Từ nguồn cảm hứng, đến trách nhiệm với niềm tin!

Nhà báo Hữu Bình
thứ tư 5-9-2018 16:18:30 +07:00 0 bình luận
Tôi ngỡ ngàng khi thấy cảnh SVĐ Ninh Bình trong 2 hôm diễn ra trận bán kết và tranh hạng 3 của ASIAD 2018 đầy ắp người, đỏ rực màu cờ trên áo các cổ động viên, không khí trên các khán đài thật sôi động, còn mặt sân bằng phẳng và cỏ mọc xanh rì...

Tôi ngỡ ngàng khi thấy cảnh SVĐ Ninh Bình trong 2 hôm diễn ra trận bán kết và tranh hạng 3 của ASIAD 2018 đầy ắp người, đỏ rực màu cờ trên áo các cổ động viên, không khí trên các khán đài thật sôi động, còn mặt sân bằng phẳng và cỏ mọc xanh rì... 

Mọi thứ khác rất xa so với khung cảnh hoang tàn, cỏ dại um tùm ngày nào (sau khi CLB bị giải tán). Hóa ra lòng dân với bóng đá vẫn chưa hề nguội lạnh. Chính nguồn cảm hứng ấy đã thôi thúc một doanh nghiệp lớn đặt vấn đề hợp tác với tỉnh để xây dựng lại đội bóng...

1. Người gửi cho tôi những tấm ảnh, video quay lại khung cảnh cả vạn người tưng bừng cổ vũ cho đội tuyển trên các khán đài và cả dưới đường piste của SVĐ Ninh Bình trong 2 trận đấu cuối ở ASIAD 18 từng là một lãnh đạo CLB bóng đá tỉnh nhà.

"Báo chí không thấy thông tin sự kiện ấy; tôi tiếc những hình ảnh này quá anh ạ!", doanh nhân ấy tâm sự. Tuy đã lâu không còn làm công việc liên quan tới bóng đá nữa, nhưng trong anh vẫn đau đáu một giấc mơ có thể vực dậy bóng đá tỉnh nhà. 

Từ nguồn cảm hứng, đến trách nhiệm với niềm tin! - Ảnh 1.

Người dân Ninh Bình tận hưởng cảm giác thưởng thức bóng đá một cách trọn vẹn.

Vị doanh nhân ấy, cùng với một số doanh nghiệp đồng hành đã tổ chức trình chiếu và cổ vũ Olympic VN một cách có tổ chức (hoàn toàn miễn phí) cho nhân dân và người hâm mộ trên địa bàn.

"Chúng tôi ngỡ ngàng khi trận bán kết có 8 ngàn người, còn trận tranh hạng 3 có tới 1,3 vạn người đến sân, cổ vũ từ xa cho đội Olympic...", anh hào hứng kể. Rồi anh bật mí rằng chính từ nguồn cảm hứng lớn lao ấy, đặc biệt là cảm nhận được tình yêu bóng đá cháy bỏng nơi dân chúng, mà một doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã chính thức đặt vấn đề xây dựng lại CLB đại biểu cho bóng đá tỉnh thi đấu ở hệ thống đỉnh cao.

TIN LIÊN QUAN

Được biết, ý tưởng đưa ra sẽ là mua lại 1 suất thi đấu hạng Nhất, giống như cách mà Xi măng Vinakansai (sau đổi thành The Vissai) từng làm hồi năm 2007. Dễ nhận ra rằng đây có lẽ là cách nhanh nhất để có thể đưa đội bóng lên góp mặt ở sân chơi V.League, dẫu rằng so với trước đây, thì cũng không còn dễ dàng như trước vì các đội hạng Nhất không còn được sử dụng ngoại binh (đồng nghĩa với việc không thể vung tiền kiếm vài cầu thủ ngoại thật chất lượng về để áp đảo các đối thủ nữa).

2. Niềm khát khao của người hâm mộ (có được một đại diện cho tỉnh nhà thi đấu ở hạng cao nhất của hệ thống bóng đá quốc gia) là không có gì phải nghi ngờ. Việc SVĐ đã được cắt cỏ, sửa sang, bảo dưỡng trong thời gian qua từ nguồn ngân sách của tỉnh cũng cho thấy sự sẵn sàng chào đón các đối tác trong việc "phục sinh" bóng đá Ninh Bình. Nhưng mong muốn là một chuyện, làm sao cho tốt lại là câu chuyện khác.

Từ nguồn cảm hứng, đến trách nhiệm với niềm tin! - Ảnh 3.

Thành công của Olympic Việt Nam và trước đó là U23 Việt Nam sẽ tạo sức bật cho cả nền bóng đá nước nhà. Ảnh: Trung Thu

Tám năm trước, tại mùa giải 2010, lần đầu tiên V.League từng lần đầu tiên (và duy nhất) có mặt cả 2 đại diện của Ninh Bình và Nam Định – được ví như hai "nửa" của đội Công nghiệp Hà Nam Ninh lừng lẫy ngày nào (khi chưa tách tỉnh). 

Nhưng ngay sau mùa giải ấy thì Nam Định rớt hạng và chìm dần vào quên lãng (cho tới khi họ trở lại sau mấy mùa lặn ngụp ở hạng Nhất), còn Ninh Bình cũng chỉ trụ thêm được mấy mùa, với nhiều sự ồn ào với những thương vụ đầy tốn kém, rồi tan vỡ vì scandal tiêu cực tại AFC Cup.

Tại lễ xuất quân của CLB Nam Định trước thềm V.League 2018 (trở lại sau 8 năm), những người có trách nhiệm đã tuyên bố rất hùng hồn, với những lời có cánh. Cộng thêm "hiệu ứng U23" hồi đầu năm, sân Thiên Trường lại đầy ắp khán giả. 

Nhưng kết quả thi đấu bết bát kéo dài khiến sức hút ấy chẳng thể duy trì. Vi phạm an ninh, CLB bị "treo sân", đá không khán giả; còn tình hình tài chính thì trở nên tệ hại khi "lời nói" không đi đôi với "việc làm".

Không quá lời khi nói: Nguyên nhân dẫn tới khó khăn của Nam Định chính bởi cách làm thiếu bài bản, không dựa trên nền tảng chắc chắn với sự cộng đồng trách nhiệm của cả cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) cũng như các nhà tài trợ. Một sự... phung phí niềm tin mà người hâm mộ thành Nam đã gửi gắm, ngay trong mùa đầu về lại với V.League.

Từ nguồn cảm hứng, đến trách nhiệm với niềm tin! - Ảnh 5.

Người hâm mộ kỳ vọng bóng đá tưởng đã "chết" ở Ninh Bình sẽ được hồi sinh từ hiệu ứng Olympic Việt Nam.

Bài học của Vissai Ninh Bình trong quá khứ (về sự quản lý lỏng lẻo, thiếu tính chuyên nghiệp), cũng như bài học của chính "người anh em"  Nam Định hiện tại còn nóng hôi hổi!

Vậy nên, người hâm mộ bóng đá miền cố đô Hoa Lư có thể khấp khởi mừng với khả năng hồi sinh CLB bóng đá tỉnh nhà, cũng một phần từ "hiệu ứng Olympic" tại Asiad vừa qua.

Nhưng song hành với nó chính là mối băn khoăn: Liệu các bên liên quan (cả doanh nghiệp lẫn UBND tỉnh) có thật sự vừa quyết tâm, vừa đề cao trách nhiệm đầu tư cho bóng đá một cách lâu dài, bài bản, vững chắc và chuyên nghiệp, hay chỉ đơn thuần là cảm hứng nhất thời mà thôi? 

Tôi mong rằng mọi thứ sẽ theo vế thứ nhất: Sẽ thật sự có một hướng đi lâu dài để không phung phí tiền của cũng như niềm tin của người hâm mộ!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm