Ai cần giao hữu bạo lực?

Song An
thứ bảy 8-6-2019 0:48:00 +07:00 0 bình luận
Một trong những điều khiến tôi băn khoăn trong cả hai trận đấu giao hữu của tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam là tính bạo lực của nó quá cao, dường như vượt ra ngoài khuôn khổ những trận giao hữu thông thường. Câu hỏi là chúng ta có cần những trận thi đấu giao hữu bạo lực đến thế không?

Bóng đá là phải mạnh mẽ, đó là một yêu cầu và chính điều này khiến bóng đá trở thành một trong những môn thể thao hấp dẫn nhất, bởi nó là một trong những môn mạnh mẽ nhất. Nhưng mạnh mẽ tới mức đi quá giới hạn thể thao, hoặc biến một trận đấu trở thành cốc nước cho cơn khát quyền lực để thắng bằng mọi giá, để khẳng định vị trí số 1 lại là việc khác.

Ở trận đấu với đội tuyển Việt Nam - Thái Lan ở King’s Cup thì những tình huống xấu chơi nhất đều được các fan Việt Nam gắn cho các cầu thủ Thái Lan. Chẳng hạn như tình huống Hemviboon đá vào chỗ hiểm của Công Phượng ở phút 75 hay cái tát rất kín của Thitiphan đối với Văn Hậu. Và hiển nhiên, với chúng ta thì họ - tức là bóng đá Thái Lan đã phải trả giá bằng trận thua, cùng tình huống bắt bóng có phần ngớ ngẩn của Kawin, kiểu “ăn gian nó dàn ra đấy” - tức là ăn gian thì sẽ bị trả giá.

Ai cần giao hữu bạo lực?

Nhưng phía các học trò của ông Park Hang-seo thì sao? Cũng không đến mức hiền lành, thánh thiện. Đó là pha bóng mang tính tiểu xảo không kém của Duy Mạnh khi dẫm vào người đối thủ, là những pha vào bóng trên mức quyết liệt của Quế Ngọc Hải, của Văn Hậu…

Cũng khó trách cầu thủ, tham vọng về quyền lực (ở đây là vị trí số 1 không chính thức của bóng đá Đông Nam Á) đã được truyền thông, mạng xã hội đẩy lên ở mức quá căng trước trận đấu, để rồi cầu thủ hai đội vào trận với tâm thế một trận chung kết, ăn thua cay cú chứ không phải là một giải hữu nghị.

Ai cần giao hữu bạo lực?

Tham vọng quyền lực trong xã hội thể hiện ngay trong bóng đá. Khi đội tuyển QG, tức là đàn anh đang trong cơn khát quyền lực thì đội đàn em là U.23 Quốc gia cũng tỏ ra tham vọng không kém, dù họ chẳng có mục tiêu rõ ràng như tuyển QG.

Dưới trời mưa và sấm chớp trên sân Phú Thọ, quá thích hợp cho một trận đấu thiếu chuyên môn, thừa bạo lực. Về chuyên chuyên, thậm chí có người cay nghiệt nói rằng, lức U.23 này thắng đối thủ bằng sức chứ không bằng… đầu. Nói hơi quá vì làm sao U.23 sánh được với đội tuyển, nơi có những cầu thủ tốt nhất.

Nhưng bạo lực là cả một vấn đề. U.23 Myanmar không phải là đối thủ dễ chơi, tuy nhiên để trận đấu trở nên căng thẳng thì đó là do chủ nhà.

Các cầu thủ U.23 Myanmar bị gây ức chế và họ nhận thẻ đỏ đầu tiên, chỉ trong 1 phút, Naing Win phải nhận liên tiếp 2 thẻ vàng vì lỗi chơi xấu. Nhưng đáng nói là thẻ đỏ của Trọng Huy ở những giây cuối cùng, pha kê bóng đó có thể khiến đối thủ gãy chân.

Đó là chỉ hai tình huống điển hình và chính hai thẻ đỏ đó khiến cho hai bàn thắng có phần bị lu mờ.

Chúng ta yêu đội tuyển và hoàn toàn có thể bảo vệ các cầu thủ của mình rằng: bóng đá nó thế, nếu chỉ đá hời hợt thì giao hữu cũng không có hiệu quả gì.

Đúng, nhưng quyết liệt nó khác với bạo lực. Chiến thắng bằng năng lực và đẳng cấp khác với chiến thắng bằng ăn thua, cay cú. Không thể khiến các đối thủ nể phục nếu trở thành một giang hồ trong bóng đá.

Thực tế, bóng đá đang thể hiện cơn khát quyền lực của xã hội. Bóng đá đôi khi là chỗ để giải tỏa cơn khát đó.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, cần phải có một tư duy khác về những trận giao hữu. Bởi nếu quá thô bạo, xấu xí và tạo ra những  thù địch giữa các nền bóng đá, giữa các đội tuyển thì giao hữu liệu có ích gì? Liệu có đúng với cái tên giao hữu mà chúng ta đặt cho?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm