Bất cứ ai quen, chơi thân và sống cùng Nguyễn Đình Việt, cựu cầu thủ HAGL giai đoạn 2001-2010 đều có trải lòng như vậy. Chúng tôi đã tìm mọi cách để thuyết phục Việt kể lại câu chuyện của mình nhưng chỉ nhận cái lắc đầu.
Một câu chuyện dài về hành trình của kỷ lục gia ở HAGL tưởng chừng khép lại trong quá khứ nhưng rồi, bố anh, ông Nguyễn Đình Kiệt, sau nhiều trăn trở đã trải hết tâm tư về cậu con trai quý tử của mình.
Đình Việt, được xem là kỷ lục gia ở đội bóng phố Núi cũng như bóng đá Việt Nam. Anh trở thành cầu thủ đầu tiên ghi 5 bàn trong một trận đấu ở V.League. Đó là 5 pha lập công trong chiến thắng 6-1 trước Hòa Phát Hà Nội ở V.League 2007.
Trước đó, năm 2005, khi cùng HAGL dự Cúp C1 Đông Nam Á tại Brunei, Đình Việt từng ghi 7 bàn thắng trong trận thắng 14-1 trước CLB Zebra (Đông Timor).
Uất nghẹn 6 con “zero”
Từ nhỏ, Đình Việt vốn là cậu ấm trong gia đình có hai chị em. Anh không phải lo nghĩ về chuyện làm thêm hay phụ giúp gia đình. “Nó mặc áo quần vứt đâu cũng được, có mẹ nó lo rồi, không phải đụng tay đụng chân gì cả, chỉ việc học hành thôi”, ông Kiệt nhớ lại.
Nước da trắng trẻo, đôi mắt sâu, khuôn mặt trông hệt thư sinh, vốn ít nói, Việt luôn chiếm cảm tình của người đối diện. Từ nhỏ, chàng trai sinh năm 1983 này chỉ việc ăn học. “Nó đâu biết gì ngoài việc học với đá bóng. Học xong là đi đá rồi về nhà học. Việt nó sáng dạ. Khi cấp ba thi đỗ trường THPT chuyên Hùng Vương, gia đình mừng rỡ. Cả 12 năm học, nó đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi.
Thấy học được, lại đam mê bóng đá nên gia đình hướng cho nó thi hai trường Luật và Đại học TDTT. Cả nhà hy vọng lắm vì mỗi nó là con trai”, bố Việt kể lại. Như một định mệnh, cũng trong năm học lớp 12, cậu tham dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh. Việt đá hay, anh lọt vào “mắt xanh” của các tuyển trạch viên thuộc Sở TDTT Gia Lai.
“Xong giải, mấy anh trên Sở thấy nó đá hay rồi về nhà xin cho nó đi lên đội nhưng tôi nói thôi, để cháu thi đại học rồi kiếm việc mà làm cho nhẹ cái thân chứ theo bóng banh trắc trở lắm”, ông Kiệt nhớ lại.
Thế là, ông dắt cậu con trai của mình đi thi với hy vọng Việt sẽ vào đại học bởi sức học của nó thừa sức để đậu một trong hai đại học. “Lúc thi xong rồi, ra hỏi làm bài được không thì nó toàn nói dễ ợt. Nhưng rồi, khi nghe báo điểm, tôi chỉ biết uất nghẹn. Chị nó báo về mà thi 2 lần, 6 môn, môn nào cũng đều 0 điểm cả”, vừa dứt lời xong, người đàn ông đã qua tuổi lục tuần lấy tay gạt khuôn mặt vốn nhiều nếp nhăn.
Giọng ông chậm lại, từng chữ từng chữ rời rạc hẳn. “Tôi đâu dám tin vì lúc đó không có điện thoại để xem trên mạng. Chị nó gọi về nhà hàng xóm, tôi qua nghe khấp khởi lắm mà nghe thế đâu tin nổi, hỏi lại chị nó có thật không, chị nó nói thật”, ông Kiệt nhắc lại câu chuyện với nỗi uất nghẹn trong mình.
“Sau này tá hỏa, tôi mới biết, thằng Việt nó đã có giao ước với mấy anh ở Sở trước rồi. Nó lên trên đó tập trước một tuần rồi mới đi thi, cả nhà có biết gì đâu. Nhưng rồi, mấy anh trên Sở về nhà nói chuyện, cũng hứa sẽ cho cháu vừa tập vừa chơi, sau Sở có bổ túc thì tạo điều kiện đi học, cũng có bằng đại học rồi làm ở Sở luôn, lúc đó tôi mới nguôi giận, đồng ý cho con theo nghiệp bóng banh”, chất giọng dần thanh hơn, ông Kiệt trải lòng.
Hành trình đẫm nước mắt
Đến với bóng đá khá muộn, lại hy sinh cả tương lai tươi sáng để theo nghiệp “quần đùi áo số”, ông Kiệt suy nghĩ kiểu “phóng lao thì phải theo lao”. Năm 2001, Việt đầu quân cho đội trẻ của Sở TDTT tỉnh Gia Lai. Cứ mỗi buổi tập, ông lại túc tắc quãng đường khoảng 2 cây số từ nhà đến nơi tập luyện của con trai. Ông không bỏ buổi tập hay thi đấu nào, thậm chí cả những buổi dã ngoại của Việt.
Thời gian ngắn sau đó, Việt cùng đồng đội chuyển qua CLB HAGL. Anh chăm chỉ tập luyện để rồi lên đội 1 của đội bóng phố Núi năm 2004. Thời điểm này, ở HAGL hình thành DreamTeam với những Kiatisak, Dusit, Taiwan, Vimon,…
Như hiểu vị thế của mình, anh chăm chỉ tập luyện. Có những hôm, Việt tập đến tối mịt, đến nỗi sức lực bị vắt kiệt, chỉ sau lời can thiệp từ bộ phận y tế, anh mới thôi tập. Những năm tháng gian khổ đó, Việt luôn trân quý từng phút giây vào sân.
Mỗi khi được tung vào sân, anh luôn tận dụng cơ hội để đặt dấu ấn. 7 bàn thắng trong một trận đấu ở Cúp C1 Đông Nam Á cùng việc là cầu thủ đầu tiên ghi 5 bàn một trận ở V.League là lời minh chứng hùng hồn cho giá trị của Đình Việt. Phần thưởng xứng đáng khi anh được triệu tập lên U23 Việt Nam dưới thời HLV Alfred Riedl năm 2005.
Tưởng chừng sự nghiệp lẫn giá trị vật chất sẽ tăng theo cùng giá trị bản thân nhưng Việt vẫn lận đận ở đội bóng phố Núi. Hồ Văn Thuận, đồng đội của Đình Việt trong 5 năm ở HAGL thổ lộ: “Anh Việt hiền lắm, lại rất ít nói. Trong quãng thời gian 10 năm gắn bó với HAGL, anh ấy chỉ ăn lương, thưởng dù thi đấu tốt”.
Theo Văn Thuận, mức lương của Đình Việt ở HAGL thuộc dạng khá khiêm tốn. “Lương khởi điểm của anh từ 2 triệu đến 8 triệu. Tôi vào sau anh nhưng lương còn cao hơn cả anh ấy. Tập trung U23 Việt Nam về, lương anh nhận cũng chỉ 8 triệu/tháng. So với các cầu thủ khác thì khá thấp bởi mức trung bình thời điểm đó tầm 15 triệu đồng/tháng còn những cầu thủ mang mác đội tuyển ít nhất cũng 20 triệu đồng/tháng”, Thuận giãi bày.
Khó sống bằng đồng lương ít ỏi trong khi bản thân lại khẳng định được vị trí, Việt không cam tâm. Anh muốn ra đi nhưng rồi không thể khi ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. “Khoảng năm 2007, nó đá tốt. Ấy thế, bỗng dưng bị cho dự bị trong nửa năm. Khi trở lại, nó vẫn thể hiện phong độ của mình. Nhưng sau đó, CLB thông báo bị bệnh tim, nghỉ nửa mùa. Gia đình không cam tâm nên mới đưa nó vào Sài Gòn để khám cho chắc. Bệnh viện xác nhận không bị gì. Khi về lại, lâu rồi không đá nên xuống phong độ”, ông Kiệt kể lại mà nhiều lúc, tiếng nấc trong ông cứ chờ chực trào.
Kết thúc mùa giải 2010, khi hết hợp đồng cống hiến cho HAGL, đội bóng kêu Việt ở lại rồi cho 150 triệu đồng. Thời điểm đó, Việt đã 28 tuổi. 10 năm cống hiến cho đội bóng phố Núi nhưng không có hợp đồng nào. “Nghe tin như vậy, nó sốc, chán, thất vọng lắm. Những gì nó mơ mộng trước khi đi đá bóng như sụp đổ”, ông Kiệt vừa nói vừa nghẹn lời.
Muốn ở lại nhưng rồi, Việt đành đứt đoạn ra đi. Anh về đầu quân cho Khatoco Khánh Hòa với bản hợp đồng đầu tiên trong sự nghiệp và đó cũng là bản hợp đồng chuyên nghiệp duy nhất. Chỉ hai mùa khoác áo, Khatoco Khánh Hòa giải thể, Việt chuyển về đá cho Phú Yên được một mùa rồi giải nghệ ở tuổi 30 vì cảm thấy bóng đá không còn ý nghĩa nữa. Hơn 10 năm chơi bóng chuyên nghiệp, mọi thứ với Việt như một giấc mơ hoang.
Góp nhặt từng… đồng bạc lẻ
Giải nghệ, anh ra Đà Nẵng sống cùng bố mẹ và chị gái. “Cả nhà làm mấy bộ hồ sơ cho nó để đi xin việc. Nó được một số đơn vị nhận nhưng hồ sơ có gì đâu. Chỉ là cái bằng cấp 3 cùng vài bản hợp đồng photo của HAGL, Khánh Hòa trước đây.
Nó đá cho các đơn vị với lời hứa sẽ nhận làm việc. Dựa vào đó, nó cứ đi đá bóng suốt ngày, cơm nhà, áo mẹ lo, đá hết giải rồi về chứ không có gì hết. Đợi mãi không thấy nhận việc, tôi hỏi như thế nào rồi, nó không nói gì. Tôi đã biết chuyện gì xảy ra”, bố Việt như cứa từng mũi kim đau khi nhắc lại.
Không xin được, gia đình xoay đủ đường. “Chị nó là bác sĩ, lo học trung cấp dược rồi sau này mở quầy thuốc, vừa tạo công ăn việc làm vừa chăm sóc tôi bị bệnh. Lâu quá không đụng đến sách vở, nó học không vào”, ông Kiệt kể.
Thế là, Đình Việt trở lại Pleiku, anh lập gia đình và sau những biến cố cuộc đời, Việt chấp nhận sự thật phũ phàng. Anh chấp nhận cuộc sống “không ai biết đến và cũng không muốn nhắc lại quá khứ vì nhắc đến là buồn” (lời ông Kiệt).
Việt cùng gia đình mở quán bún riêu bình dân ở nhà. “Giờ đến cả múc bún, chạy bàn, rửa chén, nó đều làm hết. Thấy mà thương dù biết cuộc sống như vậy, hồi xưa sướng, nó mà nghe tôi làm việc văn phòng thì bây giờ không rơi cảnh này rồi”, ông Kiệt nói rồi thở dài: “Giá mà…!”.