Không nhìn được thì nghe
"Tôi muốn đánh bóng đang bay mạnh nhất có thể, ngay cả khi tôi không nhìn thấy gì", Takei từng tiết lộ như thế. Nếu được như vậy, đấy là nhờ thính giác của ông vẫn còn tốt.
Được người thầy dạy ở trường trung học khuyến khích và sau rất nhiều lần thử và thất bại, Takei đã tạo ra một quả bóng nhẹ, rỗ và có thể phát ra tiếng động. Nhờ thế, các cây vợt đều nghe thấy được và đánh trúng bóng dễ dàng. Một môn thể thao mới ra đời vào năm 1984 - quần vợt mù.
Dĩ nhiên là quần vợt mù không giống như quần vợt thông thường. Ngoài việc sử dụng bóng có âm thanh (an toàn và nẩy ít), sân thi đấu nhỏ hơn với các vạch kẻ nổi, lưới thấp và vợt ngắn hơn. Bên cạnh đó, các cây vợt được phép để bóng nẩy tới 3 lần, tùy thuộc vào khả năng phán đoán hướng bóng của mỗi người.
Đến mùa thu năm 1990, Takei đã tổ chức giải vô địch quốc gia đầu tiên ở Nhật Bản và 25 năm qua, Nhật Bản giờ có hàng nghìn cây vợt mù. Cùng với Nhật Bản, Anh là nước thứ hai có giải vô địch quần vợt mù, trong khi môn thể thao này cũng được chơi nhiều ở những quốc gia mà Takei đến giới thiệu như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Singapore, Philippines, Australia, Tây Ban Nha, Italia, Canada, Nam Phi, Bahamas, Argentina và gần đây là Mỹ, Nga.
Chấm dứt bi kịch
Nếu được xem những trận đấu của Takei trên YouTube, nhiều người đều không tin rằng ông bị mù. Không phải vô cớ mà ông được xem là Roger Federer của quần vợt mù, khi ông đã giành 16 chức vô địch trong 21 lần đầu tiên giải vô địch Nhật Bản diễn ra. Tuy nhiên, nếu khiếm khuyết này là động lực thôi thúc ông vượt qua những trở ngại và đến với thể thao, chính nó cũng lấy đi cuộc đời của ông.
Vào một buổi chiều ngày 16/11/2011, trên đường trở về nhà cùng với vợ, vợ ông cũng bị mù, ông đã ngã ngay trước khi đoàn tàu lao đến ở nhà ga Yamanote, Tokyo. Lúc đó ông mới có 42 tuổi. Mặc dù giải Blind Tennis Open thường niên lần thứ 22 vẫn được tổ chức tại Tokorozawa, Saitama sau đó 4 ngày, lần đầu tiên sau 21 năm, người hâm mộ và các cây vợt không còn được nghe thấy giọng nói của Takei.
Thế nhưng, di sản của ông thì vẫn được gìn giữ. “Ước mơ của Takei là đưa quần vợt mù đến nhiều nơi trên thế giới”, bà Ayako Matsui, một giáo viên dạy trẻ khuyết tật và là bạn thân của vợ chồng Takei từ năm 2006, chia sẻ. “Ông ấy muốn xây dựng một xã hội tốt hơn, với những người bình thường và người tàn tật có thể chơi quần vợt cùng nhau, hiểu nhau hơn”.
Hiện nay, bà Matsui là người đứng đầu Liên đoàn quần vợt mù Nhật Bản và Diễn đàn quảng bá quần vợt mù châu Á. Bà đang nỗ lực thực hiện tâm nguyện của Takei là phổ biến quần vợt mù ra thế giới và cuối cùng, đưa môn thể thao này vào chương trình thi đấu ở Đại hội Paralympic 2020.
“Ước mơ của ông Takei giờ là ước mơ của tôi và tôi thấy mình thật vinh dự khi được chia sẻ điều đó”, bà Matsui cho biết. Cũng nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà và sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ NEC, Kao Corporation và Kao Heart Pocket Club, một ngày nào đó, quần vợt mù có thể xuất hiện tại Paralympic.
Theo bà Matsui, việc dạy quần vợt mù cho trẻ em gặp vấn đề về thị giác giúp chúng cải thiện khả năng vận động, học cách tự lực, rèn luyện sức khỏe và xây dựng các mối quan hệ, chưa nói gì đến tính giải trí và hài hước của môn thể thao.
Cơ hội cho những người mù
Người mù có thể chơi cờ nhưng đó là với một môn thể thao tĩnh, còn với những môn thể thao động như bóng đá hay quần vợt, điều này là không dễ. Tuy nhiên, nếu có một môn thể thao nào đó giúp người mù rèn luyện những kỹ năng như bà Matsui đã nói ở trên, đó hẳn phải là quần vợt mù. Điều này đã giải thích tại sao trong 25 năm qua, quần vợt mù đã vượt ra khỏi Nhật Bản để đến nhiều quốc gia, trong đó có Anh.
Mặc dù quần vợt mù chỉ mới du nhập vào Anh từ năm 2006 sau khi được Takei và Matsui giới thiệu, số người chơi môn thể thao này đã tăng mạnh không kém gì ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Trở ngại duy nhất là họ cần tạo ra những quả bóng có thể nẩy hơn, bền hơn và rẻ hơn, cũng như thống nhất luật chơi trên toàn thế giới.
Dĩ nhiên là so với những trở ngại còn lớn hơn thế, đó chỉ là một vấn đề nhỏ bởi chỉ riêng ý nghĩ người mù chơi được quần vợt đã là điều không tưởng. Điều này đã giải thích tại sao trong cộng đồng người khuyết tật Nhật Bản và thế giới, Takei đã trở thành tấm gương cho tất cả học hỏi và vươn lên. Từ mong muốn đầu tiên của ông là giúp người khuyết tật có thể có cơ hội chơi thể thao và rèn luyện như người bình thường, quần vợt mù giờ như một sợi dây kết nối mọi người lại với nhau - người mù, người điếc, người già, người trẻ, những người ở các quốc gia và dân tộc khác nhau.
Điều quan trọng nhất là trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Takei đã cho thấy rằng, một người mù không có nghĩa là không nhìn thấy gì hay làm được gì. Riêng ông, ông đã làm được bằng cách kéo lại ranh giới giữa điều không thể và có thể.
Sau khi gặp Takei vào năm 2006, bà Matsui đã tới Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) và Liên đoàn quần vợt Anh trong năm đó để giới thiệu quần vợt mù. Rồi họ trở lại Anh vào tháng 1/2007, đến Hàn Quốc năm này, Đài Loan (TQ) năm 2008, Trung Quốc năm 2009 và 2010. Hiện nay, bà Matsui cũng đã lập nhóm “International Blind Tennis Association” trên Facebook để chia sẻ thông tin về quần vợt mù.