Ở Hà Nội, có một chính sách đặc biệt để ưu đãi đối với các nhân tài, nhất là các thủ khoa tốt nghiệp đại học. Nhưng sau hơn 15 năm “trải thảm đỏ”, mới đây lãnh đạo Hà Nội đã phải thừa nhận rằng: nhiều thủ khoa sau một thời gian ngắn làm cơ quan nhà nước đã xin nghỉ việc. Lý do chủ yếu là lương quá thấp.
Cơ chế tuyển dụng nhân tài của Hà Nội, đặc biệt là với thủ khoa được cho là khá hấp dẫn. Ví dụ như thủ khoa sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận; sau 2 năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí.
Không chỉ có thế, cơ chế áp dụng cho đối đãi nhân tài theo Nghị định 104 năm 2018 cũng được áp dụng người thuộc diện thu hút được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, tức hưởng lương gấp đôi. Thực tế là trong số hơn 1.700 thủ khoa được vinh danh, chỉ 10% chọn công việc nhà nước để nhận lương công chức và phần nhiều trong số đó bỏ việc.
Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ bản được tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng. Căn cứ vào Nghị định 140 thì một sinh viên xuất sắc sẽ nhận hệ số 4,4, tương đương 6,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm 10% phụ cấp tăng thêm thì tổng thu nhập từ lương chỉ hơn 7 triệu đồng.
7 triệu cho một nhân tài giữa Hà Nội, nói thẳng ra là mức lương không đủ sống. Tôi nhớ đến câu chuyện của HLV Nguyễn Thành Vinh - cựu HLV SLNA, ông kể rằng trong suốt 24 năm làm HLV ở SLNA, ông hưởng lương nhà nước và gần như không dành dụm được gì. Cho đến khi ông được mời làm HLV CLB Ngân hàng Đông Á cách đây khoảng 15 năm, ông nhận lương 40 triệu/tháng. Đó là mức lương kỷ lục dành cho một HLV nội thời điểm ấy.
Ông nói rằng “mức lương ấy khiến tôi tự hào và phấn chấn, chứng tỏ họ đánh giá cao năng lực của mình”. Rồi chính HLV Nguyễn Thành Vinh cũng nói: “Đồng lương có thông điệp của nó. Đó là một sự công nhận. Khi người ta muốn mình như thế nào, họ sẽ đưa ra thông điệp như thế. Là người nhận, mình hiểu rằng đó là cách thể hiện những gì người trả lương kỳ vọng để mà đáp lại”.
Đúng vậy, quan hệ quanh đồng lương là quan hệ hai chiều. Không thể yêu cầu một người thật giỏi chấp nhận đồng lương không đủ sống cũng như chuyện nhiều công chức lấy thời gian nhà nước bán hàng online, hoặc “sớm vác ô đi, tối vác về” cũng có lý do là lương quá thấp. Đồng ý và chấp nhận đồng lương thấp nghĩa là chấp nhận và tự thỏa mãn với năng lực của mình thấp.
Hôm 26/6, VFF đã chính thức đánh tiếng về việc xúc tiến ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo thời hạn 3 năm và mức lương có thể lên tới 50.000 USD/tháng, tương đương 1,2 tỉ đồng/tháng.
Có người cho rằng, lẽ ra mức lương cho ông Park phải lên tới 80.000 USD/tháng hay 100.000 USD/tháng nhưng cá nhân tôi cho rằng đề xuất của VFF lúc này là phù hợp với hoàn cảnh tài chính của VFF. Với cá nhân ông Park, chuyện có thêm bao nhiêu USD tiền lương mỗi tháng có lẽ không quan trọng bằng việc ghi nhận và đánh giá cao những gì ông làm được trong thời gian qua. Đồng lương chỉ là phần “lượng hóa” những đánh giá đó. Hiển nhiên ở chiều ngược lại, ông Park cũng phải có những cố gắng hơn để đưa bóng đá Việt Nam đi xa hơn.
Thường thì trong đàm phán, mức lương của HLV là điều khoản cần giữ bí mật, nhưng tôi tin ông Park sẽ nhận lời dù phải thể hiện sự đắn đo để giữ giá.
Tiền lương tỉ lệ thuận với động lực và trách nhiệm. Và để tăng hiệu quả cho mỗi người, thì một trong những yếu tố cần làm là tăng lương.
Câu chuyện về lương cơ sở tôi dẫn phần đầu sau hàng chục năm tồn tại sẽ dần bị thay thế bởi một kế hoạch cải cách tiền lương mà theo đó vị trí việc làm, hiệu quả công việc mới chính là thước đo, yếu tố quyết định đồng lương của mỗi người. Muốn đột phá trong công việc, đầu tiên phải đột phá về lương. VFF đã làm được điều ấy với ông Park trong khả năng cao nhất của mình. Và chúng ta chờ những đột phá từ ông Park và những đội tuyển của Việt Nam mà ông dẫn dắt sau khi ký kết hợp đồng.