Điều gì đã khiến những người chấm thi nâng số điểm của các thí sinh từ 0,1 điểm lên tới hàng chục điểm? Hoang mang dư luận còn ở chỗ không ít những thí sinh được nâng điểm ấy lại có những em đạt thủ khoa - mà trong ngôn ngữ bóng đá gọi là những “nhà vô địch” của mùa giải. Vì tiền, vì quan hệ hay vì những áp lực nào khác? Và dù với bất kỳ lý do gì thì nó cũng làm mất đi sự công bằng, làm méo mó cả một kỳ thi mà lẽ ra những người giỏi nhất phải được tôn vinh.
Những “nhà vô địch” ấy ngay cả khi không bị phát hiện thì liệu có sống yên ổn, có thỏa mãn với ánh hào quang không phải của chính mình?
Tôi nghĩ tiêu cực trong thi cử và tiêu cực trong bóng đá có những điểm tương đồng: đều là những cuộc đua, đều là những điểm số và những người tác động là bên thứ ba - có thể là những người tổ chức thi, là giám thị, có thể là một nhân vật có ảnh hưởng nào đó trong Ban tổ chức hay những vị trọng tài.
Gần 20 năm trước là một nghi án mà người ta đặt dấu hỏi lớn vào chức vô địch của một đội bóng miền Trung mùa giải 2000/01. Báo chí thời đó viết rằng: trong mùa giải năm đó, lãnh đạo đội bóng đã có một cuộc họp kín nhằm vạch kế hoạch triển khai chỉ thị "phải vô địch bằng mọi giá" của giám đốc Sở. Và một người được giao nhiệm vụ cầm vali tiền đi hối lộ cho 2 đội bóng đều của TP.HCM để mua 6 điểm cho 2 trận thắng trước các đội bóng này.
Bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề nhạy cảm
Kết quả 2 trận đấu quan trọng nhất mùa giải ở những vòng cuối cùng trở thành màn kịch. Nó được đẩy lên cao trào với nghi án chiếc Cúp vô địch... đã được đưa tới sân từ trước đó.
Tôi không muốn nói thẳng tên những nhân vật, những đội bóng đá ra đây dù có những cái tên đã chìm vào lịch sử. Nhưng không ai nói chuyện nâng điểm, thậm chí mua điểm đã không còn. Nó cũng trở thành vết đen khi người ta luôn phải đặt câu hỏi: Có bao nhiêu % trong ngôi vị thủ khoa của Hà Nội FC trước đây bị ảnh hưởng bởi cái bóng quá lớn của ông bầu? HAGL liệu có được thiên vị khi ông bầu nổi tiếng của họ từng có chân trong vị trí lãnh đạo cao cấp của VFF?
Hay giờ đây, ngay trong hàng ngũ lãnh đạo của VPF - nhà tổ chức giải đấu cũng còn đó những con người trước đây từng là lãnh đạo của các CLB như Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Không có cơ sở cụ thể về việc ảnh hưởng của những người đó lên từng điểm số nhưng cũng không thể trách những dấu hỏi từ phía người hâm mộ, giới chuyên môn nếu có bất thường xảy ra.
Thực chất năng lực của một đội bóng thể hiện ngay ở tính chuyên nghiệp và bộc lộ sớm khi đặt trong những điều kiện từ bên ngoài. Ví dụ điển hình nhất như trường hợp của Quảng Nam, sau chức vô địch V.League 2017, đội bóng này đã không có đủ tiêu chuẩn để tham dự sân chơi AFC và đội bóng thay thế là Thanh Hoá. Nhưng khi tham dự sân chơi AFC Cup, Thanh Hoá cũng phải thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà vì sân Thanh Hóa không đủ tiêu chuẩn.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đưa ra con số thống kê của AFC khiến nhiều người giật mình: chỉ có 5/14 đội bóng V.League đạt chuẩn chuyên nghiệp là Hà Nội, Thanh Hoá, SLNA, Quảng Ninh và Đà Nẵng.
Có điều gì sai sai khi trong bảng xếp hạng giải quốc nội châu Á của AFC: Thái Lan giữ vị trí số 8 và là quốc gia duy nhất của Đông Nam Á nằm trong Top 10. Philippines xếp thứ 12, Singapore, Malaysia lần lượt đứng thứ 16, 17, còn Việt Nam chỉ đứng thứ… 22.
Vẫn còn điều gì đó chưa thực chất đối với bóng đá Việt Nam và cũng như trong những ầm ĩ của điểm thi tốt nghiệp. Đến khi nào mà một đội bóng đoạt chức vô địch V.League họ không còn hỏi: đội bóng đó là “con” của ai?