23h00 đêm nay, Đức sẽ có cuộc chạm trán với Slovakia tranh 1 suất vào vòng tứ kết.
Có môt thực tế với Tuyển Đức cả khi đá giao hữu và vào giải, hễ cứ trận nào tấn công dồn dập, như "ăn tươi nuốt sống" đối thủ là trận đó lại ghi càng ít bàn.
Điều này thoạt nhiên có vẻ rất nghịch lý vì phải có bóng trong chân, phải tổ chức tấn công thì khi đó bàn thắng mới đến. Nhưng thực ra, không quá khó để lý giải với trường hợp của Tuyển Đức.
Sau khi lên ngôi VĐTG tại Brazil cách đây 2 năm, đương nhiên khi gặp bất cứ đối thủ nào, Đức cũng sẽ vào trận với tư thế của kẻ ngồi trên ngôi cao, còn đối thủ của họ sẽ phải chịu phận lép vế. Vì thế, thế trận có Đức đều không có một kịch bản quen thuộc, Tuyển Đức xua quân lên tấn công, và đối thủ chơi thấp, thậm chí là co cụm, rình rập chờ thời hy vọng tạo đột biến.
Điểm qua phong độ của Đức trong 6 trận gần nhất, 3 giao hữu trước thềm EURO 2016 và 3 trận vòng bảng, thì họ đã thắng 4 và chỉ thua 1 trận.
Và có một điều đáng chú ý, ngoại trừ trận gặp đối thủ được đánh giá là không chênh lệch nhiều về trình độ là Italia, không trận nào Tuyển Đức dứt điểm ít hơn 15 lần.
Đức thắng Hungary và Ukraine cùng với tỷ số 2-0, thắng Bắc Ireland 1-0 trong khi thắng Italia... tới 4-1. Hai trận còn lại, Đức thua Slovakia 3-1 và bị Ba Lan cầm hòa không bàn thắng.
Từ đây nhận thấy một vấn đề đó là, trận nào Đức càng sút nhiều thì lại càng không hiệu quả.
Trận thắng Italia, cả trận Tuyển Đức chỉ sút có 9 lần, kém cả đối phương nhưng kết quả thì như trên đã đề cập. Trận gặp Ba Lan, Tuyển Đức bắn phá tới 16 lần nhưng chỉ có 3 trong số đi trúng đích và hòa 0-0.
Đỉnh điểm là trận đấu với Bắc Ireland, dù không thể phủ nhận tài năng của thủ môn McGovern nhưng suốt 90 trận, Tuyển Đức đã tung ra tổng cộng 28 cú dứt điểm nhưng chỉ 9 lần bóng đi vào khuôn khổ khung thành.
Như vậy, vấn đề thật sự của Tuyển Đức là nằm ở khả năng tận dụng và chuyển hóa cơ hội của hàng công, mặc dù khả năng cung cấp bóng của tuyến tiền vệ với những ngôi sao như Kroos hay Oezil vẫn là rất ổn định.
Không phải HLV Joachim Loew và các đồng sự không nhận ra điều này, vì chính ông đã thừa nhận các học trò nhiều thời điểm tỏ ra bối rối và vội vàng khi đối phương phòng ngự với số lượng người dày đặc.
Giải pháp cho ông Loew lúc này có thể là nên để Tuyển Đức đá chậm rãi, không cần thiết phải đẩy cao đội hình và nhịp độ để gây áp lực quá lớn lên đối thủ, "thả thính" để đối phương tỏ ra sơ hở trong hệ thống phòng ngự và tạo điều kiện cho những nhân tố thi đấu vừa tốc độ, lại vừa kỹ thuật như Goetze, Draxler và thậm chí cả Sane phát huy sở trường.
Và biết đâu, Đức còn có thể tận dụng những tình huống cố định hay những pha dứt điểm từ xa lợi hại từ tuyến hai để kết liễu đối thủ, giống như chính cái cách Slovakia đã hạ họ trong trận đấu cách đây khoảng 1 tháng.