Hiểu nhầm
Sau gần 2 năm hì hụi với tạ, anh Hoàng Toản ở 352 Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã có sự cải thiện thể hình đáng kể khi vai, ngực đã hình thành các nhóm cơ sắc nét.
Tuy nhiên, anh Toản thấy rằng cơ thể vẫn chưa ổn lắm vì khi mặc áo vẫn thấy “lùng nhùng” kể cả các loại “áo slim fit” và cố khắc phục bằng các tăng cường tập vai, ngực. Tại phòng tập, ai cũng bảo, nhìn đằng trước thì thành quả tập luyện của anh khá ổn, còn khi nhìn từ phía sau thì không khác gì những người vừa làm quen với tạ.
“Rõ ràng, anh Toản đã thấy đúng khi nhận thấy cơ thể mình như vậy và tìm cách khắc phục bằng các bài tập; nhưng anh đã hiểu nhầm và dẫn đến tập sai nên mục đích vẫn không đạt”, HLV CLB Gym Thanh niên Nguyễn Trung Hiếu nói.
Ít được phô bày
Theo HLV Trung Hiếu, anh Toản đã bỏ qua việc tập một nhóm cơ quan trọng - lưng (trong phòng tập hay gọi là tập sô). Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ thể trước vạm vỡ sau èo uột của nhiều người chứ không riêng anh Toản.
Tập luyện để có một cơ thể cân đối, một hình thể đẹp thì nam giới cần phải để ý các nhóm cơ: Bụng, Ngực, Tay, Đùi, Bắp chân, Cầu vai, Lưng (Sô sau), Lườn, Mông. Trong đó, lưng giữ một vai trò quan trọng trong tổng thể cơ thể; tuy nhiên, lưng lại không thuộc nhóm cơ được xuất hiện và phô bày thường xuyên như ngực, bụng, tay nên hay bị bỏ quên dẫn đến việc mất cân đối phía trước và phía sau của cơ thể.
Không những thế, một tấm lưng khoẻ mạnh, săn chắc sẽ là nền tảng quan trọng cho các hoạt động thể thao, hoạt động thường ngày và nhất là để có một hình thể đẹp khi nó kết hợp một cách hài hoà giữa độ rộng, khoẻ và dẻo dai. Ngoài ra, cơ lưng yếu sẽ rất dễ bị chấn thương khi tập luyện.
Cơ lưng gồm những gì?
HLV Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Cơ lưng là một trong những nhóm cơ lớn, phức tạp và chia thành nhiều nhóm cơ nhỏ hơn, bao gồm: Cơ lưng rộng, Cơ thang, Cơ cương cột sống, Cơ thoi, Cơ tròn to và nhỏ.
Cơ lưng rộng (Cơ xô) là nhóm cơ lớn nhất, bắt mắt nhất của lưng, có tạo nên một cơ lưng hình chữ V. Nhóm cơ này nằm dọc 2 bên nách.
Cơ thang được chia thành cơ thang dưới, giữa và trên. Cơ thang chạy từ sau gáy xuống đến gần lưng dưới. Nhóm cơ thang trên (cầu vai) được chú ý nhiều nhất. Tiếp đến là cơ lưng giữa, cơ này nằm ngay trên xương vai. Cơ thang dưới nằm giữa giữa 2 xương vai và chạy dọc theo sống lưng đến gần lưng dưới. Cơ thang tham gia vào các loại vận động: Nhún vai, di chuyển cổ, đỡ đầu, giữ và điều khiển xương vai.
Cơ cương cột sống có tác dụng bảo vệ cột sống và góp phần tạo nên vóc dáng và khả năng giữ thăng bằng khi uốn cong theo các hướng khác nhau. Nhóm cơ này tăng cường sức mạnh tổng thể và độ dày, rắn của lưng.
Cơ thoi bắt đầu từ cột sống và bám vào xương vai. Tác dụng chính của nó là kéo xương vai về phía gần cột sống.
Các cơ tròn to và nhỏ nằm dưới cơ xô, mặc dù nhỏ nhưng rất quan trọng. Nó phối hợp cùng với các nhóm cơ xoay cánh tay và cơ xô trong các hoạt động của cánh tay.