Lê Văn Thắng gặp loại chấn thương gì?

chủ nhật 17-4-2016 11:30:51 +07:00 0 bình luận
Nhiều người lầm tưởng Lê Văn Thắng gặp chấn thương rách cơ đùi. Thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho trận đấu gặp Iraq tại vòng loại World Cup 2016, chân sút đang khoác áo CLB Hải Phòng gặp chấn thương ở vùng háng khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây là trường hợp rách cơ đùi như nhiều cầu thủ vẫn hay gặp phải.

Tuy nhiên, sau khi thăm khám và chuẩn đoán, các bác sĩ kết luận trường hợp này là rách cơ thắt lưng chậu. Đây là loại cơ kéo dài từ cột xuống, đi qua vùng thắt lưng, vào phía trong xương chậu và bám vào mấu chuyển bé đầu xương đùi.

Con người có khoảng 300 nhóm cơ giúp cho 4 chi có thể cử động dễ dàng, đồng thời tạo nên hình dáng của cơ thể. Với cơ thắt lưng chậu, nó có tác dụng đặc biệt quan trọng trong các cử động của xương đùi, đặc biệt là động tác nâng cao đùi.

Nhìn chung, tất cả chấn thương liên quan tới các nhóm cơ đều xuất phát từ những tác động bất ngờ dẫn đến việc dãn cơ quá mức, xé rách một số sợi cơ hoặc toàn bộ nhóm cơ ở bất kỳ khu vực nào dọc theo chiều dài của nó. Trong một số trường hợp thường gặp khác những tác động đến từ việc va chạm cũng dẫn đến rách cơ. 

Chấn thương dạng này không hiếm gặp ở các VĐV bóng đá Việt Nam. Trước Lê Văn Thắng, Xuân Trường là ví dụ tiêu biểu (điểm bám gân cơ khép, gân cơ thẳng bụng, suy giảm chức năng khớp vùng chậu bên trái, chấn thương cơ khép vùng chậu bên phải và cơ thắt lưng chậu) Trường hợp của tiền vệ đang khoác áo CLB Incheon phải mất rất nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn.

Theo bác sĩ Nguyễn trọng Hiền, trưởng phòng y học thể thao, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn, Lê Văn Thắng chỉ bị rách nhẹ, không quá nguy hiểm và chỉ cần 2-3 tuần để bình phục hoàn toàn. “Hiện tại, Thắng đã trở lại tập luyện và thi đấu. Rất may mà cậu ấy chỉ bị cấp tính nên không có gì nguy hiểm. Nếu để tình trạng chấn thương lâu ngày hoặc không điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới mãn tính và rất khó điều trị”, bác sĩ Hiền nói.

Để phòng tránh chấn thương kiểu này cũng như toàn bộ các chấn thương cơ khác, nguyên tắc chung là các hoạt động thể chất không được phép vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Trước khi tập luyện hoặc chơi thể thao, việc cần thiết là làm nóng thật kỹ để giúp các nhóm cơ làm quen dần với điều kiện hoạt động.

Cơ thắt lưng chậu kéo dài từ vùng xương sống, đi qua thắt lưng, xương chậu xuống tới háng

Cơ thắt lưng chậu kéo dài từ vùng xương sống, đi qua thắt lưng, xương chậu xuống tới háng

Sự thiếu mềm dẻo cũng làm rách cơ. Những cơ linh hoạt chịu tải tốt hơn các cơ căng cứng. Một chấn thương trước đó có thể giới hạn mức độ hoạt động trong một khớp và do đó gây ra sự thiếu mềm dẻo ở cơ và hậu quả là chấn thương. Dù đã bị chấn thương hay chưa, hãy coi các bài tập kéo dãn đều đặn là phần tất yếu trong chương trình tập.

Việc điều trị chấn thương rách cơ nói chung đều tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau: Ngay khi làm tổn thương cơ, ngừng tập luyện. Đừng chườm nóng và xoa bóp vì nhiệt làm tăng lưu thông máu chảy tới vùng đó khiến việc tổn thương thêm nặng, thay vào đó hãy chườm đá 3-4 lần mỗi ngày. Sau 3 ngày có thể chuyển sang chườm nóng.

Các bác sĩ cũng khuyến nghị dùng băng thun để bó chặt cơ, tránh vận động vùng tổn thương. Trong lúc ngủ, cố gắng nâng cao vết thương cao hơn cơ thể để giảm thiểu sự lưu thông máu. Với các trường hợp xuất hiện vùng tím bầm lan rộng, biểu hiện của chảy máu trong sẽ khiến chấn thương thêm trầm trọng. Lời khuyên lúc này là hãy tìm đến bác sĩ để được khám và kết luận chính xác nhất.

Khi tình hình nhiều biến chuyển tích cực, người gặp chấn thương có thể bắt đầu tập nhẹ để cho các nhóm cơ làm quen dần với việc vận động, bắt đầu từ những cử động co duỗi đơn giản. Một điểm cần đặc biệt lưu ý là khi một loại cơ đã bị tổn thương, nó rất dễ có thể tái phát vì vậy những vận động nặng nên được sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm