1. Một số người nghĩ rằng cứ nâng tạ nhanh với trọng lượng lớn thì cơ sẽ phát triển nhiều; nhưng theo HLV Nguyễn Toản (CLB Olympia ở Hà Nội) thì đó là cách nghĩ sai lầm, bởi: Trong quá trình tập, động tác phải kiểm soát tốc độ chậm rãi, từ tốn để thời gian các nhóm cơ bị tác động bởi tạ nhiều hơn, xây dựng cơ bắp hiệu quả.
Ngoài ra, việc cố gắng nâng cao khối lượng tạ là điều tốt, nhưng không nên quá nặng vì bạn sẽ không đủ sức để đi trọn bài tập; cũng không nên tập quá nhẹ bởi nó không đủ tạo tác động lên cơ bắp. Cách tốt nhất là nên tuỳ theo thể lực và thời gian để tăng khối lượng lên một cách phù hợp, đủ để bạn đi hết bài tập.
2. Khởi động trước khi tập là bắt buộc để tránh chấn thương cơ, khớp. Thời gian khởi động từ 10-15 phút cho lưng, cổ vai, cổ tay, khuỷu tay, cổ chân, đầu gối…
Ngoài ra, với một số động tác cần phải có quãng thời gian hạ nhiệt, như chạy: Khi đang chạy trên máy với tốc độ cao, nếu dừng đột ngột rất dễ bị choáng, nhịp tim thay đổi đột ngột. Vì vậy cần phải giảm dần tốc độ rồi mới dừng hẳn, hạ nhiệt đúng cách giúp hồi sức mau hơn.
Ngay cả những bài tập tạ cũng cần có những bài tập phục hồi thả lỏng giúp các nhóm cơ nhanh hồi phục bằng cách rung/lắc nhẹ các nhóm cơ vừa vận động kết hợp xoa bóp nhẹ; các động tác kéo giãn cơ; đứng ở vị trí thoáng, hít thở sâu…