Khoảng hơn chục năm trước, đó là một cuộc chạy đua về thông tin: Báo nào có trước bản danh sách thì coi như thắng lợi. Sự hồi hộp lần này, tôi nghĩ không hẳn là cuộc đua về thông tin ai nhanh, ai chậm mà đơn giản là “nhân tố nào” sẽ được gọi cho King's Cup tại Thái Lan.
Hiển nhiên trong vai trò là HLV trưởng của đội bóng, ông Park Hang-seo là người quyết định và chịu trách nhiệm về bản danh sách ấy. Sẽ có khó có sự can thiệp hay tác động từ phía nào, thậm chí là cả VFF.
Thế nhưng vẫn có những cuộc tranh cãi nhỏ kiểu như: Vì sao Anh Đức nói lời giã từ đội tuyển rồi vẫn được gọi? Vì sao Hà Đức Chinh đá 11 trận mới ghi một bàn thắng, bị chê lên chê xuống, thậm chí HLV của anh còn tuyên bố cầu thủ này bị chấn thương, mà vẫn có tên? Sao không có Mạc Hồng Quân? Tuấn Anh trở lại, đá với Xuân Trường thế nào? Vì sao các học trò cưng là thủ môn Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức không được gọi… vv và vv.
Mỗi người có một lý do để giải thích và ngay cả những fan của cầu thủ bị loại cũng có cách để tuyên bố: Cầu thủ tôi thích xứng đáng hơn những người được chọn.
Nhưng ở đây, tôi xin nói về cách mà ông Park Hang-seo chọn cầu thủ.
Quan điểm của ông thầy người Hàn Quốc về tiêu chí chọn cầu thủ đã từng được chính ông bày tỏ. Đó là 3 tiêu chí: 1. Đạt năng lực tốt nhất và chơi tốt nhất ở vị trí đó; 2. Đảm bảo phong độ ổn định; 3. Có tư cách, sự nỗ lực, luôn tự coi mình là một thành viên của tập thể với đúng phương châm - đội tuyển của chúng ta là một”.
Nghe thì đúng thật, đó là những tiêu chí cần thiết và cũng không thể khác được. Song thực tế, những tiêu chí đó hóa ra lại là rất… cảm tính. Thế nào là năng lực tốt? Tốt ra sao? Phong độ ổn định là thế nào? Thước đo nào cho nỗ lực và tư cách?
Đó là những câu hỏi quá khó để giải đáp. Nó cho thấy điều mà ông Park dù rất muốn nhưng không có khi quyết định gọi cầu thủ nào: Đó là dữ liệu cầu thủ hay còn gọi là data từ chính những đối tượng mà ông định gọi.
Trong vai trò tư vấn cho HLV trưởng, bộ phận chức năng đã không làm được cái việc mà lẽ ra họ phải làm từ rất lâu: Có một bộ phận chuyên đưa ra số liệu và phân tích thông tin cầu thủ.
Lấy ví dụ trường hợp Hà Đức Chinh. Ai sẽ cung cấp cho ông Park Hang-seo những dự liệu về cầu thủ này như số phút trên sân, số lần qua người, số lần sút bóng, tốc độ cự ly ngắn và dài, các chỉ số sinh học ở những thời điểm của trận đấu, tình trạng và tiểu sử chấn thương… Nghĩa là vô vàn các số liệu để cung cấp cho HLV trưởng và đó sẽ là những dữ liệu mang tính khoa học khi quyết định chọn hay không chọn một ai đó.
Hay như Mạc Hồng Quân, có người nói cầu thủ này chơi tốt ở V.League 2019, nhưng tốt như thế nào, các thông số kỹ thuật nào chứng minh.
Nói một cách dễ hiểu hơn, để gọi một cầu thủ nào đó lên tuyển, HLV phải nắm chắc KPI của cầu thủ đó. KPI là một cách đo lường hiệu quả thực hiện công việc của mỗi cá nhân hoặc của toàn doanh nghiệp làm tốt như thế nào. KPI là viết tắt của Key Performance Indicator - Chỉ số đánh giá thực hiện công việc. KPI sẽ giúp hiểu rõ một cá nhân đang thực hiện công việc tốt đến đâu so với các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Ở đây là những chỉ số của cầu thủ khi thực hiện công việc là đá bóng.
Không còn là quá muộn khi bộ phận chức năng phải có trách nhiệm về việc này. Đó mới là cách họ hỗ trợ HLV chứ không phải những tư vấn nặng về cảm tính, và như thế, chỉ khi dựa vào những chỉ số, con số chúng ta mới có một bản danh sách thuyết phục và không còn quá nhiều góc tối…