Ngay một ngày tập bình thường của Viên cũng đã khác biệt hoàn toàn so với các tay bơi trong nước. Đơn giản vì nó theo đúng chuẩn hàng đầu thế giới, và quan trọng nhất, có lẽ cả làng bơi Việt cũng chỉ có Viên có đủ khả năng, quyết tâm và sự bền bỉ để theo được.
Tùy theo chương trình đào tạo gắn với các chu kỳ do 2 chuyên gia Mỹ đặt ra, Viên sẽ có thể phải tập 1, 2 hay thậm chí 3 buổi ngày. Mà phổ biến nhất là định mức 2 buổi/ngày. Mỗi buổi xuống nước của cô từ 1,5 đến 3 giờ, với cường độ và sự tập trung cao nhất. Tính trung bình, một ngày tập của Viên phải đảm bảo khối lượng vận động tương ứng với mức 5-7 km. Con số này vượt xa các nam tuyển thủ xuất sắc như Quý Phước hay Quang Nhật, đồng thời gấp đôi các đàn em nữ ở ĐTQG như Mỹ Thảo, Phương Trâm.
Kể từ khi đặt chân sang Mỹ từ 2012, Viên gần như không có một ngày nghỉ. Và sau mỗi buổi tập, nhất là thời gian đầu, cô đã rơi vào tình trạng kiệt sức, chân tay rã rời. Rất may nhờ nền tảng thể lực hiếm có, cùng chế độ dinh dưỡng, y học tiên tiến nên khả năng hồi phục của Viên cực tốt. Viên luôn làm chủ được quy trình khắt nghiệt một cách tự nhiên, chứ không gồng mình gắng sức kiểu bị động.
Trên đất Mỹ, hiện tại Ánh Viên đang tập luyện theo một chương trình ổn định gồm 9 đến 12 buổi mỗi tuần, với tổng thời gian khoảng 20-30 giờ/tuần. Tổng khối lượng bơi tổng cộng hàng tuần của cô từ 35-70 km. Tùy theo các mục tiêu và giai đoạn, nó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
Theo tính toán, để có thể tranh chấp huy chương Olympic 2016, tới đây, tổng khối lượng vận động của Viên sẽ còn phải tiếp tục được nâng cao. Viên đã giành 3 chuẩn A Olympic, và gần như chắc chắn sẽ có thêm 1 chuẩn A nữa để có thể được tranh tài nhiều nội dung tại Olympic 2016.
Đón đọc kỳ tiếp theo: Ánh Viên đã thắng cả "máy đẩy nước" như thế nào?
Thông tin, hình ảnh về các hoạt động và phương thức bình chọn của giải thưởng Cúp Chiến thắng 2015 được cập nhật trên website và fanpage chính thức của chương trình.
www.cupchienthang.vn; www.vtvcab.vn, www.thethao24.tv, www.facebook.com/cupchienthang