Dmitry Bivol: Một nửa lạnh lùng của nghệ thuật Quyền Anh

Lâm Gia
thứ năm 10-10-2024 13:20:17 +07:00 0 bình luận
Duới sự hy sinh của gia đình để nuôi dưỡng nghiệp, Dmitry Bivol đã trở thành đại diện ưu tú nhất của lối đánh kỷ luật trong làng Quyền Anh đương đại.

Vào lúc 5h00 Chủ Nhật 13/10 theo giờ Việt Nam, Dmitry Bivol sẽ bước vào trận đấu quan trọng nhất sự nghiệp. Chủ nhân chiếc đai WBA hạng bán nặng (light heavyweight) sẽ đối đầu Artur Beterbiev - người đang nắm trong tay ba danh hiệu WBC, IBF và WBO. 

Hâm mộ Thành Long tới quyết định đến với Boxing

Dmitry Bivol sinh trưởng trong một gia đình có mẹ anh - bà Yelena là người Nga gốc Hàn - một trong những dân tộc thiểu số với khoảng 500 ngàn người tập trung ở các quốc gia phía đông Liên Xô cũ. Cha anh, ông Yuri Bivol là một người gốc Moldova. 

Ông Yuri và bà Yelena gặp nhau thời còn là sinh viên, cả hai sau đó quyết định sinh sống tại Kyrgyzstan - một vùng đất có sự giao thoa của nhiều dân tộc khác nhau. 

Dmitry Bivol sinh ngày 19 tháng 12 năm 1990 tại Tokmok - thành phố nhỏ nằm ở phía đông thủ đô Bishshek. Khi đó, cha mẹ anh đang làm công việc của những người nông dân trồng hành và lúa mì. "Tuổi thơ của tôi là những ngày giúp gia đình làm công việc đồng áng." - Dmitry Bivol nhớ lại.

Như bao đứa trẻ khác ở thập niên 90, Bivol lớn lên cùng những bộ phim Kungfu của Thành Long, lý do khiến anh được tiếp cận với môn Wushu. Tuy nhiên, Bivol sớm nhận ra mình không thích những cú đá, khi anh nhấc đôi chân lên khỏi mặt đất. Và thế là năm 6 tuổi, ông Yuri quyết định đưa con trai mình đến với bộ môn Quyền Anh (Boxing). 

Bivol cùng cha mình - ông Yuri (thứ hai từ trái qua), ông nội và con trai của anh.

Lựa chọn trưởng thành

Cuộc sống của những người nông dân không hề dễ dàng, và quyết định cho con cái họ theo sự nghiệp thể thao lại càng khó khăn hơn. "Thời gian đầu đến với Quyền Anh, tôi phải tập với một đôi giày ba lê. Gia đình các thành viên trong đội phải góp tiền mua xe và trả tiền xăng để chúng tôi tham gia giải." 

"Có lần thi đấu, một cậu bạn đã khóc nức nở. Tôi lại hỏi chuyện và cậu ấy nói "Bố tôi phải chật vật lắm mới kiếm đủ tiền để đưa tôi đi thi đấu, và tôi lại thua ngay trận đầu tiên". Những điều đó khiến chúng tôi trưởng thành sớm hơn." 

Sự trưởng thành của Bivol được chứng minh bằng 23 trận thắng liên tiếp kể từ khi ra mắt trên sàn nghiệp dư. Năm 11 tuổi, anh giành chức vô địch trẻ quốc gia với một đối thủ lớn hơn mình 3 tuổi. Tất cả các giải đấu, Bivol đều có sự đồng hành của cha mình, ông Yuri Bivol - người luôn tin tưởng vào cậu con trai.

Dmitry Bivol khi còn thiếu niên cùng các đồng đội.

Năm 2002, gia đình Bivol bán tất cả tài sản để chuyển đến St.Peterburg, với hi vọng anh có thể tiếp cận môi trường đào tạo tốt nhất tại Nga. Ông Yuri trở thành một tài xế xe buýt để có thể nuôi dưỡng sự nghiệp chớm nở của chàng trai 12 tuổi. 

Niềm tin của ông Yuri sớm trở thành hiện thực. Dmitry Bivol giành chức vô địch Châu Âu lứa tuổi học sinh ba năm sau đó, liên tiếp giành chức vô địch thế giới lứa tuổi thiếu niên các năm 2006, 2007. Tới năm 2013, Dmitry Bivol có tấm huy chương vàng cấp độ thế giới đầu tiên tại World Combat Games được tổ chức tại chính thành phố St.Peterburg.

Bivol khi giành huy chương bạc tại Đại hội Thể thao đại học thế giới (FISU World University Games hay Universiade)

Một câu nói quyết định cả sự nghiệp

"Tôi không thích con trai mình tự hào vì những vểt rách trên mặt. Đừng cho khán giả thấy nước mũi, máu, môi và mặt của con bị rách. Hãy mang đến một trận đấu cổ điển và đẹp đẽ."

Đó là câu nói của ông Yuri, cha của Dmitry Bivol đã định hình toàn bộ hình ảnh trên sàn đấu của anh sau này. 

Ông Yuri và Dmitry Bivol.

Trưởng thành dưới môi trường Boxing Liên bang Nga, Dmitry Bivol thừa hưởng hệ thống kỹ thuật từ thời Liên Xô cũ. Trong đó, người thầy nổi tiếng nhất của anh cũng là một trong các huấn luyện viên bậc nhất của Liên Xô - Nikolay Isaev. 

Phong cách của Nikolay Isaev đặc trưng bởi lối di chuyển "pendulum step" (bước con lắc), đôi chân và thân người của võ sĩ luôn nhún nhảy, tận dụng đà di chuyển để tiến lui hợp lý, giữ võ sĩ ở trạng thái sẵn sàng thoái lui hoặc ép công khi cần thiết. 

Nếu nhìn lại 23 trận đấu chuyên nghiệp của Dmitry Bivol, ta vẫn thấy được những đặc trưng của "pendulum step" phong cách Liên Xô. Chúng không hoa mỹ, lắt léo với những kỹ thuật hụp lặn như Quyền Anh kiểu Mỹ hay Vương quốc Anh; không mạo hiểm, bạo liệt với những pha áp sát, đổi đòn búa tạ như phong cách Mexico, tất cả gói gọn trong cụm từ "tối giản". 

Lối đánh của Bivol dựa vào khả năng di chuyển, kiểm soát khoảng cách thượng thừa.

Làng Quyền Anh thế giới không hiếm những võ sĩ trưởng thành từ hệ thống Liên Xô, như anh em nhà Klitschko, cựu vô địch hạng bán nặng Sergey Kovalev, "Ma trận" Vasyl Lomachenko hay gần đây nhất là vị vua hạng nặng Oleksandr Usyk. Thế nhưng, người ta vẫn nhìn thấy đâu đó sự kết hợp của các lối đánh khác vào trong họ. Với Bivol, sự pha trộn này là rất ít. 

Rất hiếm khi bị choáng, gần như không có bất kỳ vết cắt nào trong cả sự nghiệp, đó là những gì người ta vẫn nhớ về Dmitry Bivol. Trong đó, hình ảnh ấn tượng nhất và cũng là trận đấu nổi tiếng nhất của Bivol với Canelo Alvarez. Dmitry Bivol chẳng nhận lấy một vết thương đáng kể, dù anh vừa trải qua 12 hiệp với một trong những võ sĩ giỏi nhất thế giới, người mang phong cách Mexico khốc liệt. Anh trở thành người thứ hai sau huyền thoại Floyd Mayweather Jr khiến Canelo phải ra về với một trận thua. 

Trước ống kính máy quay, Dmitry Bivol cũng lạnh lùng và tối giản như lối đánh của anh. "Tôi được dạy rằng không được xúc phạm đối thủ, không nói những gì không làm được và nói những gì mình không biết." Chính lời dạy này đã tạo nên một bức tường tâm lý không thể xô đổ của Dmitry Bivol, giữ anh tập trung hoàn toàn dù đối thủ là ai.

Chính điều đó đã biến Dmitry Bivol trở thành cái tên đặc biệt, người hiếm hoi còn giữ hình ảnh "cũ" ở hiện tại. Nhưng cũng từ phong cách này, Bivol hiện thực hóa một cách triệt để những lời dạy của cha mình.

Từ tâm lý tới phong cách thi đấu, Dmitry Bivol dường như khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của giới Boxing hiện tại. Anh không sở hữu những trận đấu đẫm máu, những cú đấm ngàn cân; cũng chẳng dùng lời lẽ khiêu đối thủ hay làm trò mỗi khi xuất hiện - những thứ được xem là "tất yếu" với một võ sĩ muốn nổi tiếng trong thời đại này.

Dmitry Bivol là đại diện hoàn hảo của một nửa còn lại. Đó chính là tập trung hoàn toàn vào sự đơn giản, chuyên môn để có được thành công như hiện tại.

Thử thách lớn nhất trước Artur Beterbiev

Dĩ nhiên, bất kỳ tay đấm nào khi bước vào làng Quyền Anh, cũng mơ về ngày giữ 4 chiếc đai danh giá nhất trong tay. Dmitry Bivol chuẩn bị thực hiện mục tiêu đó khi đối đầu Artur Beterbiev.

Cũng có lý do khiến đa số khán giả tin rằng, cỗ xe tăng Artur Beterbiev là thử thách khó khăn hơn nhiều so với Canelo. Đơn giản, Beterbiev là người của hạng bán nặng, càn quét hạng cân này chuyển sang chuyên nghiệp năm 2013, và bắt đầu giữ danh hiệu vô địch thế giới (IBF) đầu tiên năm 2017. 

Bivol sẽ đối mặt thử thách mang tên Artur Beterbiev.

Trái với Dmitry Bivol, Beterbiev mang đến lối đánh ép mọi đối thủ phải tung đòn nặng vào mình, và anh luôn là người đứng lại sau cùng. Callum Johnson, Jeff Page Jr hay Marcus Browne, tất cả đều từng có hi vọng đánh bại Beterbiev nhưng chẳng một ai trụ được quá hiệp 10.

Artur Beterbiev chính là bài kiểm tra cuối cùng của Dmitry Bivol, người sẽ xem anh có xứng đáng với danh hiệu vị vua phòng thủ của làng Quyền Anh đương đại. Liệu rằng, Bivol có thể bảo toàn chuỗi bất bại, trở thành người tiếp nối huyền thoại Roy Jones Jr lên ngôi vô địch tuyệt đối hạng bán nặng và một lần nữa đưa phong cách Liên Xô cũ lên đỉnh cao thế giới. Tất cả sẽ có câu trả lời ở cuộc đối đầu rạng sáng Chủ Nhật tới đây.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm