Đạp xe thể dục liệu có gây vô sinh?

thứ ba 12-5-2015 21:59:24 +07:00 0 bình luận
“Tôi đam mê cảm giác chiều hè mát được đạp xe dạo xung quanh Hồ Tây vừa thể dục thể thao vừa nâng cao sức khoẻ… Nhưng tôi buộc phải bỏ niềm yêu thích đó vì gia đình sợ tôi đạp xe nhiều dẫn tới vô sinh”.

001 copy

Bỏ xe máy đi xe đạp

Là một người trẻ tuổi nhưng khá thừa cân, anh Đỗ Hoàng Nam hiện là nhân viên văn phòng của một Trung tâm điện máy ở Hà Nội đã chọn đạp xe làm phương pháp tập thể dục giảm cân vừa thư giãn đầu óc.

Anh Nam chia sẻ: “Ban đầu, tôi mua một chiếc xe địa hình loại vừa tiền đi đạp xe quanh Hồ Tây và có lần đi xa sang bên kia cầu Vĩnh Tuy, để vừa giảm cân vừa đi dạo cho thoáng mát, xả stress. Sau đó tôi dần đam mê, yêu thích xe đạp tới nỗi dùng nó làm phương tiện chính thay cho xe máy”.

Nơi làm việc ở đường Nguyễn Văn Cừ bên kia cầu Chương Dương, cách nhà hơn 10 cây số nhưng sáng nào, Nam cũng miệt mài dậy sớm xách xe đạp đi làm dù nhà không thiếu xe máy. Anh thích cảm giác trời sáng sớm mát lạnh, được lướt xe đạp, thưởng thức thời tiết nhẹ nhàng, chưa kể cảm giác hì hục leo dốc sau đó thả dốc khoan khoái.

Tuy nhiên, anh duy trì đi làm đều đặn bằng xe đạp được hơn 2 tháng thì phải chuyển sang xe máy. Không phải vì anh bắt đầu thấy ngại mà do gia đình nhất quyết phản đối. Không chỉ một hai người mà cả nhà đồng tâm bắt anh phải chuyển sang đi xe máy.

Do là cháu đích tôn nên gia đình rất coi trọng đường con cái của Nam. Đợt đó, cả 3 ngày nghỉ Tết ở nhà, họ hàng cô dì chú bác sang chơi, từ nói nhẹ nhàng khuyên nhủ tới cứng rắn nhưng ai cũng nói Nam phải dừng đi xe đạp. Cuối cùng, vì áp lực gia đình, Nam phải chuyển sang đi xe máy và ngậm ngùi bán chiếc xe đạp “cưng”.

Chưa nghiên cứu nào dám khẳng định

Những e ngại của gia đình Nam không phải quá vô lý. Trên thực tế, việc đạp xe có ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản hay không cũng chưa nhà khoa học hay bác sĩ thể thao nào dám khẳng định chính xác.

Giáo sư Irwin Goldstein, chuyên gia nổi tiếng về nam khoa ở Đại học Y khoa Boston (Mỹ) nhận thấy khá nhiều bệnh nhân liệt dương tới khám tại cơ sở của mình. Điều trùng hợp, rất nhiều trong số những bệnh nhân này thường xuyên đi xe đạp.

Năm 1997, Giáo sư Goldstein đã công bố công trình nghiên cứu của mình trong đó có đoạn viết: “Khi đi xe đạp, do áp lực từ phía bụng dưới và hai bên háng, các mạch máu ở khu vực này sẽ bị nghẽn khiến lượng máu dẫn xuống dương vật bị hạn chế. Nếu đi xe đạp cường độ mạnh, dương vật sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”. Ông khẳng định đi xe đạp là nguyên nhân chính dẫn tới hàng trăm nghìn trường hợp liệt dương ở Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay giới khoa học vẫn không có những số liệu chính xác để kiểm nghiệm kết luận của ông. Trong một nghiên cứu mới công bố vào cuối năm ngoái do các nhà khoa học đến từ Đại học London (Anh) đối với 5.000 người thường xuyên đạp xe lại khẳng định rằng, việc đạp xe không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ sinh sản.

Tiến sĩ Mark Hamer đến từ Khoa nghiên cứu dịch tễ học của Đại học London, chủ nhiệm dự án khoa học này khẳng định: “Phần yên xe đạp ngày càng được cải tiến tốt hơn nên không hề gây áp lực nhiều lên bộ phận sinh dục như những loại yên xe trước đây. Không những việc đạp xe không ảnh hưởng tới sinh sản mà nó còn là một thói quen tốt để duy trì sức khoẻ, bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Anh thừa nhận, việc đạp xe có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của những người ở tuổi trung niên nếu đạp xe lâu. Cụ thể, những người ở độ tuổi trên 50 trở lên, nếu đạp xe khoảng nửa tiếng một ngày dễ làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nếu những người ở độ tuổi này đạp xe 8 tiếng 45 phút/1 tuần hoặc hơn, nguy cơ này sẽ tăng lên 6 lần.

MINH THƯ

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm