Với Latecoere, Messi chỉ là một hành khách bình thường

Nhà báo Quốc Anh
thứ bảy 30-6-2018 23:17:45 +07:00 0 bình luận
Cách đây tròn 100 năm, ngay sau khi Đệ nhất thế chiến kết thúc, Pierre-Georges Latecoere, nhân vật tiên phong trong lĩnh vực hàng không tại Toulouse, nảy ra một ý tưởng đột phá…

Cách đây tròn 100 năm, ngay sau khi Đệ nhất thế chiến kết thúc, Pierre-Georges Latecoere, nhân vật tiên phong trong lĩnh vực hàng không tại Toulouse, nảy ra một ý tưởng đột phá…

1. Vào năm 1918 xa xưa ấy, mỗi bức thư Latecoere gửi từ nước Pháp phải mất hơn 1 tháng mới tới được Buenos Aires, thủ đô Argentina. Với một người luôn coi thời gian là vàng như Latecoere, sự chậm chạp kể trên là không thể chấp nhận. Sau một thời gian cân nhắc, Latecoere tin rằng mình có thể thiết lập một quy trình vận chuyển thư tín, hàng hóa và con người từ Pháp sang Nam Mỹ bằng máy bay thay vì tàu thủy.

Khi Latecoere đệ trình ý tưởng của mình lên chính phủ Pháp, ông bị nhiều người gọi là đồ điên. Nên biết rằng vào thời của Latecoere, một chiếc máy bay chỉ có thể lết được tầm 400 km, tương đương từ Hà Nội đến Nghệ An, là phải hạ cánh. Còn khoảng cách từ Pháp tới Argentina, nếu vòng qua châu Phi, là hơn 12 nghìn km.

Một trong những thách thức tưởng chừng không thể giải quyết trong bản kế hoạch lịch sử của Latecoere, đó là chặng bay xuyên qua sa mạc giữa Morocco và Senegal. Cho dù Latecoere đã bố trí một đội bay gồm 2 chiếc nhằm hỗ trợ nhau nếu một chiếc gặp trục trặc - chuyện rất thường gặp với những con "chuồn chuồn sắt" thô sơ của đầu thế kỷ 20, thì các phi công vẫn đối diện nguy cơ mất mạng vì đói, khát và bị giết chết bởi những bộ lạc hung dữ tại Sahara.

May mắn cho Latecoere, ông có được sự ủng hộ nhiệt tình của Beppo de Massimi. Vị cựu sĩ quan không quân này rất được các hậu bối tôn sùng nên Latecoere dễ dàng thâu nạp những phi công gan dạ, kinh nghiệm và khỏe mạnh nhất về với đội của mình.

Với Latecoere, Messi chỉ là một hành khách bình thường - Ảnh 1.

Latecoere đã "liều ăn nhiều" và tạo nên lịch sử

Cùng với sự cải tiến trong việc chế tạo máy bay, ý tưởng của Latecoere cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Năm 1928, đường bay vận chuyển thư tín đầu tiên giữa Pháp và Nam Mỹ chính thức khánh thành. Thay vì hơn 1 tháng, mỗi bức thư của Latecoere sẽ đến Buenos Aires chỉ trong 9 ngày.

Có thể cuộc khủng hoảng tài chính 1 năm sau đó đã khiến đội bay do Latecoere sáng lập không còn tồn tại nữa. Tuy nhiên Latecoere cũng chẳng có gì phải hối tiếc cả, vì chính ông đã đặt nền móng cho sự ra đời của hãng hàng không khổng lồ Air France.

2. Chẵn 1 thế kỷ kể từ thời điểm một người Pháp quyết tâm vươn tới Argentina bằng công nghệ "hàng không", một người Argentina cố gắng dựa vào kỹ năng chơi bóng của mình để... "không hàng" Pháp.

Lionel Messi - không cần phải nói ra thì ai nấy cũng đều hiểu ngôi sao đeo áo số 10 này có vai trò quan trọng ra sao trong kế hoạch giúp Argentina vượt qua Pháp hòng mang bức tâm thư của hàng chục triệu người dân xứ Tango tới Moscow vào ngày cuối cùng của World Cup 2018.

Với Latecoere, Messi chỉ là một hành khách bình thường - Ảnh 2.

Messi đã cố hết sức nhưng không thể cứu Argentina

Để cụ thể hóa tham vọng "vươn tới vì sao" của mình, Latecoere đã nhờ cậy vào những đôi cánh kiên cường sẵn sàng xả thân trên một hành trình vô cùng khắc nghiệt. Ngược lại, suốt vòng bảng, Messi gần như phải tự mình gồng gánh nhiệm vụ đưa chiếc phi cơ xanh-trắng vượt rừng Bạch dương trùng điệp trong bối cảnh những chiếc động cơ ở hai biên đều không hoạt động hiệu quả.

Gặp Pháp, nhân tố tấn công bên trái Di Maria và hậu vệ phải Mercado đã ghi tên mình lên bảng điểm. Chỉ có điều, trước một đội bóng áo Lam có Mbappe với tốc độ của chiếc F-22 Raptor, Argentina lại một lần nữa bộc lộ sự bối rối cả trên sân lẫn trên băng ghế huấn luyện.

Với Latecoere, Messi chỉ là một hành khách bình thường - Ảnh 3.

Mbappe (trái) đã "bay" quá nhanh so với khả năng truy cản của hậu vệ Argentina

100 năm trước, các phi công phải bay mà không có radio hay bất kỳ sự chỉ dẫn nào từ mặt đất. Họ phải dựa hoàn toàn vào bản năng và đôi mắt của mình. Mùa hè 2018, Argentina cũng lâm phải hoàn cảnh tương tự khi mà tiếng nói của HLV Sampaoli không còn được lắng nghe bởi các học trò.

Messi đã phải kiêm nhiệm cả vai trò cơ trưởng lẫn hoa tiêu, và ngôi sao 31 tuổi đã kiệt sức ngay khi Argentina bước vào vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên. Khi Messi không còn đủ nhiên liệu để vượt qua hàng thủ cao như dãy Alps bên phía Pháp, Argentina chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc… đặt vé máy bay của hãng Air France để hồi hương.

Ở nơi chín suối, Latecoere chắc đang mỉm cười.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm