Xuất và nhập từ "du học bóng đá"

Nhà báo Nguyễn Nguyên
thứ ba 23-10-2018 14:30:39 +07:00 0 bình luận
Ngày 22/10, giới bóng đá xôn xao với hành trình "du học bóng đá" của VPF với lịch ăn, ở, di chuyển, tham quan… được tung lên.

Ngày 22/10, giới bóng đá xôn xao với hành trình "du học bóng đá" của VPF với lịch ăn, ở, di chuyển, tham quan… được tung lên.

Sau khi lịch trên nhanh chóng được chia sẻ thì lịch đấy bị gỡ xuống trong sự hoài nghi về bản du học fake chỉ toàn các điểm ăn, nghỉ, tham quan và hưởng thụ…

Năm nào cũng học làm chuyên nghiệp

Đến sáng 23/10, chúng tôi vẫn chưa liên hệ được đại diện của VPF có trách nhiệm trả lời về lịch "du học bóng đá" đấy là đúng hay sai và thậm chí là phần "gỡ bài" đấy xuất phát từ đâu nhưng rõ ràng chỉ một thời gian ngắn hiện hữu, "lịch ăn chơi" ấy đã ảnh hưởng rất lớn.

Từ khi VPF được thành lập, cứ sau một mùa bóng là các CLB (cũng là cổ đông của VPF) lại có một chuyến đi học hỏi bóng đá chuyên nghiệp. Gọi là học chứ thực chất là tạo điều kiện cho đại diện các CLB và các thành viên của VPF được đi đây, đi đó, được xem các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến hơn làm bóng đá chuyên nghiệp.

Đi đây, đi đó và được xem, được sống trong hơi thở bóng đá chuyên nghiệp thực thu thì cũng tốt, chỉ có điều người ta hay ghép vào chuyện "đi học" khiến dễ bị "bắt giò" và hiểu sai.

VPF làm ra tiền và thậm chí tổ chức cho các cổ đông đi chơi hay đi du lịch cũng chẳng sai. Tuy nhiên một khi đã xem đấy là đi học bóng đá chuyên nghiệp ngắn ngay với thời gian có khi còn ngắn hơn một tour du lịch Á hay Âu thì cũng cần phải có phần kết là học được gì và hành gì?

Những người đi cùng các chuyến của VPF tổ chức khi về lại CLB nhà và "trà dư tửu hậu" đều hay có chung câu chuyện rằng xem họ làm chuyên nghiệp rồi mới thấy mình chẳng có gì là chuyên nghiệp. Tuy nhiên khi được chất vấn rằng vì sao mình không dần sửa để được như họ thì lại hay bị vịn vào mặt bằng xã hội để rồi "bán cái": "Chừng nào xã hội thay đổi thì tức khắc bóng đá chuyên nghiệp của ta cũng thay đổi vì bóng đá là một phần của xã hội".

Học đâu cho xa sang Thái sẽ học được nhiều hơn

Cách lý luận đấy cũng không sai nhưng làm bóng đá chuyên nghiệp mà cứ sau một mùa giải rồi đi du học kết hợp du lịch và ngồi than thở như thế thì cũng có quyền đặt ngược lại câu hỏi: "Hàng năm mỗi CLB ngốn vài chục tỉ, tổ chức giải cũng tốn vài trăm tỉ… mà bóng đá là để phục vụ xã hội, thế thì xã hội được gì từ cái giải chuyên nghiệp đấy?".

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu thực sự gọi là học bóng đá chuyên nghiệp để thay đổi, để làm tốt hơn thay vì bầu đoàn thê tử vài chục người của các CLB, của VPF đi rồi ăn, ở, xem mà hầu như chẳng ghi chép thì cứ sang Thái Lan mà học Thai-League sẽ thiết thực hơn rất nhiều.

Ở Thai-League, các CLB không có những cái sân to kiểu vài chục ngàn khán giả nhưng mặt cỏ sân nào sân nấy đều rất mịn và cầu thủ tha hồ thi thố trên sân khấu của mình. Ở Thai-League mỗi một trận đấu là một show lớn mà ở đấy đội bóng, doanh nghiệp, khán giả, truyền thông… gắn với nhau và cùng đồng hành… Nói chung họ gần gũi với ta hơn và V-League nếu có những thay đổi đế tốt hơn thì học Thai-League là gần nhất và thực tế nhất.

Sâu sa hơn thì người Thái cũng từng du học bóng đá nhưng chỉ một ông cựu Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan Ong-art Kosingkha xin từ quan và khăn gói sang Anh học Premier League. Ngày ông Tổng thư ký Ong-art Kosingkha xin thôi chức, bỏ tiền túi sang Anh học làm bóng đá chuyên nghiệp, thì Thai-League thua xa V-League các khoản hoành tráng và cầu thủ Thái bỏ xứ sang Việt Nam đá V-League lẫn kiếm tiền rồi có cả xin nhập tịch Việt Nam...

2-3 năm sau khi ông Ong-art Kosingkha học được từ bóng đá Anh thì ông này trở về cải tổ Thai-League đúng chất chuyên nghiệp.

Xuất và nhập từ du học bóng đá - Ảnh 3.

Thai-League đã học theo mô hình Premier League

Họ mua cả "công nghệ" của EPL (công ty tổ chức điều hành Premier League của Anh) xin nhượng quyền cách thức tổ chức giải đấu theo tiêu chuẩn quốc tế qua việc lập công ty TPL (giống VPF của ta) và xây dựng một hệ thống chuyên nghiệp, quy củ với các cấp độ: Thai Premier League (18 CLB), Division 1 (20 CLB) và Regional League Division 2 (83 CLB). Nó hoàn toàn là hình tháp đúng kiểu mẫu chứ không phải hình siêu mẫu như ta (14 CLB chuyên nghiệp, 10 CLB hạng nhất, hơn 20 CLB hạng nhì).

Còn nhớ lần đầu VFF cử người đi học bóng đá chuyên nghiệp từ những năm 1990 thì kết luận đưa ra là nên học mô hình Hàn Quốc bắt đầu từ bán chuyên nghiệp (semi-pro) với số đội chỉ là 6 và đích thực là chuyên nghiệp với sau mỗi CLB chuyên nghiệp là một tập đoàn lớn kiểu Samsung, Hyundai… đứng sau các đội chuyên nghiệp Hàn Quốc. Thế nhưng đến cuối năm 1999 thì những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lại tự chế phiên bản chuyên nghiệp kiểu ta bằng "lùa" hết lên chuyên nghiệp rồi cứ chạy sẽ thành đường.

Giờ thì 18 năm rồi chuyên nghiệp của ta vẫn thế và mỗi năm phá đoàn du học bóng đá chuyên nghiệp đều đều "xuất" nhưng "nhập" và học thì chỉ là… chờ xã hội thay đổi thì bóng đá tức khắc thay đổi.


Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm