Chiến thắng 6-4, 6-4 trước Stefanos Tsitsipas ở chung kết Dubai Duty Free Championship 2019 đã giúp Roger Federer viết tiếp chương mới nhất của cuộc hồi sinh thần kỳ kéo dài từ đầu năm 2017. Nhưng cuộc hồi sinh ấy cũng không phải là một đường thẳng chỉ biết có hướng lên. Sự nghiệp của Federer trong giai đoạn từ 2017 đến nay đại khái có thể chia thành hai giai đoạn, trước và sau tháng 3/2018. Kể từ Australian Open 2017 đến Indian Wells 2018, Federer chơi thứ tennis thanh thoát bậc nhất trong sự nghiệp. Anh đứng ôm sân, đánh bóng sớm, không cho đối thủ có cơ hội bắt nhịp và tạo ra một khung cảnh có thể nói là “trúc chẻ tro bay”.
Nhưng Federer như biến thành một con người khác kể từ sau khi bỏ lỡ hai match point trước Juan Martin del Potro trong trận chung kết Indian Wells 2018. Anh chỉ giành được thêm hai danh hiệu nhỏ ở Stuttgart (ATP 250) và Basel (ATP 500), và hoàn toàn trắng tay ở những giải đấu từ cấp độ Masters 1000 trở lên. Vậy điều gì đã xảy ra với Federer?
Federer có những lúc yếu đuối đến kỳ lạ
Về mặt thể chất, Federer không đi xuống quá nhiều. Anh rất ít khi thua trắng 0-2 hoặc 0-3, vẫn đủ sức chơi ngang ngửa với bất kỳ ai, kể cả Novak Djokovic, vẫn có thể kéo họ vào loạt tie-break, vào những set quyết định. Nhưng cứ vào đến đây là Federer.... thua, dù tie-break là nơi mà những tay vợt giao bóng tốt như anh có lợi thế. Trên thực tế, Federer là tay vợt chơi tie-break tốt nhất trong lịch sử tennis (xem bảng dưới), nhưng anh đã không còn thể hiện được hình ảnh đó suốt gần 1 năm nay.
|
Thành tích đánh tie-break |
Tỷ lệ thắng tie-break |
Roger Federer |
432-232 |
65,1% |
Arthur Ashe |
159-86 |
64,9% |
Novak Djokovic |
229-133 |
63,3% |
Andre Gomez |
182-106 |
63,2% |
Pete Sampras |
329-194 |
62,8% |
Tính từ Miami Open 2018 đến Australian Open 2019, Federer đã đánh tổng cộng 27 loạt tie-breaks và chỉ thắng có 15, tức tỷ lệ thắng cuộc đạt 55%, thấp hơn rất nhiều so với chính anh trước đó. Tie-break là màn thử thách nặng về tâm lý hơn là năng lực thể chất, bởi một khi đã phải kéo nhau vào loạt tie-break thì trình độ của hai tay vợt (ít nhất là trong set đấu đó) không chênh lệch quá nhiều.
Tie-break là nơi bạn có thể thua trận chỉ vì một điểm số lỏng tay, và là nơi tình hình có thể thay đổi hết sức nhanh chóng. Bạn có thể đang cầm match point, nhưng chỉ 3 điểm số sau đó bạn có thể đã là kẻ thua trận. Cuộc chơi khốc liệt này không dành cho những kẻ yếu tâm lý, tiếc là Federer đã tỏ ra rất “mong manh” kể từ sau Indian Wells. Mà nguồn cơn sâu xa rất có thể là cái cột mốc 100 danh hiệu.
Hãy nhìn lại lịch sử một chút. Mặc dù đã sở hữu 19 danh hiệu Grand Slam (GS) sau khi kết thúc năm 2017, Federer vẫn chỉ có nhiều hơn Rafael Nadal 3 GS. Nghĩa là mục tiêu hàng đầu của Federer lúc đó vẫn là giành thêm càng nhiều GS càng tốt để củng cố ngôi vị tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng sau Australian Open 2018 thì Fed đã có 20 GS và nới rộng khoảng cách với Nadal thành 4. Không những thế, Nadal còn dính chấn thương phải bỏ giải giữa chừng và cơ hội để Rafa bắt kịp Fed là khá nhỏ nhoi khi mà chính tay vợt người TBN cũng đang bước vào những năm cuối sự nghiệp. Nghĩa là, đến lúc đó, Fed đã có thể tạm yên tâm về mặt trận GS.
Sau khi yên tâm về số GS, Fed bắt đầu nghĩ đến việc chinh phục một kỷ lục khác. Đó là tay vợt số 1 thế giới lớn tuổi nhất trong lịch sử, vượt qua Andre Agassi (33 tuổi 100 ngày). Anh đăng ký tham gia Rotterdam Open vào phút chót và chính thức lên ngôi số 1 thế giới sau khi đánh bại Robin Haase ở vòng tứ kết. Khi đó Federer 36 tuổi và 195 ngày. Chiến thắng ở Rotterdam cũng góp phần giúp Federer giữ ngôi số 1 thế giới được thêm khoảng 3 tháng, và đến tháng 6/2018 thì anh đã sở hữu 310 tuần ở vị trí số 1.
"Tàu tốc hành" sẽ lại tăng tốc?
20 GS, 310 tuần ở ngôi số 1, là tay vợt già nhất đứng số 1 thế giới.... những kỷ lục quan trọng nhất trong giới tennis lần lượt thuộc về Federer. Nên chờ đợi gì ở Federer nữa bây giờ? Giới truyền thông tai hại bắt đầu nghĩ đến cột mốc tiếp theo là 100 danh hiệu. Rotterdam 2018 là chức vô địch chứ 97 trong sự nghiệp của Fed, và người ta bắt đầu nhắc đến khả năng Federer xô đổ con số 100, nhưng con số ấy càng được nhắc đến nhiều thì Federer càng tỏ ra căng thẳng. Mặc dù Federer nhiều lần khẳng định rằng mình không quan tâm đến số danh hiệu, sự thực là anh có biết đến “chiến dịch 100” và dường như Federer bắt đầu tự tạo cho mình thêm chút ít gánh nặng tâm lý. Với Federer, mỗi giải đấu đã trở thành một cơ hội để tiến gần thêm đến con số 100 thay vì chỉ là một dịp để anh thoải mái tận hưởng tình yêu tennis.
Hậu quả là rất rõ ràng. Anh bỏ lỡ hai championship point ở Indian Wells 2018 theo cách khá lãng xẹt, thua Borna Coric (người trước đó chưa có nổi danh hiệu nào trên mặt sân cỏ) ở chung kết Halle Open – nơi mà Federer đã có 9 lần vô địch. Anh tiếp tục để thua Kevin Anderson ở tứ kết Wimbledon dù đã dẫn trước 2-0 và có match point, thua John Millman ở vòng 4 US Open sau hai loạt tie-break thất bại liên tiếp ở set 3 và 4. Đến Australian Open 2019 thì tình hình cũng chưa khá hơn. Federer thua ngược 1-3 trước Tsitsipas ngay tại vòng 4, và trong 3 set thua của anh thì có tới 2 set đến từ tie-break.
Ông vua tie-break ngày nào nay bỗng trở nên yếu đuối đến kỳ lạ. Sự yếu đuối ấy tất nhiên không đến từ đôi chân, bởi ngay đầu năm 2019 này Federer vừa trình diễn thứ tennis hủy diệt như thời thanh xuân tại Hopman Cup. Sự khác biệt? Hopman Cup là giải đấu biểu diễn, nghĩa là Federer chỉ việc “chơi” tennis theo đúng nghĩa mà thôi.
Rất may là cuối cùng thì nỗi ám ảnh 100 cũng đã chấm dứt tại Dubai 2019. Từ nay đến cuối sự nghiệp, có lẽ Federer không còn phải chịu áp lực nào đáng kể về mặt thành tích nữa và sẽ có thể thoải mái tận hiến tất cả những gì anh có cho thế giới tennis. 3 tháng màu nhiệm từ Australian Open 2017 – Miami 2017 đã cho thấy rằng một Federer thoải mái về tâm lý có thể lợi hại đến như thế nào, và – biết đâu đấy – chúng ta lại chuẩn bị được chứng kiến một chuỗi ngày thăng hoa tương tự?
Nên nhớ, với Federer, không có gì là không thể...