Nhà phát hành, đơn vị tài trợ và tính minh bạch của ESports tại SEA Games 31

Quang Minh
thứ hai 14-3-2022 12:19:37 +07:00 0 bình luận
So với những môn thể thao khác, ESports có đặc thù riêng với sự xuất hiện của nhà phát hành, đơn vị tài trợ, điều đó khiến NHM không khỏi thắc mắc về việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thi đấu ngay tại SEA Games 31.

Trong tổng số 40 môn thi đấu tại SEA Games 31, ESports có lẽ là bộ môn đặc thù nhất với nhiều vấn đề cần được lưu tâm. So với các môn thể thao khác, 8 bộ môn ESports đều có nhà phát hành riêng, ngoài ra các đội tuyển đa số đều có nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Việc chồng chéo và đan xen mối quan hệ giữa các đơn vị phát hành game lẫn nhà tài trợ khiến người hâm mộ không khỏi đặt ra những dấu hỏi về tính minh bạch và công bằng trong thi đấu, nhất là tại kỳ SEA Games 31 sắp tới?

Tính minh bạch và yếu tố công bằng được quan tâm tại SEA Games 31

"Đứng trên phương diện nhà phát hành chúng tôi luôn muốn tạo một môi trường thi đấu công bằng, fair play với tất cả game thủ. Điều đó tạo ra giá trị dài lâu và một môi trường trong sạch cho các game thủ trải nghiệm sự hấp dẫn của trò chơi", một nhà phát hành game khẳng định.

Trên thực tế, không chỉ những nhà phát hành trong nước mà ngay cả quốc tế đều nỗ lực tạo nên một sân chơi công bằng và minh bạch, đó được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì niềm tin cho những người tham gia.

Cũng vì lẽ đó bất kỳ trường hợp gian lận dù là nhỏ nhất cũng đều phải nhận án phạt rất nặng. Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là tình trạng game thủ chuyên nghiệp "cày thuê" tài khoản nghiệp dư, một hành động tưởng chừng rất nhỏ cũng bị nghiêm trị.

Tại VCS rất nhiều game thủ chuyên nghiệp đã phải nhận án phạt cấm thi đấu vì tình trạng "cày thuê" như Zeros, ProE, TQK, Row... "Hành vi trên ảnh hưởng đến tính cân bằng trong các trận đấu do chênh lệch trình độ nếu bậc xếp hạng/tỉ lệ thắng của tài khoản không khớp với người sử dụng tài khoản đó", trưởng BTC VCS khẳng định.

Tương tự các môn thể thao khác, hành vi gian lận trong ESports đối mặt án phạt rất nặng, thậm chí có thể đi tù tại Hàn Quốc

Năm 2018, để đảm bảo môi trường công bằng và chuyên nghiệp cho ESports, Hàn Quốc thậm chí thông qua dự luật với hình phạt có thể lên tới 20 triệu won (400 triệu đồng) và bị phạt tù 2 năm cho những trường hợp cày thuê.

Thế nhưng ngoài vấn đề của nhà phát hành, một trong những yếu tố có thể tác động lên các đội chơi là nhà tài trợ. Dễ nhận thấy các đơn vị này tài trợ chồng chéo nhiều bộ môn, ở nhiều quốc gia tại Đông Nam Á như trường hợp Team Flash tại trợ đội Tốc chiến, LMHT, Liên quân và cả Free Fire, trong khi Team Secret tài trợ đội LMHT tại Việt Nam, PUBG Mobile tại Malaysia, Tốc Chiến tại Philippines,...

"Vấn đề nằm ở chỗ 1 nhà tài trợ chỉ được phép tài trợ cho 1 team duy nhất ở 1 bộ môn. Ví dụ chúng tôi chỉ được phép tài trợ 1 team LMHT duy nhất tại Việt Nam. Không chỉ SEA Games mà các giải đấu của nhà phát hành đã tính tới trường hợp này, vì vậy không có chuyện một nhà phát hành tài trợ cho nhiều team ở cùng một bộ môn.

Bản thân những nhà tài trợ đầu tư vào ESports cũng luôn hướng tới hình ảnh chuyên nghiệp, các game thủ thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo như bất kỳ môn thể thao nào khác.

ESports Việt Nam đặt mục tiêu đổi màu huy chương tại SEA Games 31

ESports đã là một môn thể thao chuyên nghiệp vì vậy bất cứ hành vi cố tình gian lận nào cũng bị phạt rất nặng từ nhà phát hành cho tới các đơn vị quản lý game thủ", một nhà phát hành chia sẻ.

Ít giờ qua, cộng đồng ESports được phen dậy sóng khi tại giải DPC, giải đấu chính thức của nhà phát hành DOTA 2 phát hiện trường hợp gian lận của 2 team đến từ Malaysia (có 2 game thủ Việt Nam) và Trung Quốc, ngay lập tức án phạt cho toàn bộ thành viên là cấm thi đấu vĩnh viễn.

Có thể thấy để tạo dựng niềm tin cho các game thủ, tính minh bạch và yếu tố công bằng luôn được nhà phát hành cũng như các đơn vị tài trợ ưu tiên hàng đầu, đó cũng là tinh thần chung của ban tổ chức các giải đấu trong đó có SEA Games 31.

Chủ tịch VIRESA Nguyễn Xuân Cường (đứng) và TTK Đỗ Việt Hùng

Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, Liên đoàn ESports Việt Nam - VIRESA cho biết kế hoạch chuẩn bị được chia thành 5 giai đoạn gồm: Chuẩn bị, vòng tuyển chọn đội tuyển quốc gia, tiền SEA Games, SEA Games 31 và hậu SEA Games với hàng loạt vấn đề từ tổng quan tới chi tiết đều được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tổng thư ký VIRESA ông Đỗ Việt Hùng khẳng định: "VIRESA là đầu mối phụ trách các mặt chuẩn bị bao gồm từ cơ sở vật chất tới kế hoạch làm việc với các nhà phát hành, chuẩn bị lực lượng tổ chức, trọng tài - giám sát chuyên môn quốc tế, cơ sở vật chất và địa điểm thi đấu cũng như các bước chuẩn bị liên quan khác để đảm bảo bộ môn ESports được tổ chức với chất lượng chuyên môn cao nhất, đảm bảo an toàn và quy định khác của BTC SEA Games 31".

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm