Nếu các bạn là võ sĩ, chắc chắn khi đọc bài báo này, các bạn sẽ thấy được hình ảnh của chính mình trong những cái khổ được kể dưới đây. Những cái khổ đó, có thể là do tính cạnh tranh trong công việc, áp lực thành tích, sự khắc nghiệt của nghề như việc luyện tập nặng, ép cân hoặc đối mặt với chấn thương.
Đối với mức cạnh tranh ở từng hạng cân
Mỗi môn võ hoặc mỗi quốc gia sẽ có đặc thù về hạng cân thi đấu khác nhau. Chẳng hạn, tại Việt Nam, những võ sĩ ở hạng cân nhỏ, hoặc trung bình sẽ có tính cạnh tranh cao (vì phù hợp với thể trạng chung của người Việt Nam nên hạng cân rất đông), còn những hạng cân nặng thì rất ít võ sĩ tham gia, tính cạnh tranh của nó sẽ ít hơn khi tham gia các giải đấu trong nước. Nhưng ngược lại, những hạng cân lớn khi đi ra đấu trường nước ngoài sẽ khó có thành tích.
Áp lực thành tích
Về thành tích thi đấu trong thể thao, không chỉ áp lực lên huấn luyện viên mà còn áp lực lên cả vận động viên. Các võ sĩ không những phải luyện tập nặng, mà bên cạnh đó, họ còn phải cố gắng để đạt thành tích, đảm bảo chỉ tiêu mà các huấn luyện viên đã đặt ra cho mình.
Sự khắc nghiệt khi tập luyện nặng
Môn võ cần đến một tinh thần thép để chịu đựng sự khắc nghiệt của việc luyện tập. Đôi khi tập luyện với mồ hôi nhễ nhại, hoặc tập với cường độ nặng lúc sắp thi đấu có thể đến mức độ nôn ói. Võ sĩ thường phải chịu những cơn đau nhức, ê ẩm cơ thể từ việc tập luyện nặng mỗi ngày.
Ép cân để thi đấu
Đối với môn võ, việc thi đấu phải đúng với hạng cân mà võ sĩ đã từng đăng ký, theo xu hướng và nhiều lý do khác, nên hầu như các võ sĩ đều phải ép cân. Việc ép cân khá là nặng nề, đối với thi đấu nghiệp dư thường là ép ký nhiều lần cho một giải đấu, còn thi đấu chuyên nghiệp thì các võ sĩ thường phải ép ký rất sâu.
Công việc ép cân thật sự là nỗi khổ của các võ sĩ, vừa tập luyện nặng, vừa ăn uống chế độ kiêng khem, cân nặng và sức đề kháng giảm, thậm chí, đôi khi phải mạo hiểm chạy bộ dưới trời nắng nóng bất chấp những nguy cơ về mặt sức khỏe.
Nỗi khổ đối mặt với chấn thương
Có thể khẳng định với bạn một câu, không có võ sĩ nào chưa từng đối mặt với chấn thương, nếu không là chấn thương trong thi đấu thì là chấn
thương trong tập luyện. Nhất là những môn võ tự do như: Kickboxing, Muay Thái, hay võ tổng hợp MMA thì chấn thương luôn rình rập võ sĩ ở mọi lúc tập luyện và thi đấu. Nhìn chung, các chấn thương rất đa dạng, các võ sĩ có thể đối mặt với chấn thương từ mức độ nhẹ đến nặng hoặc đôi khi là những chấn thương nghiêm trọng.
Không đơn thuần là những chấn thương hiện tại, các võ sĩ chúng ta còn có thể đối mặt với những di chứng, bệnh hậu về sau này.
Thật không hề dễ dàng để quyết định theo nghề võ, khi có hàng loạt cái khó, cái khổ trong nghề, nhưng niềm đam mê, sự cố gắng, tính kiên cường trong mỗi võ sĩ đã giúp họ có động lực vượt qua những khó khăn và trở ngại ấy để vươn tới thành công và chạm đỉnh vinh quang.