều hoàn toàn dễ hiểu. “Gã Laptop” (ám chỉ việc Graham quanh năm suốt tháng chỉ vùi đầu vào Laptop nghiên cứu số liệu), hay “Kẻ chẳng biết gì về trận đấu”…, là những lời lẽ ì xèo sau lưng Graham suốt thời gian dài.
Nhưng trong căn phòng sơn tường trắng, xuôi xuống một hành lang từ phòng làm việc của Klopp, Graham và các cộng sự gồm Tim Waskett (từng học chuyên ngành vật lý học thiên thể), Dafydd Steele (cựu vô địch cờ vua lứa tuổi thiếu niên, tốt nghiệp chuyên ngành toán học) và Will Spearman (chuyên gia vật lý nghiên cứu hạt cơ bản) vẫn miệt mài làm việc, đắm chìm trong thế giới số liệu ghi nhận tổng số bàn thắng, hiệu suất ghi bàn/phút, số đường chuyền, tạt bóng, hay “bàn thắng kỳ vọng”...
Thực tế, Liverpool không phải CLB tiên phong mà năm 2008 Chelsea mới là đội bóng đầu tiên ở giải Ngoại hạng Anh lập ra "Ban phân tích số liệu". Thậm chí, Arsenal sau đó tiếp bước khi bỏ ra 2,2 triệu bảng mua nguyên một công ty phân tích thống kê có trụ sở Mỹ, StatDNA. Tuy vậy, những HLV đã đến rồi đi ở 2 CLB thành London dường như không nhìn thấy lợi ích của việc áp dụng phân tích số liệu vào công tác chuyên môn. Hoặc cũng có thể họ quá bận bịu với việc lo giữ ghế của mình, hơn là dành ra chút thời gian dù ít ỏi cho nhưng con số thống kê.
Rõ ràng, Liverpool hơn nhiều đối thủ sừng sỏ khác ở khoản khai thác hiệu quả những báo cáo phân tích số liệu mỗi khi đưa ra những quyết định, từ vấn đề chuyển nhượng cho tới chiến thuật. Tất nhiên, khó định lượng xem việc sử dụng Data đóng góp thế nào tới thành công của Liverpool những mùa gần đây. Nhưng ít nhất, hãy nhớ rằng, đã có một sự thay đổi lớn lao, nằm ở chính trái tim của Liverpool hiện tại đó là Jurgen Klopp.
Klopp chưa bao giờ phân tích dù chỉ một con số dữ liệu khi còn ở Dortmund. Điều này cũng giống cách làm việc của đại đa số HLV khác, cho tới tận bây giờ. Nhưng khi Graham đến gõ cửa, trao đổi và rời khỏi phòng làm việc của Klopp vào buổi sáng một ngày đầu tháng 11/2015, HLV người Đức hẳn như thấy được “sự khai sáng”.
Klopp hoàn toàn bị Graham – người chưa từng xem trận đấu nào của Dortmund - thuyết phục rằng nếu tiếp tục đơn lẻ làm việc, chỉ tập trung vào công tác huấn luyện chuyên môn đơn thuần thì việc đón nhận rủi ro với những thất bại khó tin là có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Quan trọng hơn, sau này, Klopp còn nhận ra rằng, nếu không có bản báo cáo phân tích số liệu của Graham về Dortmund ở mùa giải ấy (2014/15) - một đánh giá quan trọng trong tổng thể kế hoạch tìm kiếm HLV mới của BLĐ Liverpool – chiến lược gia người Đức đã không được mời về Anfield.
“Họ làm việc ở khu phía sau tòa nhà này. Họ là câu trả lời vì sao tôi có mặt tại đây!”, Klopp chỉ tay về căn phòng làm việc Ban phân tích dữ liệu của Ian Graham…
Guang Hui (tổng hợp)