Đằng sau một chiến công lịch sử…

Nhà báo Hữu Bình
thứ năm 23-8-2018 16:42:03 +07:00 0 bình luận
Tôi dùng từ “lịch sử”, bởi chưa bao giờ thể thao Việt Nam giành được 1 tấm HCV tại đấu trường ASIAD khi môn ấy đã nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic (cụ thể là trường hợp của Taekwondo và Karate).

Tôi dùng từ "lịch sử", bởi chưa bao giờ thể thao Việt Nam giành được 1 tấm HCV tại đấu trường ASIAD khi môn ấy đã nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic (cụ thể là trường hợp của Taekwondo và Karate). Thành tích của đội đua thuyền nữ hạng nhẹ 4 người sáng nay vì thế có giá trị rất khác biệt, không chỉ giải "cơn khát vàng" cho cả đoàn mà còn ghi một dấu mốc mới của thể thao nước nhà trong lịch sử những lần tham dự ASIAD.

1. Trước tiên cần giải đáp câu hỏi: Đấy có phải một bất ngờ quá lớn hay không? Câu trả lời là không. Lý do: Đã 2 kỳ ASIAD liên tiếp đoàn TTVN giành được HCB ở nội dung này, cả 2 lần các cô gái Rowing của chúng ta đều xếp sau Trung Quốc và đứng trên Iran. 

Kỳ này, Trung Quốc không dự nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ, nên chỉ còn Iran là đối thủ đáng kể nhất mà thôi. Đấy cũng là lý do trong khi các báo hào hứng "HCV bất ngờ", thì Phó đoàn TTVN, ông Nguyễn Trọng Hổ mỉm cười: "Tôi không bất ngờ. Đây là HCV đã được dự báo trước".

Đằng sau một chiến công lịch sử… - Ảnh 1.

Chiếc HCV nằm trong dự tính của lãnh đạo cũng như BHL khi không có các VĐV Trung Quốc tham dự.

Thậm chí, tại ASIAD 16, ngoài nội dung này, Rowing VN còn giành thêm 1 HCB nữa ở nội dung thuyền đôi nữ (Phạm Thị Thảo và Phạm Thị Huệ); còn tại ASIAD 17, ngoài tấm HCB ở nội dung "tủ" này, Rowing VN có thêm 2 tấm HCĐ thuyền 4 nữ và thuyền đơn (Tạ Thanh Huyền). 

TIN LIÊN QUAN

Bởi vậy, so với thành phần từng giành HCB cách nay 4 năm, tuy đội chỉ còn duy nhất Phạm Thị Thảo, nhưng Tạ Thanh Huyền cũng có thể xem là một tay đua mạnh. Chỉ có 2 gương mặt mới là Lương Thị Thảo và Hồ Thị Lý, những VĐV xuất sắc, được cho là hoàn toàn có thể kế tục những đàn chị của mình và đã được "kiểm định năng lực" trong thời gian qua.

Hồ Thị Lý chính là người từng thay thế đàn chị Phạm Thị Thảo (bị chấn thương) vào giờ chót để tham dự nội dung thuyền đôi cùng Tạ Thanh Huyền ở Olympic Rio 2016. Cô đã trưởng thành rất nhanh trong 2 năm qua. 

Bởi vậy, chỉ có duy nhất Lương Thị Thảo – "em út" của đội (sinh tháng 11/1999, tức chưa đầy 19 tuổi) – là gương mặt chưa từng kinh qua những đấu trường lớn. Tuy nhiên, Thảo cũng đã có sự dìu dắt tận tình của các đàn chị trong thời gian qua, giúp HLV Lê Văn Quang có thể hoàn toàn yên tâm trước "trận đánh lớn".

Lực lượng vẫn đảm bảo chất lượng, lại có sự chuẩn bị khá tốt trước thềm ASIAD, trong khi đối thủ sừng sỏ nhất là Trung Quốc vắng mặt, đấy là lý do khiến lãnh đạo đoàn TTVN đã có sự hình dung trước về khả năng giành HCV của đội!

Video - Đội tuyển Rowing Việt Nam: "Chưa bao giờ nghĩ giành được HCV tại ASIAD 2018"

2. Nhưng thành công không tự nhiên đến nếu không có sự nỗ lực vươn lên tuyệt vời của các VĐV.

Ít người biết rằng Phạm Thị Thảo, "chị cả" của đội (năm nay 29 tuổi) – người từng 2 lần góp mặt ở ASIAD 2010 (nội dung thuyền đôi) và 2014 (thuyền 4 nữ) – từng phải cùng chồng lên kế hoạch "hoãn sinh con" để tập trung cho tập luyện và thi đấu. 

Khi cô gái đồng hương (cùng quê lúa Thái Bình) Tạ Thanh Huyền được đôn lên đội tuyển, thì chính Thảo là người đã dốc lòng dìu dắt, hướng dẫn, rồi cùng Huyền nghiên cứu để tạo nên sự phối hợp ăn ý nhất trong thi đấu (trở thành đôi VĐV số 1 của Rowing Việt Nam hiện tại ở các giải đấu lớn).

Ít người biết rằng sau khi bị chấn thương và phải lỡ hẹn với Olympic Rio 2016, Phạm Thị Thảo đã tuyên bố giải nghệ để tập trung cho gia đình. Nhưng chính tình yêu mãnh liệt với Rowing VN, cũng như mong muốn được tiếp tục góp sức cho Tổ quốc đến cháy bỏng đã thôi thúc cô nhận lời quay trở lại, tiếp tục làm trụ cột của đội tuyển tại ASIAD kỳ này.

Tạ Thanh Huyền cùng như đàn chị của mình, đều là những cô nông dân chính hiệu, đều từng mơ có thể thành VĐV bóng chuyền nhưng cơ duyên đưa đẩy đến với Rowing, và đều nỗ lực cố gắng với hy vọng thành công sẽ đem lại những thành quả về kinh tế, giúp san sẻ gánh nặng với gia đình.

Đằng sau một chiến công lịch sử… - Ảnh 4.

Chiếc HCV có thể giúp bốn cô gái Vàng "đổi đời".

Hoàn cảnh của 2 cô gái còn lại, đến từ các miền đất Quảng Bình (Lương Thị Thảo) và Quảng Trị (Hồ Thị Lý) cũng vậy, vốn rất đỗi nhọc nhằn. Họ đều là những cô gái chân quê, tình cờ được phát hiện tài năng để rồi đến với môn thể thao Olympic với giấc mơ "đổi đời". Như Hồ Thị Lý, với sức vóc thanh niên, trước khi đến với Rowing còn từng… đi làm phụ hồ để có thêm thu nhập.

Từ hoàn cảnh xuất thân ấy, nên họ đã cùng nhau vượt khó, đặc biệt là điều kiện tập luyện không phải thật tốt và chế độ đãi ngộ chưa phải tương xứng với công sức của mình để vắt sức trong tập luyện và quyết tâm thi đấu. 

Chiến công của họ là sự kết tinh của tinh thần khổ luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng, sự đoàn kết, nỗi khát khao đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình, và khách quan mà nói, có cả một chút may mắn nữa khi đối thủ mạnh nhất châu lục ở nội dung của mình không tham dự. 

Tất cả tạo thành trái ngọt hôm nay, giải tỏa "cơn khát vàng" và mở ra hy vọng cho một kỳ ASIAD thành công (về mặt thành tích hay "chỉ tiêu huy chương") của thể thao nước nhà!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm